Thằng Kiết

09:05, 05/05/2019
.

*Truyện ngắn của VÕ MINH HUY


(Báo Quảng Ngãi)- Bạn bè, đồng nghiệp đều gọi nó là thằng Kiết. Thật ra thì nó có tên hẳn hoi trong giấy khai sinh. Cha mẹ nó đặt tên cho nó là Nghĩa. Nó thích cái tên này. Nhưng giờ thì không ai còn gọi nó bằng cái tên cúng cơm đó nữa. Chí ít là khi nó lên 18 tuổi, đi làm công nhân ở một công ty giày da. Nó chả tự mình đổi tên, vậy mà mọi người lại tự xóa đi cái tên cúng cơm, đổi tên cho nó, gọi nó là thằng Kiết. Tên nghe lạ hoắc với nó, nhiều lần khiến nó dị ứng khi nghe ai đó dội vào tai: Ê! Thằng Kiết.

Nhưng rồi nó tặc lưỡi mặc kệ. Ai thích gọi sao thì gọi. Nghĩa cũng được mà Kiết cũng chả sao.

Quan niệm của nó là đồng tiền đi liền khúc ruột. Kiết được đồng nào hay đồng nấy, chứng tỏ nó biết quý trọng đồng tiền.


Ngày đầu nó đặt chân vào công ty làm, chưa gì mọi người đã gợi chuyện, bắt nó thết đãi. Nó đồng ý. Đúng giờ giải lao, nó chạy vèo ra cửa hàng tạp hóa trước cổng công ty, rồi chìa ra 10 nghìn đồng nói với cô chủ tạp hóa, bấy nhiêu mua gì đủ cho 10 người ăn. Chỉ nghe có vậy, cô chủ ngớ cả người. Cô chủ cửa hàng tạp hóa chỉ ngay vào hai bịch hạt dưa, mỗi bịch 5 nghìn đồng. Nó cầm hai bịch hạt dưa khoan khoái chạy ngược lại công ty.

 


Trên đường nó nghĩ bụng, 2 bịch hạt dưa này cũng ngót nghét 500 hạt. Nó nhẩm nhẩm, 500 hạt chia cho 10 người, mỗi người ăn ít nhất 50 hạt, vậy đâu có ít, đãi vậy quá xịn rồi. Nó đi thẳng đến đám đồng nghiệp đang trong giờ giải lao rồi chìa tay ra: “Em mời mọi người. Đây là phần em mua đãi ngày đầu tiên em ra mắt”.

Những cặp mắt tròn xoe trố ngược nhìn nó. Ông tổ trưởng cầm hai bịch hạt dưa từ tay nó bĩu môi: “Tưởng nó đãi anh em mình mỗi đứa một ổ bánh mì còn nghe được, hổng dè nó đãi bằng hai bịch hạt dưa”. Có vài tiếng lẩm bẩm chĩa vào tai nó: Cái thằng kiết. Nó vờ như không nghe thấy.    
          
Tan giờ làm, nó chạy xe về nhà. Ngày đầu làm công nhân khiến nó mệt nhoài. Nó quăng cái áo công nhân xuống giường, một hạt dưa rơi ra từ trong túi áo. Nó nhớ lại chuyện nó đãi đồng nghiệp. Nó lại nhẩm tính, nếu như lúc chiều nó mua 10 ổ bánh mì, mỗi ổ 10 nghìn đồng, nó sẽ tốn tới 100 nghìn đồng, trong khi nó chỉ tốn có 10 nghìn đồng vẫn đủ cho 10 người ăn. Vậy là, nó lôi từ trong chiếc ví cũ sờn của nó ra, đếm đủ 90 nghìn đồng. “Đây là tiền mình tiết kiệm được”, nó nói đầy tự hào rồi choàng dậy lôi trong tủ ra ba con heo đất mà mẹ nó đã mua từ trước, rồi bỏ 50 nghìn đồng vào con heo đất to nhất, 40 nghìn đồng còn lại nó chia đều cho hai con còn lại. Nó nhìn ba con heo đất cười cười vẻ mãn nguyện, rồi đưa tay vuốt ve từng con.

Nó gọi những con heo đất là những cái két sắt giữ tiền cho nó. Hễ ngày nào nó chi tiền vào việc gì mà nó tiết kiệm được là nó lại đem về nhét vô, chia đều cho cả ba con. Ngày tháng cứ thế trôi qua. Nó tính toán chi li quá nhiều thứ, nên dần dà ai cũng đâm ra ngao ngán nó. Người nói nó kỹ tính. Người nói nó ki bo. Người bảo nó tính toán chi li, kiết đến... lị.

Cuối năm, nó có thằng bạn chí thân học từ thời cấp 2 đã hơn chục năm chưa về quê hẹn gặp. Nó mừng lắm. Nó chỉ chờ cuộc hội ngộ này. Bạn nó cũng thế. Nó nói là nó đã có việc làm, có lương nhận hằng tháng, bạn về đãi thịnh soạn. Bạn nó nghe thế cũng mừng. Thằng bạn rủ rê thêm hai đứa bạn đi cùng để có một cuộc chén chú, chén anh ra trò.

