Mộc mạc tên chợ xưa

01:11, 23/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Người Quảng Ngãi xưa đặt tên chợ rất dân dã. Có tên gắn với đặc trưng về địa hình, có tên gắn với sản vật đặc sắc của chợ... Đằng sau mỗi cái tên đều có những căn nguyên rất đỗi giản đơn, mộc mạc mà người xưa hồn nhiên gửi gắm...
Không giống như những chợ hình thành sau này thường được đặt tên dựa vào đơn vị hành chính các xã, chợ quê ngày xưa thường được định danh theo những cách khá đơn giản, dễ nhớ, nhưng cũng không kém phần độc đáo.
 
Đặt tên chợ theo đặc trưng địa hình
 
“Đồng Cát buôn bán sum vầy/ Ngó vô Lò Thổi thấy cây xùm xòa”. Là một trong những chợ lâu đời, sầm uất vào bậc nhất của huyện Mộ Đức, nhưng người Mộ Đức ngày nay ít ai hiểu rõ vì sao một chợ tọa lạc ngay bên Quốc lộ 1, xung quanh nhà cửa, hàng quán san sát lại có tên gọi... Đồng Cát.
 
Cái tên chợ Gò xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) là xuất phát từ việc khu vực xây dựng chợ là gò đất có rất nhiều cây dúi mọc xanh um.
Cái tên chợ Gò xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) là xuất phát từ việc khu vực xây dựng chợ là gò đất có rất nhiều cây dúi mọc xanh um.
Lý giải căn nguyên tên gọi Đồng Cát, cụ ông Năm Hậu, 70 tuổi, ở thôn 1, xã Đức Tân trầm ngâm kể: “Vị trí chợ Đồng Cát bây giờ là xứ đồng Đồng Cát ngày xưa. Vậy nên, khi thành lập chợ, người xưa lấy tên xứ đồng để đặt tên và cái tên Đồng Cát từ đó mà ra”.
 
Người xưa dùng tên xứ đồng đặt tên cho chợ, nhưng rồi theo thời gian, xứ đồng Đồng Cát dần dà nhường chỗ cho nhà cửa mọc lên san sát, hình thành nên thị trấn Mộ Đức sầm uất ngày nay. Cái tên chợ Đồng Cát, thoắt cái trở thành địa danh “khó hiểu” đối với đại đa số lớp trẻ bây giờ là vì vậy.
 
Cũng từ đặc trưng địa hình tại vị trí họp chợ mà người dân thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú (Mộ Đức) đã đặt tên cho một chợ nhỏ nằm ngay cạnh mương là chợ... Đường Mương. Mộc mạc như tên gọi, quang cảnh chợ Đường Mương khá đơn giản, chỉ gồm chục lều quán bán đồ ăn sáng cùng mấy mươi “tiểu thương” cũng chính là người dân địa phương mang hàng hóa (thường là sản vật địa phương) ra bày bán.
 
Trải qua thăng trầm của thời gian, con mương ngay cạnh chợ giờ đã được lấp đi và thay thế bằng những ngôi nhà mọc lên san sát. Ấy thế nhưng, tên gọi chợ Đường Mương dễ gọi, dễ nhớ vẫn được người dân lưu giữ và gọi mãi đến tận ngày nay.
 
Không chỉ đặt tên theo đặc trưng địa hình như chợ Đồng Cát, Đường Mương (Mộ Đức), người dân Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) còn lấy tên cây để định danh cho chợ. Cái tên chợ Gò Dúi ở Tịnh An là xuất phát từ việc ngay vị trí họp chợ (thôn Long Bàn, xã Tịnh An) là một gò cao có hàng trăm cây dúi bén rễ.
 
“Vị trí chợ Gò Dúi bây giờ, là khu vực gò trồng dúi ngày xưa. Ngày xưa, gò dúi có hơn 500 cây dúi xanh um, tỏa bóng mát khiến ai ở xa khi đi ngang qua đây cũng phải trầm trồ. Nhà cửa ngày ấy cũng thưa vắng lắm, chứ không đông đúc như bây giờ”, cụ ông Nguyễn Văn Bằng bồi hồi kể lại.
 
