"Từ núi rừng Ba Tơ"

02:03, 11/03/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945) đã đi vào lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Bài hát “Tung bay, muôn năm tung bay bóng cờ...” mà những chiến sĩ của Đội Du kích Ba Tơ đã hát trong lễ chào cờ với khí thế hùng hồn năm xưa như vang vọng mãi. 75 năm trôi qua, từ núi rừng Ba Tơ vẫn mãi vang lên khúc tráng hào hùng.
Một cuốn sách quý

Tôi đã nhiều lần được nghe các đồng chí là chỉ huy, đội viên Đội Du kích Ba Tơ kể về cuộc Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ huyền thoại. Câu chuyện lịch sử nghe đi, nghe lại vẫn cứ như mới ngày hôm qua, niềm tự hào, lòng tri ân sâu sắc đối với những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông vì hòa bình, độc lập của dân tộc cứ thế nối dài theo năm tháng.

Lần này, kỷ niệm 75 năm Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, tôi lại đọc kỹ từng trang hồi ký “Từ núi rừng Ba Tơ” của Trung tướng Phạm Kiệt, Đội trưởng Đội Du kích Ba Tơ, người đã ghi dấu nhiều chiến công trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng ở Quảng Ngãi nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

“Từ núi rừng Ba Tơ” sẽ mãi là một cuốn sách quý, vượt thời gian để đến với các thế hệ người dân, nhất là thế hệ trẻ trên quê hương núi Ấn-sông Trà, đó là bài học giáo dục lòng yêu nước, tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.
 
Đây không phải là cuốn sách mới xuất bản, nhưng có lẽ nhiều người chưa có dịp đọc và sẽ mãi là "cuốn sách mới" khi lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước là niềm tự hào cho muôn đời sau. 
 
“Từ núi rừng Ba Tơ” như một thước phim quay chậm, ghi lại những gì đã diễn ra tại Căng an trí Ba Tơ năm xưa kể từ ngày địch đưa đồng chí Phạm Kiệt về giam tại đây. Đặc biệt là ghi chép bối cảnh, diễn biến Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, những khó khăn, vất vả nhưng lòng đầy tự hào mà những chiến sĩ cách mạng trong đội quân du kích Ba Tơ đã cống hiến cho quê hương, đất nước. Họ “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những nỗi lo lắng, vất vả suốt ngày đêm của những chiến sĩ cộng sản làm bí mật xây dựng lực lượng trong vòng kìm kẹp của kẻ thù; là niềm vui tột cùng khi thời cơ đã chín muồi để tiến hành cuộc khởi nghĩa…
 
“Đêm sung sướng nhất đời”
 
Trong suốt dặm dài nô lệ, đêm 11 tháng 3 năm 1945 ở quê hương nơi có ngọn núi Cao Muôn sừng sững, bừng sáng trong niềm vui sướng tột của toàn dân khi Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi. Cuốn hồi ký đã ghi lại thời khắc cuộc khởi nghĩa thắng lợi, đó là “Tiếng reo hò vang dậy. Quần chúng kéo vào khua đuốc, đánh trống mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Hai mươi tám chiến sĩ khởi nghĩa tập hợp ngay ngắn trước sân. Khí thế đoàn quân chiến thắng trông thật hùng dũng. Cờ tam tài đã bị hạ xuống. Chúng tôi làm lễ treo cở đỏ sao vàng. Màu cờ cách mạng đỏ thắm tung bay trong ánh đuốc sáng rực. Những gương mặt kiên nghị, phấn khởi, tin tưởng hướng cả về lá cờ lần đầu được kéo lên trên đất Quảng Ngãi. Bài hát chào cờ trầm ngâm vang lên. Hồi ấy, chúng tôi chưa biết bài “Tiến quân ca” mà còn hát một bài học được trong tù, câu mở đầu là  “Muôn năm tung bay bóng cờ…”. Tuy vậy giữa không khí trang nghiêm, lời hát đó đã gây cho mỗi người một xúc động sâu sắc”.   
Du khách tham quan Bảo tàng Khởi Nghĩa Ba Tơ.
Du khách tham quan Bảo tàng Khởi Nghĩa Ba Tơ.
 
Trung tướng Phạm Kiệt đã bộc bạch trong hồi ký rằng: “Đối với chúng tôi, đêm 11 tháng 3 năm 1945 là một đêm sung sướng nhất đời. Bao nhiêu năm xót đau về cảnh nhân dân bị nô lệ, bao nhiêu năm bị giam cầm tù tội chỉ mơ ước có một ngày quật khởi, đạp đầu kẻ thù xuống thì ngày ấy đã đến. Lá cờ Tổ quốc mà chúng tôi ấp ủ, phải che giấu bao nhiêu lâu, thì ngày nay đã công khai tung bay trước gió, tượng trưng cho niềm vui chiến thắng đang dâng lên. Trước kia, mong muốn có một khẩu súng trong tay cũng đã là chuyện xa xôi, bây giờ chúng tôi đã có đủ võ khí trang bị cho một trung đội quân khởi nghĩa. Nhưng điều mà chúng tôi sung sướng nhất là chính quyền cách mạng đầu tiên trong tỉnh đã được thiết lập ở đây, nơi mà kẻ thù âm mưu định làm chết dần chết mòn những người cách mạng…”.
 
Với đồng bào các cơ trong núi thì nói rằng: “Chà, các ông an trí cộng sản tay không lấy đồn, lại thương dân, lấy của Tây cho dân hết, không giữ gì cả”. Núi rừng Ba Tơ cùng với đồng bào H’rê nơi đây đã chở che, nuôi giấu đội quân du kích; khắp các ngọn núi, con sông… ở mảnh đất này đều ghi dấu bước chân hành quân của những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Họ đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi. Từ núi rừng Ba Tơ, những chiến sĩ cộng sản đã làm nên điều kỳ diệu.
 
“Từ núi rừng Ba Tơ”, cuốn sách như một món quà quý mà lớp người đi trước dành tặng thế hệ mai sau để nhắc nhớ về lòng yêu nước và trách nhiệm với non sông!
 
                                                                                                         Bài, ảnh:  PHƯƠNG LÝ
 
 

.