Ký ức về Đoàn Văn công giải phóng

10:12, 02/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Trong chiến tranh bom rơi đạn lạc, vậy mà tinh thần văn hóa, văn nghệ trong dân vẫn căng trào, nhiệt huyết. Tôi cùng các thành viên trong Đoàn Văn công giải phóng huyện Mộ Đức hăng hái biểu diễn, vừa đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần, vừa tạo hiệu ứng lan tỏa thông điệp về tinh thần yêu nước đến với người dân”, ông Nguyễn Nhơn (68 tuổi) ở xã Đức Thạnh, thành viên trong Đoàn Văn công giải phóng hồi tưởng.
Một thời để nhớ
 
Chiến tranh đã lùi xa, Đoàn Văn công giải phóng huyện Mộ Đức mỗi người một ngả. Nhưng kỷ niệm về những năm tháng sống, chiến đấu bằng giọng hát, diễn xuất trong chiến trường vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng mỗi người. Ông Nguyễn Nhơn, nguyên Phó đoàn Văn công giải phóng huyện Mộ Đức kể lại một thời cùng đồng đội đứng trên sân khấu làng biểu diễn những vở kịch, điệu múa, giọng hát mà như thể sống lại một thời hoa lửa.  
Ông Nguyễn Nhơn xem tấm hình chụp cùng với đồng đội vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng huyện Mộ Đức.
Ông Nguyễn Nhơn xem tấm hình chụp cùng với đồng đội vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng huyện Mộ Đức.
Ông Nhơn tham gia đoàn văn công năm 20 tuổi. Năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta diễn ra vô cùng ác liệt. Ông Nhơn cùng các đồng đội trong đoàn một tay súng, một tay đàn, trống... vừa chiến đấu, vừa hát cho nhân dân nghe. “Nhân dân ta lạc quan lắm, có tinh thần văn nghệ rất cao. Đoàn chúng tôi đến đâu là người dân tập trung xem rất đông”, ông Nhơn nhớ lại.
 
Nhớ có lần vào năm 1972, đoàn đang chuẩn bị sân khấu biểu diễn ở xã Đức Lân bỗng thấy xe tăng, bọc thép của địch chạy qua, các nghệ sĩ trong đoàn bình tĩnh đem thiết bị quan trọng giấu ở nhà dân. Sau vài giờ im ắng, đoàn lại ra hoàn tất sân khấu, biểu diễn cho bà con thưởng thức.
 
Các anh chị em trong đoàn đến từ nhiều địa phương ở huyện Mộ Đức. Họ xem nhau như người thân trong gia đình, chia ngọt, sẻ bùi cùng động viên nhau kiên cường chiến đấu. “Mỗi ngày được cùng với các anh em nghệ sĩ trong đoàn luyện tập rất vui. Những tâm hồn yêu nghệ thuật, văn hóa gặp nhau, cùng nhau chia sẻ, đóng góp lời, tiết tấu để hoàn thiện vở kịch, điệu múa”, ông Nhơn cười nói.
 
Mỗi thành viên trong Đoàn Văn công giải phóng là một chiến sĩ hết mình vì Tổ quốc. Việc gia đình, vợ con đều gác qua một bên để cống hiến tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết tham gia chiến đấu chống quân thù. Dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, xa hay gần, các nghệ sĩ - chiến sĩ đều không quản ngại.
 
Hăng say sáng tác
 
Ông Nhơn phụ trách công tác đạo diễn sân khấu, sáng tác các bài thơ, tiểu phẩm. Nội dung chủ yếu xoay quanh về Đảng, tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, sự quả cảm, gan dạ của chiến sĩ cách mạng và niềm tin chiến thắng. Mỗi đêm biểu diễn thường kéo dài đến khoảng 23 giờ, với chừng 7, 8 tiết mục, gồm: đồng ca, tốp ca, đơn ca, múa, tiểu phẩm, song ca, vở kịch (thường là dân ca bài chòi).
 
Một năm sau ngày hòa bình, Đoàn Văn công giải phóng huyện Mộ Đức giải thể. Ông Nhơn vẫn bám trụ quê hương và tham gia xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở xã. Ông cùng với các thanh niên trẻ ở xã thành lập Đoàn văn nghệ xã Đức Thạnh, rồi tiếp tục viết tiểu phẩm dân ca bài chòi, tập luyện cho đoàn văn nghệ xã.
 
Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, song ông Nhơn vẫn chưa bao giờ từ bỏ đam mê sáng tác, viết tiểu phẩm. Nhớ lại những năm ông Nhơn theo tàu bán đường muỗng, lúc ngồi trên tàu có thời gian rảnh, ông lại lấy giấy bút ra nghĩ ngợi, viết lách. Mới đây, ông Nhơn sáng tác tiểu phẩm “Đi tìm hài cốt đồng đội” thể hiện bằng dân ca bài chòi. Tiểu phẩm này được các nghệ sĩ trong huyện biểu diễn ở nhiều địa phương trong huyện và các nơi trong tỉnh.
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nhơn bồi hồi nhìn lại chặng đường tuổi trẻ của mình. Với ông, dường như những câu chuyện chỉ mới diễn ra ngày hôm qua, nhưng giờ ngoảnh lại là cả một đời người.
 
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 
 
 

.