Xây nhà từ hàng nghìn vỏ chai nhựa

07:05, 29/05/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Ngôi nhà được xây từ hàng nghìn vỏ chai nhựa độc đáo, với nhiều màu sắc khác nhau, gây ấn tượng đối với du khách khi đến với đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn), lan truyền cảm hứng bảo vệ môi trường đến cộng đồng. 
Ngôi nhà vỏ chai nhựa nằm cách khu vực cầu cảng đảo Bé chừng vài năm mét, nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà ba gian, cấp 4 truyền thống. Với vẻ ngoài độc đáo, ngôi nhà tạo nên sự khác biệt với không gian xung quanh và vô cùng thoáng đoãng.
 
Vừa chạy xe trả khách về, anh Nguyễn Lợi, 29 tuổi chủ nhân của ngôi nhà vội lăn xăn, bắt tay làm đủ việc từ phân loại vỏ chai, phơi cát đổ vào chai, trộn hồ và xây từng “viên gạch nhựa”. Cứ rảnh lúc nào là anh Lợi và người thân làm ngay lúc đó. Công việc này đã bắt đầu được khoảng hai tháng nay. Ý tưởng khá mới mẻ và để xây dựng được ngôi nhà đó là quá trình chịu khó, tỉ mẫn.
 
Ngôi nhà từ vỏ chai do anh Lợi đang thi công có diện tích khoảng 15,5m2.
Ngôi nhà từ vỏ chai do anh Lợi đang thi công có diện tích khoảng 15,5m2.
 
Chàng trai trẻ cho hay, muốn làm ngôi nhà từ vỏ chai nhựa bỏ đi với diện tích khoảng 15,5m2, chiều dài 5m, chiều ngang 3,5m phải cần đến 6.000 vỏ chai nhựa. Để có được số lượng này, vào mỗi buổi chiều, trong nhiều tháng qua, anh cùng những đứa trẻ trong thôn đã đi lang thang khắp nơi ở bãi biển, khu vực bãi tắm và cả khu dân cư để thu gom.
 
Đó là loại vỏ chai nước lọc, nước ngọt chứa khoảng nửa lít nước được vứt đủ nơi trên đảo, đủ màu sắc, phần lớn có kích thước tương đồng. Còn loại lớn hơn thì dùng để trang trí hoặc trồng rau, làm hàng rào và cổng nhà.
 
Mỗi ngày ít nhất cũng được vài chục vỏ. Người anh cả trong thôn không quên tặng thưởng cho các em một ít tiền mua dụng cụ học tập, sách vở. Ngoài ra, có một số lượng vỏ chai nhựa được phân loại từ các đống thu gom rác thải do ĐVTN địa phương tổ chức và xin từ nhà dân.
 
Vẻ đẹp của mảng tường bên trong ngôi nhà.
Vẻ đẹp của mảng tường bên trong ngôi nhà.
 
Mỗi chai nhựa mang về được phân loại ngay ngắn, vỏ chai nào thì gắn liền với nắp đó. Sau đó đổ đầy cát vào để có độ bền chắc như một viên gạch. Cát đã được hong phơi giữa tiết trời nắng nóng. Sau đó tiến hành xây nhà bằng cách dùng xi măng để gắn kết các vỏ chai chứa cát lại với nhau như xây nhà bằng gạch. 
 
Khi xây, đầu chai hướng vào bên trong và phần đuôi nhô ra bên ngoài. Ngoài cửa chính, còn có cửa sổ hóng gió. Phần nền lát gạch hoa, riêng phần mái được lợp bằng lá, đảm bảo ấm về mùa đông, mát vào mùa hè. Đặt chân vào bên trong ngôi nhà, các loại màu của vỏ chai, tạo ra nguồn ánh sáng đẹp mắt cả ban ngày, lẫn ban đêm. 
 
Anh Lợi bên số vỏ chai được thu gom trên những bãi biển.
Anh Lợi bên số vỏ chai được thu gom trên những bãi biển.
 
“Với 40 triệu cho 15m2 thì so với ngôi nhà thông thường thì nhà nhựa tốn nhiều chi phí hơn, thậm chí là gấp đôi. Công năng sử dụng ngôi nhà có thể lên đến hơn 10 năm và chỉ tầm khoảng 2-3 năm là có thể thu hồi vốn. Mặc dù tốn nhiều chi phí, thế nhưng mỗi ngày nhìn ngôi nhà một hoàn thiện, tôi cảm thấy hài lòng và vui sướng khi ý tưởng được hình thành trong hiện thực”, anh Lợi bộc bạch. 
 
Dự kiến ngôi nhà hoàn thiện trong vòng một tháng nữa và bắt đầu đón những vị khách lưu trú đầu tiên. Cùng với ngôi nhà gỗ bên cạnh thì đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng, thuận tiện cho du khách khi đến thăm đất đảo, thưởng ngoạn cuộc sống yên bình ở An Bình. 
 
Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, vừa ra trường, anh Lợi nhận thấy du lịch biển đảo quê hương ngày phát triển, được nhiều người biết đến, anh đã mau chóng quay trở về cùng những người trẻ chung tay xây dựng, làm giàu, cống hiến sức trẻ cho mảnh đất quê nhà. 
 
Làm du lịch, đó là cái nghề anh nghĩ ngay đến và không ngại khi từng mua xe điện để làm tài xế phục vụ du khách. Sau nhiều năm dành dụm được một số vốn, ý tưởng xây dựng ngôi nhà homestay cho khách lưu trú được anh nghĩ ngay đến. Homestay không còn là mô hình mới mẻ ở đảo Bé vì thế muốn cạnh tranh, ngôi nhà phải thật đặc biệt và ý tưởng xây nhà từ nguyên vật liệu vỏ chai nhựa bỏ đi được hình thành.
 
Ngôi nhà được hình thành có sự đóng góp không nhỏ của những đứa trẻ.
Ngôi nhà được hình thành có sự đóng góp không nhỏ của những đứa trẻ.

“Đảo Bé mỗi ngày thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tham quan và lưu trú. Trong khi đó, nơi này lại thiếu nước ngọt trầm trọng. Vì thế nhu cầu sử dụng các loại nước đóng chai từ đất liền, đảo Lớn vận chuyển sang để sử dụng rất nhiều, với khối lượng chất thải nhựa thải ra ở môi trường lớn. Tôi suy nghĩ ngay, tại sao mình không thực hiện một ngôi nhà homestay bằng vỏ chai nhựa”, anh chia sẻ. 
 
Ngôi nhà đã truyền thông điệp đến với tất cả người dân và du khách, lan tỏa cảm hứng đến cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm, biết cách tái sử dụng các loại rác thải, chai nhựa khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Ý tưởng từ ngôi nhà đã cho chúng ta thấy rằng, cần phải trân trọng hơn đến môi trường mình đang sinh sống.
 
Hiện nay trên toàn xã đảo Bé có khoảng 8 hộ dân làm nhà ở homestay, trong đó chủ yếu là người trẻ. Với điều kiện còn khó khăn và hạn chế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà nghỉ, khách sạn thì việc phát triển homestay là phù hợp.
 
"Những ngôi nhà homestay độc đáo, có nhiều ý tưởng sáng tạo như của anh Lợi, nếu đảm bảo thêm được các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày thì những homestay này sẽ thu hút nhiều hơn khách du lịch đến tham quan, lưu trú dài ngày trên đảo", Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương nhấn mạnh.
 
 
Xem video. Thực hiện: Hữu Danh
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

 


.