Người Thái làm du lịch

09:09, 18/09/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Bây giờ mà khen người Thái làm du lịch thì khác nào khen phò mã tốt áo! Nhưng không thể không khen được, vì khen họ cũng là cách để nhìn lại mình, để trả lời câu hỏi vì sao, xét một cách toàn diện, từ phong cảnh thiên nhiên đến các di sản văn hóa, từ ẩm thực cho đến vấn đề an ninh…Việt Nam chẳng thua kém gì Thái Lan. Ấy thế mà ta vẫn luôn bám đuôi họ về du lịch, thậm chí họ bỏ ta rất xa.

TIN LIÊN QUAN

Báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2018 Thái Lan đón 38,27 triệu lượt du khách (dự kiến năm nay là 41 triệu lượt), dẫn đầu các nước Đông Nam Á, trong khi Việt Nam chỉ đón 13 triệu lượt, xếp thứ 5 các nước Đông Nam Á.

Đóng góp của du lịch Thái Lan cho GDP là 42,2 tỉ đô la, còn Việt Nam là 13 tỉ đô la. Nêu một vài con số trên đây để thấy rằng nền “công nghiệp không khói” của đất nước này đang cho các nước lân bang, trong đó có Việt Nam… ngửi khói vì họ “chạy” nhanh quá!

Tựu trung lại cũng là do họ quá chuyên nghiệp, từ những chi tiết nhỏ nhất cho đến những điều lớn lao, tất cả gần như hoàn hảo. Điều đó hoàn toàn khác với kiểu du lịch bóc ngắn cắn dài hoặc du lịch hái lượm mà một số nơi ở nước ta đã làm lâu nay.

Chuyên nghiệp đến từng nụ cười

Nhớ một năm nào đó cũng khá lâu rồi, nhiếp ảnh gia Vũ Quốc Khánh, trong một lần đi thực tế sáng tác ở Quảng Bình, ông đã có một cú bấm máy để đời: Nụ cười của cô gái 17 tuổi Phan Thị Như Quỳnh đã lọt vào ống kính của người nghệ sỹ và trở thành biểu tượng của Việt Nam về sự thân thiện, hiếu khách suốt nhiều chục năm sau đó.

Thế nhưng, khoảnh khắc để đời ấy cũng chỉ tồn tại trên các phương tiện truyền thông chứ không phổ quát ở… ánh mắt bờ môi của con người tại những nơi làm du lịch trên đất nước ta. Cảnh chặt chém vô tội vạ ở các nhà hàng, cảnh quát mắng, chửi bới hoặc ăn xin vây bủa, kỳ kèo mời mọc, quấy rầy du khách gần như xuất hiện khá dày ở các điểm tham quan.

Tượng Phật được dát vàng tại Trân Bảo Phật Sơn gần Pattaya. Ảnh: Trần Đăng
Tượng Phật được dát vàng tại Trân Bảo Phật Sơn gần Pattaya. Ảnh: Trần Đăng

Ở Thái Lan hầu như không có cảnh này mà chỉ thấy những nụ cười luôn nở trên môi của những chàng trai, cô gái khi tiếp xúc với du khách, nhất là khách nước ngoài. Đi tour bên Thái, vào những nơi đông đúc, du khách Việt thường nghe câu này: “Sắp hàng, sắp hàng, hai hàng zô các anh chị cô bác ơi”.

Vừa nói câu ấy, cô nhân viên đón khách lên ăn bữa trưa ở tầng 80 của một cao ốc giữa thủ đô Băng Cốc vừa cười thật tươi: “Anh gì kia ơi, đứng vô hàng thì nó mới đẹp chứ ạ”. Cô nói tiếng Việt, giọng miền Nam rất chuẩn. Nếu không nghe anh hướng dẫn viên người Việt giới thiệu cô ấy là người Thái “chính hãng” mà chỉ nghe tiếng thì rất dễ nhầm mình gặp “đồng bào mình” trên đất Thái đang làm hướng dẫn viên.

