Viếng mộ thân sinh Bác Hồ

02:04, 30/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) như một "địa chỉ đỏ" của bất kỳ người dân Việt Nam nào khi đến vùng đất Tháp Mười.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày tháng Tư, tiết trời nắng như đổ lửa, nhưng trong Khu quần thể di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lại ngập tràn không khí dịu mát bởi rợp bóng cây xanh. Trước lăng mộ Cụ, những đóa sen trắng tỏa hương thơm ngát...

Khu di tích  cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp.                                                     Ảnh: TL
Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Ảnh: TL


Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng để đáp ứng về tình cảm, nguyện vọng của người dân đối với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) quyết định xây dựng Khu mộ cụ Phó bảng. Ngày 22.8.1975, khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khởi công và đến tháng 12.1977 thì hoàn thành.

Với diện tích hơn 9ha, khu di tích được chia thành ba khu vực chính, gồm: Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Ngôi mộ cụ Phó bảng quay về hướng đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống, trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát.

Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi và cây sộp hơn 300 tuổi. Phía trước mộ là ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, trong sáng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đó cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp.

Bên trong vòm mộ được phủ bằng một cánh sen úp xuống để che nắng, che mưa; trên những cánh sen này tạc hình chín đầu rồng - biểu tượng cho dân tộc Việt Nam là “Con Rồng - Cháu Tiên” (theo truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ); đồng thời nói lên niềm tự hào to lớn của người dân vùng châu thổ Đồng bằng Sông Cửu Long (Chín Rồng).

Kế bên là ngôi nhà truyền thống được dựng lên, bên trong lưu giữ những kỷ vật  của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Phía xa là ngôi nhà sàn Bác Hồ được xây dựng theo dáng vẻ y hệt kiểu nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội.

Chị Lê, hướng dẫn viên ở khu di tích, cho biết: Ngôi nhà sàn này được phục chế cùng với kích cỡ ngôi nhà sàn của Bác Hồ tại Hà Nội, nhắc nhở mọi người và thế hệ con cháu mai sau luôn nhớ về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước có một cuộc sống giản dị, cả đời hy sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc. Đó là tấm gương sáng để lớp lớp các thế hệ chúng ta học tập, noi theo... 

“Vào những dịp lễ, Tết có hàng chục nghìn lượt khách đến viếng thăm khu di tích. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, đã có khoảng 600 nghìn lượt khách đến viếng thăm. Chúng tôi rất tự hào khi được chọn là người hướng dẫn các đoàn tham quan, giúp mọi người hiểu rõ hơn về tấm lòng của một người con xứ Nghệ đã gắn bó với mảnh đất này và là thân sinh của Bác Hồ kính yêu”, chị Lê chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐỨC LÊ


.