Tết đến từ những điều bình dị

10:01, 28/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)-  Đã nhiều năm trôi qua, nhưng cứ mỗi độ xuân về, Tết đến những ký ức tưởng chừng như ngủ quên trong tôi bỗng bừng thức, bồi hồi và xúc động.
Ngày trước thời tiết không đỏng đảnh, mưa nắng bất chợt như bây giờ. Hết mùa nắng nôi rát bỏng lại đến đông dài lê thê, rét buốt. Cứ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, trời mưa liên miên, xối xả, lạnh giá căm căm bởi gió bấc tràn về. Hết tiết tiểu hàn, đại hàn, chớm lập xuân là chỉ còn mưa lây rây, lất phất. Lúc bầu trời có nắng ấm dần lên cũng là thời điểm mọi nhà lo gieo trồng vụ đông xuân và âm thầm chuẩn bị cho cái Tết đang đến gần. 
 
Bà cháu. Ảnh: NGUYỄN TẤN PHÁT
Bà cháu. Ảnh: NGUYỄN TẤN PHÁT
Nhà tôi ở vùng ngoại ô, trong một xóm nhỏ nghèo đêm đêm mơ về thị xã sáng bừng ánh điện. Đất đai chỉ toàn cát với sỏi, nhưng tình người thì đậm đà, giàu lòng nhân ái, ấm áp và chan hòa. Thời buổi chiến tranh, dân các nơi tản cư về đây ngày một nhiều. Xóm nhỏ yên bình trở nên đông đúc, chộn rộn, nhưng không xô bồ. Dân tản cư biết phận mình, họ sống khép nép, nhường nhịn. Vì phải xa quê, họ làm đủ thứ công việc kiếm miếng ăn qua ngày, mong cuộc chiến qua mau để sớm được về quê quán. Rất nhiều gia đình không biết Tết là gì.
 
Hiểu được cảnh đời những gia đình tạm cư, mẹ tôi hay rỉ tai các cô, các bà trong xóm tìm cách giúp những người nghèo kiệt theo cái kiểu của người nghèo là “của ít lòng nhiều”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
 
Không như người ta hay nấu bánh tét vào ngày 30 Tết để đến đêm vừa canh bánh chín, vừa đón giao thừa, mẹ tôi nấu bánh tét vào chiều 28 hoặc 29 tháng Chạp để còn kịp biếu bánh cho vài gia đình. Không biết mẹ xoay xở tiền nong ra sao mà nồi bánh tét năm nào cũng to ụ, vớt ra để đầy cả cái nong mẹ thường phơi lúa. Ngồi quanh ánh lửa bập bùng của nồi bánh tét, mẹ không kể chuyện cổ tích, chuyện ngày xưa mà thường hay nhắc: “Các con à! Mình có miếng ăn thì phải luôn nghĩ đến những người đói khát. Cuộc đời chẳng ai biết trước được điều gì”.
 
Mẹ dặn thế, em tôi còn quá nhỏ không thể hiểu được. Riêng tôi khi được mẹ giao công việc hệ trọng là sáng 30 Tết bưng mấy đòn bánh tét cùng vài lọ củ kiệu sang biếu cho bà Quý, bà Hoài, bà Ba... trong xóm, tôi lờ mờ hiểu ra điều mẹ nói. Nhìn ánh mắt quá vui của các bà khi nhận món quà quê của mẹ, tôi lại hiểu thêm một điều là mẹ tôi đã san sẻ cái Tết cho những người nghèo hơn mẹ. Thì ra, Tết không ở đâu cao xa mà có lẽ bắt đầu từ những điều bình dị nhất.
 
Rất nhiều câu chuyện từ thời ấu thơ đong đầy trong ký ức của tôi, nhưng nhớ nhất là chuyện về một bà mẹ nghèo không có được tấm áo lành lặn để mặc Tết.
 
Năm ấy, còn nhớ là chỉ một vài ngày nữa là đến Tết, mẹ bảo tôi mang sang cho bà cụ hàng xóm hai đòn bánh tét và chừng năm lon gạo trắng. Cụ Ngợi năm đó chưa đầy 70, nhưng hom hem, gầy yếu. Trong ánh chiều tà, cái dáng bà cụ ngồi bên mái hiên lom khom, lụi cụi vá áo trông thật tội. Kể chuyện này với mẹ, mẹ lặng im không nói một lời.
 
Đến ngày mồng một, hai mẹ con đi chúc Tết, tôi thấy bà cụ hàng xóm mặc đúng cái áo màu tro của mẹ. Tôi thầm trách mẹ, nhưng mẹ bảo: “Chiếc áo này mẹ đã mặc mấy lần rồi. Thôi thì đến lượt bà, để có Tết”. Thời ấy, áo quần còn là của quý, không thừa mứa như bây giờ. 
 
Mái nhà xưa. Ảnh: Đoàn Vương Quốc
Mái nhà xưa. Ảnh: Đoàn Vương Quốc
 
Lớn lên theo dòng đời xuôi ngược, nếm trải đủ cả niềm vui nỗi buồn, tôi dần hiểu được ý nghĩa thiêng liêng và nhân văn của Tết dân tộc. Tết là sự khởi đầu cho những ước mong tốt đẹp, là dịp để tỏ lòng tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên, hướng về cội nguồn. Trong thời khắc giao hòa giữa đất và trời, giữa cõi tục và chốn linh thiêng, lòng người cũng rộng mở, muốn làm việc thiện, đem những điều tốt đẹp đến cho mọi người.
 
Tết mang ý nghĩa thiêng liêng, nhưng Tết cũng đến từ những điều rất bình dị. Tết là tấm áo mới mẹ dành dụm tiền may cho những đứa con để được xúng xính cùng bạn bè đi chơi xuân. Tết là nồi thịt kho tàu, là bánh tét, củ kiệu, dưa hành, là những món ngon ngày thường không có được. Tết là hoa vạn thọ nở rực vàng một góc hiên nhà, để mãi lặng sâu vào ký ức tuổi thơ. Tết là phiên chợ quê rộn rã sắc màu, là dáng tất tả của các mẹ, các chị đi sắm Tết. Những điều bình dị ấy đã làm nên Tết, làm nên hồn dân tộc.
 
THANH TÁNH
 
 
 
 

.