Mấy trăm cây dúi xanh um trong ký ức của cụ Bằng giờ chỉ còn vài chục cây mọc chen lẫn trong mồ mả. Chợ Gò Dúi lụp xụp ngày xưa giờ cũng đã được địa phương xây dựng khang trang, cách chợ cũ không xa. Nhưng cái tên chợ Gò Dúi giờ chỉ còn là cái tên gọn lỏn: Chợ Gò.
 
Đây là chợ chuyên họp vào buổi chiều, tiểu thương cũng chính là người dân địa phương mang sản vật quê hương như cua sông, cá bống, rau tập tàng... ra bày bán. Vào ngày rằm và mùng Một hằng tháng, chợ đông hơn bình thường vì có thêm các “tiểu thương” là các bà, các mẹ mang các món chay nhà nấu ra bày sẵn lên các sạp tre, sạp gỗ để bán cho khách gần xa.
 
Đặt tên theo sản vật bày bán
 
Dung dị đặt tên chợ theo sản vật đặc trưng bày bán tại chợ. Ấy là cách mà người Quảng xưa định danh chợ Hàng Rượu (phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi), chợ Tre (Tư Nghĩa), chợ Bò (xã Tịnh Phong, Sơn Tịnh)... 
Chợ Hàng Rượu giờ đã đổi tên thành chợ Thị trấn Sơn Tịnh, nhưng người dân vẫn dùng tên Hàng Rượu gọi tên chợ.
Chợ Hàng Rượu giờ đã đổi tên thành chợ Thị trấn Sơn Tịnh, nhưng người dân vẫn dùng tên Hàng Rượu gọi tên chợ.
“Lần giở” ký ức về chợ Hàng Rượu, cụ ông Bùi Hùng Thủy (92 tuổi), ở phường Trương Quang Trọng, chậm rãi kể: “Theo lời cha tôi kể lại, thì ngày xưa, khu vực xung quanh chợ Hàng Rượu ngày ấy là một cánh đồng rộng mênh mông.
 
Từ chợ Hàng Rượu vào đến cầu Trà Khúc thi thoảng mới có vài nhà dân. Nhưng do nằm gần sông Trà Khúc, tuyến đường thủy huyết mạch để giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa cánh nam và cánh bắc của tỉnh, nên người dân tứ xứ gánh hàng hóa về đây trao đổi, mua bán. Rồi dần dà hình thành nên chợ với nhiều hàng quán như: hàng rượu, hàng thịt, hàng rau... Trong đó, hàng rượu là nổi tiếng nhất về độ thơm ngon, nên mọi người lấy luôn chữ “Hàng Rượu” để đặt tên cho chợ”.
 
Theo nhiều bậc cao niên sống gần chợ Hàng Rượu, trải qua thăng trầm của thời gian, chợ Hàng Rượu từ những năm 1950 trở về sau đã không còn bán rượu. Rồi chợ Hàng Rượu được xây dựng, dời cách vị trí cũ khoảng 200m và được đặt tên là chợ thị trấn Sơn Tịnh. Song cái tên Hàng Rượu vẫn được người dân gìn giữ, lưu truyền.
 
“Mọi người vẫn rủ nhau là đi chợ Hàng Rượu, chứ ít ai gọi là đi chợ thị trấn Sơn Tịnh. Thậm chí, khi rao cho thuê nhà, chúng tôi vẫn ghi là cho thuê nhà cạnh khu vực chợ Hàng Rượu, vì cái tên này đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người”, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, người dân sống cạnh chợ thị trấn Sơn Tịnh, bùi ngùi cho biết.
 
Tâm ý mộc mạc, hồn nhiên mà người xưa gửi gắm khi đặt tên làm cho các tên chợ đọng mãi vào lòng người, dẫu trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian. Chính bởi những đặc trưng này mà nhiều người không thích đặt tên chợ theo đơn vị hành chính, vì sợ mất đi ý nghĩa những tên gọi đã có từ trăm năm...
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 

.