Sớm bảo tồn tài liệu Hán Nôm

10:07, 29/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tài liệu Hán Nôm có nhiều giá trị, nhưng hiện nay bị thất lạc khá nhiều. Do vậy, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm cần phải được quan tâm.
TIN LIÊN QUAN

Đa dạng tài liệu Hán Nôm

Trong suốt thời gian công tác ở Sở VH-TT&DL, TS.Nguyễn Đăng Vũ (nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng) đã dành tâm huyết để sưu tầm, dịch thuật, phân loại, đánh giá tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh. Theo ông, nhiều di sản Hán Nôm ở Quảng Ngãi gắn liền với quá trình người Việt đến khai phá và dựng xây trên vùng đất này trong suốt nhiều thế kỷ.
 
 Nhiều sắc phong có giá trị còn lưu giữ tại nhà thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi).
Nhiều sắc phong có giá trị còn lưu giữ tại nhà thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi).
 
Trên cơ sở UBND tỉnh phê duyệt đề tài “Sưu tầm, dịch thuật, phân loại, đánh giá tư liệu Hán Nôm ở tỉnh” năm 2017, từ đó đến nay, Ban Chủ nhiệm đề tài đã sưu tầm, thu thập, phân loại tài liệu Hán Nôm với số lượng ước khoảng 3.000 trang. Trong đó có nhiều tài liệu xuất hiện khá sớm như theo bản chữ Hán lưu tại nhà thờ họ Lê ở Mộ Đức, với tên gọi “Phủ tập Quảng Nam ký sự” của tác giả Mai Thị. Tác phẩm ghi chép về công trạng của Bùi Tá Hán (1496 - 1568), cho thấy tài liệu Hán Nôm này đã xuất hiện hơn 400 năm.

Trong số nhiều tài liệu Hán Nôm tại nhà thờ Trần Cẩm ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) có một tờ thị Trần Cẩm làm Tham tướng Cai phủ Quảng Ngãi Quang Hưng thứ 19 đời vua Lê Thế Tông vẫn còn nguyên vẹn... Bằng sự thống nhất đất nước, nền hoà bình kéo dài khá lâu, nên nền Nho học phát triển ở thời nhà Nguyễn khá phong phú. Nhiều khoa thi Hương, thi Hội để chọn người hiền tài, lập văn miếu, văn thánh, văn từ để khuyến khích dân chúng học chữ thánh hiền. Nhờ đó, Quảng Ngãi có một kho tàng di sản Hán Nôm, với nhiều loại hình nằm rải rác trong các nhà thờ, tộc họ, các đền miếu, chùa chiềng...

Hiện nay, Ban Chủ nhiệm đề tài đã dịch được 700 trang tư liệu Hán Nôm, với nhiều loại hình: Hoành phi, liễn đối, sắc phong, chế phong, cáo thị, bằng cấp, đơn từ, văn bia, hương ước, khế ước... trên các chất liệu giấy, gỗ, đá, kim loại, mà chủ yếu là trên chất liệu giấy dó. Trong đó, lưu giữ nhiều nhất là ở các đền, đình, miếu, chùa, nhà thờ các tộc họ ở Lý Sơn, lăng Ông thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn); đền Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (TP.Quảng Ngãi)...

Sớm bảo tồn

Theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, ngoài tài liệu Hán Nôm tìm thấy, hiện còn khá nhiều tài liệu Hán Nôm ở trong dân, trong các nhà thờ, đền, miếu...  Tuy nhiên, các tài liệu này đa số người dân bảo quản thủ công, nên theo thời gian sẽ bị hư hỏng.

Tại đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán có khoảng 23 sắc phong có giá trị. Hiện các sắc phong này do ông Bùi Phụ Sàn con cháu nhiều đời của Bùi Tá Hán cất giữ. Theo ông Sàn, các sắc phong này chỉ cất trong hộp sắt, chứ không có điều kiện để bảo quản. Màu sắc tuy còn nguyên vẹn, nhưng bìa sắc phong đã bị ố dần. Vì thế, ông mong ngành chức năng hướng dẫn cách bảo quản.

Cũng vì thiếu sự bảo quản mà nhiều sắc phong, tài liệu Hán Nôm trong tỉnh đã bị thất lạc. Ông Vũ cho hay: Trong quá trình tìm hiểu đã phát hiện các dòng họ ở huyện Bình Sơn có hơn 100 trang tài liệu chữ Hán có giá trị, nhưng đến nay khi tổ chức sưu tầm thì các tài liệu này đã bị thất lạc.

“Trong thời gian đến, Ban Chủ nhiệm đề tài không chỉ tiếp tục sưu tầm mà còn phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh; Hội Khoa học lịch sử... đánh giá về tư liệu Hán Nôm; tiến hành số hóa tài liệu; tổ chức các lớp tập huấn về cách bảo quản di sản Hán Nôm”, ông Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng nên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị nguồn tư liệu Hán Nôm; đa dạng hóa và đổi mới các hình thức khai thác, sử dụng tư liệu này tại các thư viện; nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của tài liệu Hán Nôm; đào tạo, khuyến khích đội ngũ làm công tác quản lý, nghiên cứu sưu tầm tư liệu Hán Nôm...

Việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tài liệu Hán Nôm không chỉ để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Quảng Ngãi, mà còn thể hiện sự trân trọng về sản phẩm tinh thần của các bậc tiền nhân để lại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trong tiến trình hội nhập và phát triển.
 
Nhiều phương pháp bảo quản tư liệu
Theo ông Phạm Tấn Thiên, cán bộ Sở VH-TT&DL, thì có nhiều phương pháp để bảo quản tư liệu Hán Nôm. Ngoài cách bảo quản truyền thống, thì bảo quản bằng cách hiện đại như số hóa; lưu trên các đĩa; ổ cứng; bảo quản bằng hệ thống điều hòa trung tâm...
         
 Bài, ảnh: MAI HẠ



 

.