Người Việt có một thói quen không bỏ được, kể cả lúc đi chơi ở nước ngoài, đó là… nói rất to và thích gì làm nấy. Cao ốc 80 tầng, buổi trưa đón một lúc cả ngàn người, trời thì nóng như nung, nếu không trật tự, ai cũng “tranh thủ chen ngang” như mấy khách người Việt và Trung Quốc thì chẳng biết khi nào có thể đặt chân lên tầng 80-nơi có bữa cơm trưa đã dọn sẵn.

Cười tươi thế, nói năng dịu dàng nhưng dứt khoát thế, bao mệt nhọc như tan biến cả. Dịu dàng đến mức, ông khách chen ngang nói năng rổn rảng, mặt rất hầm hố kia quay lại định lườm phát mà thấy nụ cười của cô hướng dẫn viên, ý đồ “đen tối” ấy tan biến ngay.

 Chợ nổi 1,2,3 một trong những điểm thu hút du khách tại Thái Lan. ảnh: Trần Đăng
Chợ nổi- một trong những điểm thu hút du khách tại Thái Lan. Ảnh: Trần Đăng

Nụ cười của người Thái được xem như đặc sản của xứ Chùa Vàng này. Họ đã moi tiền du khách khắp thế giới từ những nụ cười chuyên nghiệp như thế. Người ta bảo Thái Lan là “vương quốc nụ cười”, quả không sai.

Đến các sản phẩm

Trong các hội nghị của ngành du lịch Việt Nam, người ta hay nghe câu này từ những “phát biểu chỉ đạo” của người đứng đầu: “Sản phẩm du lịch của ta quá nghèo nàn, không đủ sức để níu chân du khách”. Và “Làm thế nào để sản phẩm du lịch được đa dạng và phong phú hơn thì mới thu hút được du khách”.

Năm nào cũng nghe từng ấy chuyện nhưng rồi cái gọi là “sản phẩm du lịch” của một số địa phương vẫn cứ vá víu, nửa tỉnh, nửa quê.

Xiếc rắn. Ảnh: Trần Đăng
Xiếc rắn. Ảnh: Trần Đăng

Nói về sản phẩm du lịch của người Thái thì nói… cả ngày cũng không hết. Họ biết dựng câu chuyện để dẫn dắt người xem đi theo họ và cuối cùng là hành động theo điều mà họ muốn. Lấy ví dụ như một cơ sở nuôi ong trên đường từ Băng Cốc đi Pattaya. Tên tiếng Anh của điểm tham quan này là Big Bee Farm.

Khách tham quan không phải mua vé nhưng được mục sở thị một con vật mà nếu không có người hướng dẫn biểu diễn sự “thân thiện” giữa ong và người thì chả ai dám tiến lại gần loài vật khá hung dữ này. Du khách như lạc vào mê cung của thế giới ong, nhưng chủ nhân của trại ong đâu phải chỉ “mua vui” du khách bằng những câu chuyện huyền nhiệm từ sản phẩm của con ong!

Họ dẫn dắt câu chuyện về tác dụng của mật ong, sáp ong, rồi các sản phẩm từ con ong, hay đến mức, tôi là người vẫn thường “cảnh giác” với chiêu trò “quảng cáo bán thuốc”, thế mà cuối cùng cũng móc ví ra mua vài thứ sản phẩm “làm đẹp làn da cho phụ nữ”! Một trong những quà “nịnh vợ” có lẽ vừa rẻ vừa… thơm chính là ở trại ong này!

Đi dạo một vòng quanh thành phố Pattaya- nơi nổi tiếng khắp thế giới về… sex, tôi chẳng thấy nó đẹp như lời đồn, thậm chí cảnh sắc của nó không bằng Nha Trang, ấy thế mà du khách đổ về nghìn nghịt. Sản phẩm du lịch ở thành phố này, không nói thì ai cũng biết, đó là sex.

