Quảng Ngãi hay... gì?

09:04, 24/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, câu vè sau đây tồn tại như một đúc kết về tính cách của người dân ở 4 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết”. Niên đại ra đời của bài vè này, theo một số nhà nghiên cứu lịch sử thì khoảng sau năm 1822, vì tên Thừa Thiên xuất hiện bắt đầu từ năm 1822.

Để đi đến ngọn nguồn câu chuyện nhằm xác định tính cách của một cộng đồng dân cư, thiết nghĩ cũng cần phải có sự dẫn dắt của lịch sử để hiểu thêm về một vùng đất sinh ra và hình thành tính cách của cộng đồng dân cư ở đó. Thời nhà Hồ, năm 1402, vua Chiêm đã dâng cho Đại Việt 4 châu gồm Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (tương đương với hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay). Hồ Quý Ly đã xác lập chủ quyền tại vùng đất mới này.

Người Việt đã có cuộc di dân từ khu vực Thanh - Nghệ vào đây để khai phá và định cư lâu dài. Thế nhưng, chỉ 5 năm sau, vào năm 1407, được sự trợ lực của nhà Minh, vua Chiêm đã tái xác lập lãnh thổ của mình ra tận vùng ngoại ô Huế ngày nay.

Cuộc “nhùng nhằng” về biên giới lãnh thổ giữa Chiêm Thành và Đại Việt về vùng đất Quảng Nam - Quảng Ngãi chỉ kết thúc vào năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông kéo đại quân vào “chinh Nam” lần nữa, đẩy thủ đô của Chiêm Thành bật khỏi Đồ Bàn vào sâu qua bên kia đèo Cả. Đạo “Thừa tuyên Quảng Nam” được hình thành sau đó, kéo dài từ Quảng Nam đến tận núi Đá Bia, tức phía nam Phú Yên ngày nay.


Cuộc xáo trộn liên miên của lịch sử giai đoạn thế kỷ XV giữa hai nước đã kéo theo các cuộc hòa huyết lẫn sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm. Tính cách của cư dân vùng đất cũng đã hình thành trên nền tảng đó.

Tuy nhiên, cũng do đặc thù của mỗi tỉnh mà người dân ở đó lại có một cách ứng xử riêng để hình thành tính cách. Ví dụ như cách phát âm, chỉ cần cách nhau một truông cát (như Dốc Sỏi giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi) hoặc một con đèo be bé (như Bình Đê giữa Quảng Ngãi và Bình Định) là cách phát âm đã khác lắm rồi. Câu vè “Quảng Nam hay cãi...” cũng được hình thành từ những đặc tính này.

Một số người cho rằng, “Quảng Ngãi hay la”, có lẽ họ dựa vào tính cách mạnh mẽ, nói năng bỗ bã của người Quảng Ngãi chăng? Vả lại, chữ “cãi” của Quảng Nam thì đi theo sau nó phải là “la” thì mới logic (?). Tuy nhiên, giả thiết này rất khó thuyết phục vì chữ “la” chỉ nói lên mức độ âm thanh khi giao tiếp hơn là nói về tính cách con người. Cho nên, theo chúng tôi, “Quảng Ngãi hay co” thì mới có lý hơn. Câu tiếp theo “Bình Định hay lo” thì mới hợp vần của cả 4 câu vè.

Nói về chuyện “cãi” của người Quảng Nam, thú thật, chúng tôi tiếp xúc và làm bạn với nhiều người là dân Quảng Nam chính gốc thì thấy họ cũng hay cãi mỗi khi tranh luận một điều gì đó, nhưng Quảng Ngãi thì cũng có thua gì Quảng Nam trong việc “cãi” đâu! Tuy nhiên, việc “cãi” của Quảng Nam mới thành giai thoại. Và bài vè trên kia, gần như chỉ tồn tại có mỗi câu đầu, tức “Quảng Nam hay cãi”, 3 câu sau biến mất!

