Tiềm năng du lịch cần được "chắp cánh"

09:06, 11/06/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Nghĩa Hành là một vùng đất phong phú về các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn liền với các giá trị về văn hóa, lịch sử. Cùng với Khu Du lịch Suối Chí vừa được đưa vào khai thác thì nơi đây vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch khác cần được khai thác thế mạnh vốn có.
Tiềm năng vốn có
 
Nằm cách trung tâm TP.Quảng Ngãi về phía nam khoảng 8km, Nghĩa Hành là huyện trung du có địa thế đẹp, kết nối giao thông thuận lợi với các huyện Tư Nghĩa, Minh Long, Ba Tơ, TP.Quảng Ngãi.
 
Nhắc đến Nghĩa Hành hôm nay, nhiều người nghĩ ngay đến một huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với những bước tiến về phát triển kinh tế, xã hội, Nghĩa Hành còn được biết đến là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển du lịch với những thắng cảnh đẹp như Suối Chí (xã Hành Tín Đông), gắn liền với một rừng nguyên sinh được nhân dân Khánh Giang- Trường Lệ gìn giữ  từ bao đời nay. Ngoài ra còn có núi Kỳ Lân, hố Bà Năm, hố Chình... với những vẻ đẹp rất riêng. 
 
Đặc biệt, cùng với các thắng cảnh thì nơi đây còn được nhắc đến nhiều với các điểm di tích, chứa đựng các giá trị văn hoá- lịch sử như di tích Trường Lũy Quảng Ngãi đoạn qua huyện chiều dài đến 34km, được đánh giá còn tương đối nguyên vẹn với nhiều bảo và lũy dài. Ngoài di tích này, Nghĩa Hành còn có 5 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh nằm rải rác trên địa bàn huyện.
 
Cây đa cổ thụ đình Lâm Sơn ở Quãng Ngãi có vòng thân cả chục người ôm không xuể ở xã Hành Nhân là một trong những điểm di tích hấp dẫn du khách.
Cây đa cổ thụ gắn liền với đình Lâm Sơn ở xã Hành Nhân có vòng thân cả chục người ôm không xuể là một trong những điểm di tích có thể phát triển du lịch ở Nghĩa Hành.
 
“Để bảo vệ tốt di tích Trường Lũy Quảng Ngãi  cũng như các điểm di tích khác, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã nhiều lần tuyên truyền lồng ghép bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị di tích. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đoàn đi kiểm tra thực địa để kịp thời phát hiện những “sự cố” xảy ra, báo với cấp có thẩm quyền tìm hướng xử lý”- Chuyên viên Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hà Thanh Quang cho hay. 
 
Cùng với các điểm di tích, Nghĩa Hành còn được biết đến những vườn cây ăn quả bạt ngàn trái, diện tích khoảng 300ha. Trong những năm gần đây, cùng với các loại cây ăn quả bản địa như chuối, mít, xoài... huyện còn chủ trương chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, mít thái và cho hiệu quả kinh tế cao. Dự tính đến giai đoạn 2020- 2024, địa phương sẽ nâng diện tích cây ăn quả lên đến 1.000ha.
 
Ở Nghĩa Hành còn có mô hình sinh vật cảnh, các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của địa phương. Nhiều làng quê còn có những cảnh quan rất đẹp, như thôn Bình Thành (xã Hành Nhân); thôn Phú Châu (xã Hành Đức); thôn Vạn Xuân (xã Hành Thiện)...
 
Nghĩa Hành còn được biết đến là một trong những địa phương có diện tích vườn trái cây lớn nhất tỉnh.
Nghĩa Hành còn được biết đến là một trong những địa phương có diện tích vườn trái cây lớn nhất tỉnh.
 
Với đặc thù của một huyện trung du với 50% số xã là miền núi và 50% số xã còn lại là đồng bằng. Các giá trị văn hóa, ẩm thực của địa phương khá đặc sắc với sự giao thoa của của các vùng miền. Nhắc đến ẩm thực, du khách có thể nghĩ ngay đến bánh xèo, gỏi mít, sùng cát, cá lóc nướng trui... Tất cả sẽ tạo nên một vòng khép kín trong phát triển du lịch mà hướng đến là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn.
 
Từ chủ trương của tỉnh xác định Nghĩa Hành là một trong số ít địa phương nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch, trong đó thế mạnh là gắn liền với du lịch cộng đồng, địa phương đã có những văn bản, kế hoạch, tổ chức thực hiện để phát triển du lịch trên địa bàn và xem đây là một trong những giải pháp để chuyển dần lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Mục tiêu hướng đến là làm sao để lao động nông nghiệp trong độ tuổi chỉ chiếm từ 30%- 35% theo tiêu chí chung của một huyện nông thôn mới.
 
Hiện nay, thắng cảnh Suối Chí đã được doanh nghiệp đầu tư và đưa vào hoạt động. Huyện cũng đã cấp phép hoạt động cho 11 hộ kinh doanh nhà nghỉ và 1 hộ kinh doanh khách sạn. Từ nguồn ngân sách mà tỉnh hỗ trợ, xã hội hoá huyện cũng đã phân bổ kinh phí để sữa chữa, trùng tu, tôn tạo các di tích, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử; mở rộng không gian tuyến, điểm du lịch...
 
Cần được “chắp cánh”
 
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Nghĩa Hành đầy triển vọng. Thế nhưng để du lịch Nghĩa Hành thu hút được các nguồn lực vào đầu tư, phát triển đó là cả một chặng đường dài.
 
Vào năm 2017, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh cùng một số đơn vị cũng đã có chuyến tham quan, khảo sát phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Hành.
 
Sau chuyến khảo sát của sở, huyện đã giao cho các phòng, ban liên quan ở huyện xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn thích hợp để thực hiện kế hoạch này nhằm sớm phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương. Tuy nhiên đến nay sau gần 2 năm vẫn chưa có những bước tiến triển mới.
 
Theo Bí thư huyện Ủy- Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình, trong việc tổ chức thực hiện có những khó khăn nhất định. Đó là chưa có sự kết nối giữa huyện với các đơn vị, công ty lữ hành trong việc quảng bá, xúc tiến kế hoạch phát triển du lịch ở địa phương.
 
Làng quê yên bình ở các vùng nông thôn huyện Nghĩa Hành.
Làng quê yên bình ở các vùng nông thôn huyện Nghĩa Hành.
 
Mặt khác, huyện Nghĩa Hành từ bao đời nay là một huyện có đặc thù sản xuất nông nghiệp, do vậy việc tổ chức thực hiện dịch vụ du lịch là mô hình còn khá mới mẻ đối với công tác quản lý cũng như người dân. Địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về quá trình tổ chức xây dựng thương hiệu, sản xuất các sản phẩm đặc trưng của huyện nhà cũng như sản phẩm để phục vụ cho du lịch.
 
“Trong thời gian đến, trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để hoàn thiện kế hoạch tổ chức thực hiện du lịch cộng đồng, kết nối từ huyện đến thôn, xã cũng như đến các khu vực lân cận ở các huyện khác, hòa mình vào một “tour” du lịch chung của tỉnh. Song song đó sẽ tiếp tục khảo sát, quy hoạch chi tiết các vùng, điểm có tiềm năng phát triển du lịch để kêu gọi đầu tư...” ông Bình nhấn mạnh.
 
Với những bước đi đúng hướng, cùng với tiềm năng sẵn có, du lịch ở Nghĩa Hành, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng sẽ phát triển mạnh, ngày càng có thêm nhiều điểm đến, chắp cánh cho sự phát triển du lịch ở một huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
 
Bài, ảnh: Gia Nghi
 

.