Sớm phát huy quần thể văn hóa Làng Teng

11:04, 23/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) vừa được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể nói, đây là hạt nhân trong quần thể văn hóa Làng Teng mà tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2017, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Hrê nơi đây.

TIN LIÊN QUAN

Giữ nét văn hóa của dân tộc

Khi nghề dệt thổ cẩm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, người dân Làng Teng rất phấn khởi. Nhiều nghệ nhân nơi đây hy vọng làng nghề sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến. Theo nghệ nhân Phạm Thị Găm, những tấm thổ cẩm của làng từng được trưng bày tại Festival nghề truyền thống ở Huế, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” và được đánh giá rất cao. Bây giờ, nghề dệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chắc chắn trong tương lai sản phẩm của làng sẽ được vươn xa, giúp chị em phụ nữ trong làng có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.

Biểu diễn các làng điệu dân ca, dân nhạc tại không gian văn hóa Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).
Biểu diễn các làng điệu dân ca, dân nhạc tại không gian văn hóa Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).


Nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng có từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm nhưng làng nghề vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê. Trước đây, sợi se từ bông vải và màu của cây rừng. Trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật, với đôi tay khéo léo của các mẹ, các chị đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng. Bây giờ, vật liệu để dệt thổ cẩm thay bằng chỉ màu, nhưng độ tinh xảo của tấm thổ cẩm vẫn không kém ngày xưa. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Thành Phạm Thị Minh Đôi cho biết: "Nhờ giữ gìn nét văn hóa của dân tộc từ các hoa văn, họa tiết và dệt đúng kỹ thuật, nên tấm thổ cẩm của Làng Teng vẫn không kém phần sinh động".

Cứ mỗi độ xuân về, hay dịp lễ, Tết, đồng bào Làng Teng và các địa phương ở huyện Ba Tơ đều diện bộ đồ thổ cẩm để dự lễ, vui xuân. Khách du lịch gần xa ưa thích sản phẩm thổ cẩm Làng Teng cũng xuất phát từ những họa tiết gắn liền với thiên nhiên, núi rừng Ba Tơ. Mỗi sản phẩm thổ cẩm Làng Teng đều thể hiện sự thông minh, sáng tạo, thẩm mỹ của đồng bào. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm Làng Teng luôn trường tồn theo thời gian.

Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thiện. Ban Quản lý đang trình Sở Xây dựng hoàn thành thủ tục hồ sơ để tiến hành bàn giao cho địa phương vào cuối tháng 4.2019".


Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh NGUYỄN PHÚC NHÂN

Phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc

Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để triển khai Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng". Công trình gồm các hạng mục mang tính quần thể văn hóa Làng Teng nói riêng và của người Hrê Ba Tơ nói chung, gồm: Không gian sinh hoạt, nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống, kho lúa, chuồng trâu, cây nêu và nhiều hạng mục khác... Trong nhà văn hóa sẽ trưng bày các vật dụng sưu tầm; phục hồi nghề chế tạo các công cụ sinh hoạt và lao động sản xuất cổ truyền của người dân Làng Teng, tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, dân ca, dân nhạc...

Đến nay, sau gần hai năm xây dựng công trình đã cơ bản hoàn thành, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao công trình cho địa phương đưa vào sử dụng. Phụ trách Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ Bùi Đình Ngôn cho biết: Công trình cần sớm đưa vào khai thác, nhằm phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Nhiều hạng mục của công trình làm bằng tranh, tre, dây rừng, nếu thiếu người trông nom, quét dọn thì rất dễ bị mối mọt làm hư hỏng.

Cũng theo ông Ngôn, người trông nom công trình này phải là người hiểu biết về tập tục văn hóa của đồng bào Hrê, thì mới phát huy được hiệu quả của công trình, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào Hrê đến với người dân, du khách gần xa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Bài, ảnh: MAI HẠ


.