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà Nguyễn vốn dĩ không ưa dân Quảng Nam vì Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn từng được chúa Trịnh phong làm Quảng Nam trấn thủ Tuyên úy đại sứ Cung quốc công từ năm 1777 để đánh chúa Nguyễn. Khi thống nhất giang sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi, thiết lập triều Nguyễn, nhớ lại chuyện cũ, nên nhà Nguyễn luôn có sự đối xử thiên lệch bất lợi cho người Quảng Nam. Hễ mỗi khi bổ nhiệm hay đề bạt gì cho người Quảng Nam, triều đình thường “gây khó” cho họ, nên anh quan người Quảng Nam ấy phải “cãi” đến cùng để bảo vệ quyền lợi cho mình...

Đó cũng chỉ là suy diễn của người đời để lý giải chuyện “cãi” của dân Quảng Nam chứ kỳ thực, suốt 143 năm tồn tại của mình, nhà Nguyễn đã bao lần “ưu ái” cho những công dân Quảng Nam đỗ đạt thành tài và trao cho họ những chức vụ trọng yếu trong triều. Vì vậy, lý giải vì sao Quảng Nam hay cãi cũng chỉ theo cách của từng người, chứ chưa một nhà nghiên cứu nào đưa ra đáp án cuối cùng cả.

Còn Quảng Ngãi hay co thì chữ “co” này phải được hiểu là “co cựa”, “co cưỡng”, tức chống lại mọi sự áp đặt, chứ không phải “thu mình lại”, “co lại” đâu. Rất ít khi người Quảng Ngãi chấp nhận một việc gì đó mà người đối diện đưa ra. Trước khi đồng ý thì họ cũng phải “nói lại” một câu gì đó, nhiều khi rất “khó nghe”.

Chẳng hạn như cô thu ngân nhà hàng là người Quảng Ngãi, bạn ăn xong kêu tính tiền, theo người ở tỉnh khác thì cô ấy sẽ nói: “Dạ, cô/bác hay anh/chị đợi một chút”, nhưng cô ấy là dân Quảng Ngãi thì sẽ nói thế này: “Ủa chớ bộ cô/chú/anh/chị ăn không trả tiền sao?”. Dĩ nhiên, đó là một câu hài hước, nói vui với khách. Nhưng nếu là khách không quen với kiểu “hay co” này, thì rất... “khó nghe” vậy.

Người Quảng Ngãi “hay co”, tức hay phản kháng, họ ít khi chịu “an bài”. Nếu là oan khuất, thì họ sẽ “co cựa” đến khi đạt được chân lý mới thôi. Những vụ kiện tụng trở thành “kỷ lục Việt Nam” như vụ ông già đội 7 ký đơn đi kiện, đến mức nhà tàu lửa quen mặt cho ông đi miễn phí luôn những lần ra vô Hà Nội - Quảng Ngãi mười mấy năm liền; rồi cô hiệu trưởng một trường tiểu học bên Sơn Tịnh kiện ông Trưởng ty giáo dục Nghĩa Bình suốt 25 năm đến khi cô hiệu trưởng nọ thắng kiện thì cả hai cùng về hưu một lượt luôn. Hay như vụ kiện nổi đình nổi đám vụ phá rừng Tánh Linh tận Bình Thuận, người chủ xướng vụ kiện ấy lại là một người Đức Phổ, Quảng Ngãi!

Vậy thì Quảng Ngãi rõ ràng là “hay co”, tức là hay “cưỡng lại”, chứ không phải “thu mình lại". Đến đây thì bạn đọc lờ mờ nhận ra “chân dung” một người Quảng Ngãi với những tính cách “không giống ai” rồi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một góc nhìn để nói về sự phản kháng.

Điều này cũng có hai mặt của nó. Như đã nói, mặt tích cực là đấu tranh đến cùng để tìm ra lẽ phải, tìm ra chân lý nhưng mặt khác, cũng do tính “hay co” này mà hở một chút là kiện đến cùng, nhiều khi những việc không đáng, chỉ cần “hiệp thương” là êm chuyện, nhưng cũng kiện cho bằng được!

Tuy nhiên, mặt tốt của người Quảng Ngãi thì vẫn là ưu điểm hơn cả. Còn tốt như thế nào, xin hẹn một dịp khác chúng tôi sẽ nói kỹ hơn.

TRẦN ĐĂNG
 


.