Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh: Cần được bảo vệ, phát huy giá trị

09:08, 02/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL tham vấn ý kiến để bảo vệ hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt. Và những người làm văn hóa đang hồi hộp chờ kết quả, bởi di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh (Đức Phổ) đang bị “đe dọa” trước hai dự án chồng lấn trên phần di tích mở rộng.
TIN LIÊN QUAN

Giá trị đặc sắc

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong 3 di sản văn hóa nổi tiếng thế giới của Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và Óc Eo. Địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Sa Huỳnh là ở khu vực thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Du khách tham quan, tìm hiểu di vật văn hóa Sa Huỳnh.  Ảnh: Trang Thy
Du khách tham quan, tìm hiểu di vật văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Trang Thy

Tại Quảng Ngãi, nền văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, một đầm nước ngọt có số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc)... Những giá trị của di vật này tiếp tục thu hút các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước đến khảo sát.

Tại những địa điểm khai quật như: Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức, đã phát hiện hàng loạt mộ chum và đồ tùy táng được chôn theo các ngôi mộ gồm đồ gốm, đồ trang sức bằng đá, thủy tinh, ngọc trai... Lần theo dấu vết của văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khoa học còn phát hiện các di vật khai quật ở Lý Sơn, các nơi khác có mối tương quan với văn hóa Sa Huỳnh và có giao thoa với nhiều vùng Đông Nam Á, Trung Hoa và Ấn Độ cổ xưa.

Tại Sa Huỳnh, các nhà khoa học còn phát hiện một không gian văn hóa sinh tồn quanh đầm An Khê. Xung quanh đầm có cồn cát, bãi biển, rừng, là môi trường sinh sống cho phương thức săn bắt, hái lượm của người xưa. Nơi đây còn có một tiền cảng để các tàu bè qua lại buôn bán, trao đổi lấy nước ngọt...  

Di sản cần được bảo vệ

Năm 2017, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Khảo cổ Sa Huỳnh là di tích Quốc gia đặc biệt. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, nên đến nay di tích này vẫn chưa được công nhận; trong đó có nguyên nhân do vướng 2 dự án đang thi công gần khu vực đầm An Khê.

Cụ thể là Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đề xuất hướng tuyến quy hoạch đi qua khu vực đầm An Khê, với mục đích tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thông và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, việc thi công sẽ có tác động đến cảnh quan, hệ sinh thái khu vực di tích.

Đối với Dự án đầu tư điện mặt trời tại đầm An Khê, đề xuất sử dụng 52ha mặt nước và 2ha đất bờ đầm An Khê để thi công lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời và xây dựng công trình vận hành, quản lý. Một số ý kiến cho rằng, việc thi công và vận hành nhà máy sau này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đầm nước ngọt cũng như cảnh quan chung của đầm An Khê.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ VH-TT&DL cho ý kiến chuyên môn về việc đánh giá tác động của hai dự án trên đối với Di tích Khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh; đồng thời cho ý kiến về việc khoanh vùng di tích bảo vệ (trong trường hợp tỉnh phê duyệt đầu tư hai dự án trên, không ảnh hưởng đến khả năng được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt và trong tương lai đề xuất UNESCO công nhận di sản thế giới). Ngược lại, trong trường hợp hai dự án tác động đến di tích, thì nên tiếp tục hay dừng lại việc lập Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh? Đó là những vấn đề cần sớm có câu trả lời.


MAI HẠ

 

.