Nó hội ngộ với bạn. Tay bắt mặt mừng rồi mời bạn đi chiêu đãi. Nó đèo thằng bạn rẽ vào một con hẻm nhỏ, rồi dừng lại ở cái quán có cái bảng hiệu “Cô Chín vịt lộn”. Nó vồn vã mời bạn vào quán. Thằng bạn đực mặt ra, nhưng vẫn lẽo đẽo theo nó cùng hai người bạn vào quán. Nó gọi lớn làm bà Chín vịt lộn giật mình: “Cho con 8 hột vịt lộn, 8 nem chua, 4 xị rượu”.

Thằng bạn nó nhăn mặt, cảm thấy xấu hổ cho chầu thết bạn của thằng bạn chí thân trước hai thằng bạn mới. Thằng bạn nói khía: “Tao nghe nói mày có việc làm, có lương nhận hằng tháng mà đãi tao ăn hột vịt lộn, uống rượu. Chơi kỳ quá vậy. Thằng kiết”. Nó nghe, nó cười, xua tay nói: “Tình cảm là chính. Quý nhau là ở chỗ đó chứ ăn gì, uống gì mà chả được”.

Tối đó, nó lại về nhà cởi cái áo quăng xuống giường, rồi nhẩm nhẩm: “Nếu hôm nay mình dẫn thằng bạn đi uống bia trong quán sang thì 4 thằng uống tốn hơn thùng rưỡi, mất toi gần 600 nghìn cộng với vài đĩa mồi cũng tốn chừng ấy. Vị chi xài hết một triệu hai, trong khi mình đãi nó trứng vịt lộn, nem chua và rượu gạo tốn có tầm 200 nghìn”. Nó lại khoan khoái, rút trong ví ra 5 tờ tiền loại 200 nghìn nhét vào ba con heo đất.

Nó làm thằng Kiết trong mắt mọi người đến giờ đã 10 năm, nhưng nó vẫn sống vui, sống khỏe. Mọi người thì thấy nó khó ưa vì kiết, nhưng bù lại trời lại phú cho nó có biệt tài pha trò, lại giỏi ca hát, nên cuộc vui nào cũng phải có nó.

Làm việc ở công ty được ba năm, thì nó quen một cô gái làm chung công ty. Đúng 6 tháng là nàng ta hô biến khỏi cuộc tình. Cô nàng không chịu được cái tính kiết ấy của nó. Mà cũng phải, mỗi lần dẫn cô người yêu đi chơi mà nó toàn dẫn ra công viên ghế đá, lâu lâu mới dám đưa nàng vào cà phê, trà sữa, thì chả cô nàng nào chịu nổi.

Ba con heo đất nó nuôi từ năm đầu tiên vào công ty làm việc giờ đã no tròn. Nó quyết định lần lượt đập heo đất. Con heo đất thứ nhất được 35 triệu đồng. Nó dành số tiền này đem thẳng đến trại trẻ mồ côi ở gần công ty biếu tặng lo Tết cho những đứa trẻ côi cút, bất hạnh. Con heo đất thứ hai cũng hơn 30 triệu. Nó ôm số tiền này đem thẳng đến một trung tâm bảo trợ xã hội tặng lo cái ăn cho những cụ già neo đơn.

Con heo đất cuối cùng là con heo đất to nhất. Nó đập ra đếm cả ngày chủ nhật được 120 triệu đồng. Nó quyết định dùng toàn bộ số tiền này xây tặng cho mẹ con chị công nhân nghèo làm cùng công ty có chồng mắc bệnh ung thư không có chỗ ở. Ngày ngôi nhà chị công nhân khánh thành đúng vào dịp toàn công ty nghỉ Tết. Cả cơ quan đến chúc mừng. Chị công nhân xúc động: “Không có Nghĩa thì tôi không có căn nhà này. Cậu ấy dành dụm, tiết kiệm tiền nuôi heo đất 10 năm nay, để cho tôi ngôi nhà này đây”.

Đồng nghiệp nó nghe vậy há hốc mồm, trợn tròn mắt. Nó lại nghe vài tiếng lẩm bẩm chỉa vào tai nó như 10 năm trước nó đãi hạt dưa ra mắt: “Thằng Kiết sao phóng khoáng, nghĩa hiệp quá vậy”. Nó cười thầm. Cô người yêu cũ của nó cũng có mặt ở đó. Nàng nhoẻn miệng cười. Giờ thì nàng đã hiểu ra.

Những tràng pháo tay rôm rả hướng về thằng Kiết đầy lòng nghĩa hiệp. Chợt nó nhớ tới mẹ, nó nhớ di nguyện của mẹ nó về những con heo đất lúc mẹ nó còn sống.
 

 


.