Nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor: Xứng tầm di sản văn hóa cấp quốc gia

09:08, 26/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Cor ở Trà Bồng và Tây Trà đã ra sức gìn giữ và phát huy nghệ thuật cồng chiêng. Đây là giá trị văn hóa đặc trưng của người Cor, vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

TIN LIÊN QUAN

Đặc trưng văn hóa của người Cor

Nghệ thuật cồng chiêng là loại hình sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng người Cor. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư cho biết: “Cấu tạo dàn chiêng của người Cor dùng trong lễ hội chỉ có hai chiêng (gọi là chiêng chồng và chiêng vợ, được chế tác bằng đồng) và một trống (có dạng hình trụ tròn, căng mặt bằng da). Mỗi chiêng chỉ có 1 âm. Muốn thể hiện tiết mục đánh chiêng, múa cà đáo phải có 3 nam và 8 nữ. Nam sử dụng hai chiêng và một trống.

Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor tại lễ hội điện Trường Bà.                   ẢNH: TL
Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor tại lễ hội điện Trường Bà. ẢNH: TL

Mở đầu tiết tấu đấu chiêng, tiếng trống và tiếng chiêng hoà quyện chậm rãi, sau đó tăng dần tốc độ và càng về sau càng thúc giục, dồn dập hơn. Người đánh chiêng luôn thể hiện rõ tài năng ứng tác của mình, biết kết hợp các thể loại nhuần nhuyễn mới tạo được âm thanh lúc trầm hùng, vui nhộn hay khoan thai... Thông qua tiếng chiêng, cách trình diễn đấu chiêng, người Cor bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với thần linh, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vào tối 28.8 tại Quảng trường 28.8, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) sẽ diễn ra Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor. Đây là niềm tự hào và vinh dự, là động lực để đồng bào Cor tiếp tục gìn giữ và phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Gìn giữ "linh hồn" của dân tộc

Theo nghệ nhân Hồ Văn Biên (60 tuổi), ở thôn 2, xã Trà Sơn (Trà Bồng), thì "giữ gìn giá trị văn hóa cồng chiêng cũng là giữ linh hồn của người Cor". Ông Biên cho biết: Tôi học đấu chiêng từ năm lên 6 tuổi. Hằng năm, cứ đến ngày lễ, ngày Tết ngã rạ, đồng bào Cor lại diễn tấu cồng chiêng.

Ấn tượng nhất là trong không gian lễ cúng trước sân nhà có dựng cây nêu đầy màu sắc. Thanh niên đánh trống, đấu chiêng phô diễn hình thể, kết hợp với những điệu múa cà đáo uyển chuyển của những cô thôn nữ người Cor. Dân làng đến xem rất đông, hò reo, cổ vũ làm huyên náo cả một vùng.

Ông Biên cùng với các nghệ nhân trong huyện đã đi khắp nơi trong và ngoài nước để biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, với niềm tự hào về di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ông Biên kể: "Nhớ nhất là năm 2009, tôi cùng đoàn nghệ nhân dân gian tỉnh được cử đi giao lưu, biểu diễn tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Tiết mục đấu chiêng của chúng tôi đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân nước bạn. Thấy họ vỗ tay tán dương, lòng tôi vui lắm".

Để giữ gìn giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, ông Biên cùng với các nghệ nhân Hồ Văn Thái, Hồ Văn Vương, Hồ Văn Huy (ở thôn 2, xã Trà Sơn) ra sức truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho lớp trẻ. Nhờ thế mà nam, nữ thanh niên ở  thôn 2, xã Trà Sơn ai cũng biết đánh chiêng, múa cà đáo và nơi đây được chọn là "hạt nhân" của nghệ thuật văn hóa cồng chiêng đồng bào Cor.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc cho biết: Từ năm 2013, huyện Trà Bồng đã thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Cor. Huyện đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng. Nhờ đó, đến nay hầu hết các xã đều giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Cor.

 TRƯỜNG AN
 

.