Y Minh Trang với điệu múa nơi đại ngàn

05:02, 22/02/2020
.
(Báo Quảng Ngai)- Với tình yêu quê hương tha thiết, Y Minh Trang- người con gái Hrê, xã Ba Chùa (Ba Tơ) đã thể hiện văn hóa của đồng bào mình qua ngôn ngữ múa làm mê đắm lòng người. Chị đã góp phần giữ gìn văn hóa của đồng bào Hrê và đã được tặng nhiều giải thưởng giá trị.
 
Chưa bằng lòng với những gì mình đạt được, ở tuổi 33, Y Minh Trang vẫn lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh học thêm kiến thức nhằm truyền đạt văn hóa của dân tộc Hrê đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ qua ngôn ngữ múa.
 
Nếp nhà sàn qua ngôn ngữ múa
 
Mới đây, Y Minh Trang nhận được tin vui khi tác phẩm “Giai điệu nhà sàn” đoạt giải C của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Đây là tác phẩm được chị lấy ý tưởng từ sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Hrê giúp nhau trong dựng nhà sàn ở quê nhà. Bằng ngôn ngữ hình thể, những động tác tay, chân kết hợp, chị đã biên đạo, dàn dựng thành tác phẩm múa “Giai điệu nhà sàn”.
 
Trên cơ sở này, chị đã hướng dẫn cho Đội văn nghệ quần chúng Ba Tơ thể hiện nhằm tái hiện lại toàn bộ quá trình đồng bào giúp nhau kiếm cây, vác vật liệu dựng, lợp, cột mái nhà cho đến khi ngôi nhà hoàn thành. Khi gia chủ tổ chức cúng vào nhà mới, dân làng cùng nhau uống rượu hát múa thâu đêm để chúc mừng.  
 
Y Minh Trang - nhận giải C với tác phẩm
Y Minh Trang - nhận giải C với tác phẩm "Giai điệu nhà sàn" do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng. ẢNH: MAI HẠ
 
Tác phẩm được đánh giá cao ở chỗ chị đã biết kết hợp ngôn ngữ múa với giai điệu người Hrê phát triển trên nền nhạc hiện đại. Thế nên, những động tác sinh hoạt giúp nhau dựng nhà sàn trở nên mềm mại, uyển chuyển. Người xem dễ dàng cảm thụ được nét đẹp văn hóa sinh hoạt dựng nhà sàn của đồng bào Hrê trên vùng cao Ba Tơ.
 
Chị Y Minh Trang bộc bạch: “Sở dĩ lấy ý tưởng dựng nhà sàn để phát triển thành tác phẩm múa là vì nhà sàn là nơi thiêng liêng, che chở cho gia đình, anh em từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành; là nơi các thành viên trong gia đình quây quần bên bếp lửa để hàn huyên tâm sự". 
 
Trong vòng một ngày, Y Minh Trang đã dàn dựng hoàn thành tác phẩm “Giai điệu nhà sàn”. Những động tác tuy còn đơn sơ, mộc mạc, nhưng nhờ kết hợp khá nhuần nhuyễn, tinh tế giữa điệu và nhạc nên tác phẩm của chị được giới nghệ thuật đánh giá cao. Tác phẩm này cũng từng đoạt giải A trong đợt Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quảng Ngãi năm 2019. 
 
Đau đáu một niềm riêng
 
Y Minh Trang sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông. Cứ mỗi lần đi nương, rẫy về, tối xuống, ông bà nội đưa chị theo hết nhà này đến nhà khác trò chuyện, vui chơi, ca hát. Những giai điệu ca lêu, ta choi, những tiếng cồng, chiêng, đàn môi... ngọt ngào đã sớm ăn sâu vào tâm trí non trẻ của chị. Rồi mùa xuân đến, trai, gái, già trẻ trong làng có dịp quây quần vui chơi, ca hát, chị trở thành cô bé có năng khiếu để kết nối những cuộc vui. 
Y Minh Trang với điệu múa “Vũ sắc thổ cẩm Hrê”.                   Ảnh: NVCC
Y Minh Trang với điệu múa “Vũ sắc thổ cẩm Hrê”. Ảnh: NVCC
Năm 2008, chị đã thi vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai. Càng xa nhà, nỗi nhớ về tập tục, sinh hoạt văn hóa của quê hương càng da diết. Sau khi tốt nghiệp trở về, Y Minh Trang quyết định lấy kiến thức đã học kết hợp với văn hóa của đồng bào mình dàn dựng thành những tác phẩm nghệ thuật.
 
Trong 20 tác phẩm chị sáng tác, thì đã có 5 tác phẩm được ngành chuyên môn nghệ thuật đánh giá cao, như: “Vũ sắc thổ cẩm Hrê” (đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật các nước Đông Dương tổ chức tại Quảng Trị, năm 2016), “Khúc vọng chốn mang lung” (đoạt Huy chương Vàng trong dịp Liên hoan múa không chuyên toàn quốc năm 2016 tại Hà Nam), hay tác phẩm “Khóc trâu” (đoạt  giải A Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh năm 2017), tác phẩm “Bà Kno’c vụng về” (được Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tặng Bằng khen năm 2018)... 
 
Với sự am hiểu văn hóa của đồng bào Hrê, cùng với kiến thức đã học và kinh nghiệm sáng tác điệu múa dân gian, Y Minh Trang mong muốn có một công việc ổn định để cống hiến. Nhiều lần chị ngỏ ý xin vào ngành văn hóa, nhưng vẫn chưa được chấp nhận. Giờ đây, tuổi đã cao, chị mở lớp dạy múa cổ điển và dân gian cho trẻ; đồng thời làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng với mong muốn giúp thế hệ trẻ Hrê hiểu hơn về văn hóa của đồng bào mình mà ra sức giữ gìn và phát huy.
 
MAI HẠ
 
 
 
 

.