Nặng tình quê hương

03:01, 01/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- "...Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người" (Đỗ Trung Quân). Đúng vậy! Quê hương và người mẹ là hai hình ảnh rất gần gũi và thân thương, luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam, nên ai cũng phải nhớ. Bởi lẽ, trong quê hương có hình ảnh người mẹ, có tuổi thơ, bạn bè, người thân, đồng đội... và cả những rung động đầu đời. Tập thơ "Giấc mơ hồng" của tác giả Trương Binh (Hoàng Diễm), công tác tại Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khắc họa được điều đó, nên đã hấp dẫn, lôi cuốn người đọc vào dòng cảm xúc của tác giả...

Khác với tuyển tập thơ đầu tay “Một chút thôi” (2018), “Khúc ru chiều” (5.2019), tập thơ “Giấc mơ hồng” (10.2019), đều do Nhà xuất bản Văn học xuất bản, tác giả đã mang đến cho người đọc rất nhiều cung bậc cảm xúc trong 86 bài thơ.

Ngay từ cái tựa đề của tập thơ “Giấc mơ hồng”, mới thoáng qua, ai cũng nghĩ tác giả của tập thơ còn tuổi teen, với những bài thơ tình lãng mạng, đằng này tác giả lại đang ở cái tuổi tri thiên mệnh.

Tác giả cũng không dùng những lời hoa mỹ để khắc họa về hình ảnh quê hương, mà chỉ ghi lại những cảm xúc hết sức chân thật của bản thân: “Quy Thiện một vùng quê/ Dải cát vàng nắng cháy/ Dọc bờ biển yên lành/ Sóng vỗ về bờ cát... Sống can trường trên cát/ Bao thiệt thòi mất mát/ Xương rồng hoa vẫn nở/ Thắm đượm tình quê hương” (Hoa xương rồng quê tôi).

Tác giả cũng thật khéo léo trong việc lôi cuốn người đọc hòa mình vào dòng cảm xúc của bản thân bằng hình ảnh quê hương và người mẹ: “...Quê hương dẫn dắt con đi/ Là dòng sữa mẹ chẳng gì thế thay/ Cho con khôn lớn từng ngày/ Là nơi con sống đong đầy tình thương!” (Quê hương).
 
Những cảm xúc đó cho thấy tác giả là người nặng nghĩa, nặng tình với quê hương. Nơi quê hương đó, những ký ức, hoài niệm về tuổi thơ, về bạn bè, thầy cô... luôn luôn dâng trào cảm xúc đối với tác giả, trong đó cảm xúc về ơn nghĩa sinh thành cũng vô cùng mãnh liệt: “...Con trưởng thành nào tự con tất cả/ Nghĩa sinh thành con trả hết được sao...” (Nhủ lòng); hay như: “Nghĩa tình mẫu tử cao cả bao la/ Mẹ trao tất cả tình thương ngọt...” (Mẹ tôi).
 
Tập thơ còn ghi lại những hoài niệm của tác giả khi vinh dự là “hạt giống đỏ” được Đảng và Nhà nước đưa ra miền Bắc nuôi dưỡng, học tập, trong lúc chiến tranh nơi quê nhà nói riêng và cả miền Nam Việt Nam nói chung còn diễn ra khốc liệt. Không chỉ vậy, tác giả cũng có những dòng cảm xúc dâng trào về nghĩa vợ tình chồng; về những mối tình không nên duyên; về những cảnh đẹp của quê hương Việt Nam... nên đề tài này cũng được tác giả ưu ái thể hiện trong tập thơ.
 
Tập thơ “Giấc mơ hồng” dù chưa thể thỏa lòng hết những người yêu thơ và hiểu về thơ, nhưng đó là những cảm xúc chân thật của tác giả nên đáng được trân trọng. Người đọc chịu khó nghiền ngẫm từng dòng trong mỗi bài thơ thì chắc chắn sẽ thấy được cái thú vị, cái hay và cả hình ảnh bản thân, của gia đình, quê hương trong đó. Đây cũng là cái hồn thơ mà tác giả muốn gửi gắm trong tập thơ này.
 
Bài, ảnh: ĐỨC NGUYỄN
 
 

.