Chỉ là “nghe nói” nhưng khi xem rồi thì ai cũng có một suy nghĩ: vô đấy xem “các em” không hẳn là để thỏa trí tò mò trước lời đồn mà cái chính là thưởng lãm cung cách dàn dựng và biểu diễn của “các em”. Vì nếu chỉ “đến xem cho biết” thì chỉ một lần là ngán ngay, nhưng vì sao nhiều người vẫn thích xem hơn một lần? Vì nó hay đến mức, đã vượt lên khỏi sự tò mò thuần túy của người xem. Sản phẩm du lịch ấy, cả thế giới phải đổ về Pattaya là lí do vậy.

Gắn huyền tích vào các điểm tham quan

Tôi thật sự ngạc nhiên khi đến các điểm tham quan nào trên đất Thái cũng nghe giọng thuyết minh bằng tiếng Việt. Rất rành rẽ, khúc chiết nhưng không kém phần hài hước, hóm hỉnh. Anh chàng tên Chang giới thiệu với đoàn: “Em tên là Chang, nghĩa là con voi. Các anh chị chỉ cần nhìn em là đoán ra tên rồi. Đúng không nào?”. Cao trên 1,8m, nặng gần một tạ thì đúng là … voi rồi.

Đến điểm tham quan nào, anh chàng “voi” này cũng dẫn dụ du khách lạc vào mê cung của những huyền tích. Hiểu biết câu chuyện được thêu dệt đã đành mà còn thẩm thấu từng chi tiết nên chuyện kể về điểm đến tham quan của các hướng dẫn viên người Thái luôn hấp dẫn là vậy.

 Chùa trên đất Thái. Ảnh: Trần Đăng
Chùa trên đất Thái. Ảnh: Trần Đăng

Họ không học thuộc lòng rồi ê a như trẻ con tập đọc- điều rất dễ bắt gặp ở các điểm tham quan bên Việt Nam. Có cái hình của Đức Phật tạc bằng vàng lên ngọn núi thôi mà bao nhiêu lắt léo xoay quanh câu chuyện ấy khiến khách cứ trầm trồ ngơ ngẩn.

“Dẫn các anh chị đi cho biết chứ điểm tham quan này không phải mua vé à nghen. Các anh chị chỉ… tùy tâm bỏ vào thùng phước sương thôi”. Chả một ai mà không “tùy tâm” khi đi thăm điểm tham quan huyền nhiệm này cả. Hoặc như đi thăm ngôi chùa trên một con phố cổ của người Thái ở Băng Cốc.

Ngôi chùa ấy làm sao sánh được với chùa Cầu ở Hội An nhưng cái hay của nó là người ta biết “đắp” lên ngôi chùa ấy một huyền tích. Anh hướng dẫn viên kể có bao nhiêu xá lợi của Đức Phật được thỉnh về đây. Nói đoạn anh dẫn vô chùa để… mua đồ lưu niệm, “biết đâu lại gặp xá lợi của Ngài trong món hàng mà các anh chị sắp thỉnh đấy ạ”. Thế là mấy bà đi chùa chuyên nghiệp người Việt lặng lẽ móc ví ra “thỉnh” mỗi bà một hạt ngọc!

Tôi hỏi anh Chang: “Sao chỗ nào cũng nghe tiếng Việt vậy? Hay là người Việt qua đây làm thuê?”. Chang nói không phải đâu, toàn người Thái, họ được gửi qua Việt Nam học tiếng Việt đấy. Gửi lâu rồi và học cũng lâu rồi”. Hèn gì mỗi năm Thái Lan đón trên 1 triệu khách Việt, trong khi mình chỉ đón 300 ngàn người Thái.

Tôi cứ ao ước “chừng nào mình bằng Thái đây”. Qua hàng xóm mà học tập chứ đi đâu cho xa!

TRẦN ĐĂNG






 

.