Trống đồng Đông Sơn ghi dấu một nền văn hóa sớm

09:10, 29/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở Quảng Ngãi vào năm 1996. Theo các nhà nghiên cứu, hiện vật này thuộc nền văn hóa Đông Sơn ở giai đoạn sớm, có mối quan hệ giao lưu văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sử.
TIN LIÊN QUAN

Giao lưu giữa hai nền văn hóa

Các nhà nghiên cứu đã lần lượt phát hiện những chiếc trống đồng Đông Sơn ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại Quảng Ngãi, vào năm 1996, trống đồng Đông Sơn được người đào tìm sắt phế liệu phát hiện tại núi Bàu Lát thuộc làng Đồng Đại, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi). Trống đồng này còn khá nguyên vẹn, hình dáng đẹp, được chia làm 3 phần: Tang trống (dày 21cm), lưng trống (24cm) và chân trống (85cm). Trống có chiều cao 56cm, mặt trống có đường kính gần 80cm.
 Trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.


Theo Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, qua nghiên cứu cho thấy mặt trống không chờm ra ngoài, 12 tia ngôi sao thể hiện ngắn, sắc sảo; tang trống trang trí hoa văn hình thuyền với người ngồi chèo thuyền; lưng trống được trang trí theo mô típ cảnh hai chiến binh hóa trang thành hình chim đang múa giáo, múa khiên (mộc); chân trống choãi làm trụ đỡ cho trống vững chãi. Dáng trống được chế tác cân đối, hài hòa...

Từ những đặc điểm trên, có thể xác định trống có điểm giống trống Đông Sơn loại A, là một trong những trống đồng văn hóa Đông Sơn ở giai đoạn sớm. “Quê hương của trống đồng Đông Sơn là vùng đất Tổ trung du Phú Thọ và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Do vậy, việc phát hiện trống đồng Đông Sơn sớm ở Quảng Ngãi đã góp phần khẳng định một cách chắc chắn rằng có mối quan hệ giao lưu giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh trong thời tiền sử”, ông Khôi nhận định.

Biểu tượng thiêng liêng

Theo các nhà nghiên cứu, trống đồng Đông Sơn được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến thế kỷ VI sau Công Nguyên. Trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong lễ hội và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu.

Trống thường thuộc về những người thủ lĩnh và là biểu tượng của quyền lực. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn thì trống càng to và đẹp. Trống đồng cũng được coi là một tài sản quý và được làm đồ tuỳ táng khi người chủ qua đời. Vì vậy, trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiếc trống đồng là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hoá cũng như ý chí quật cường.

Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trống đồng Đông Sơn được đặt trong lồng kính ở giữa gian trưng bày. Nối tiếp hai bên tả và hữu được trưng bày nhiều hiện vật theo chuyên đề văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa và văn hóa các dân tộc thiểu số... Các nhà nghiên cứu và du khách khi đến tham quan bảo tàng đều ngạc nhiên về sự xuất hiện của chiếc trống đồng Đông Sơn trên đất Quảng Ngãi. Bởi Quảng Ngãi từ lâu được các nhà nghiên cứu cho là “chiếc nôi” của văn hóa Sa Huỳnh. Từ đó một số nhà nghiên cứu đã cất công tìm hiểu sự giao  thoa giữa hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh trên đất Quảng Ngãi.         
  

    Hiện vật giá trị

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là một trong những điểm đến nằm trong các tuyến du lịch của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Do vậy, việc bảo tồn, giới thiệu trống đồng Đông Sơn trong hàng loạt các tư liệu hiện vật về văn hóa Sa Huỳnh trên đất Quảng Ngãi sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị và hấp dẫn khách tham quan.

 
Bài, ảnh: Trường An


 

.