Những lu mắm của ngoại

09:04, 02/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước khi tiễn tôi lên xe, Philip không quên với giọng dặn theo, dù trước đó đã dặn đi, dặn lại cả tỷ lần: “Nhớ xin ngoại can nước mắm mang vào nhé em”. Mà chẳng cần Philip nhà tôi phải dặn.

Mười lần như chục, từ quê ngoại trở vô, lúc nào tôi cũng lỉnh kỉnh tay xách nách mang đùm đề những chai, những thùng, những can, những hũ chỉ có mắm là mắm, từ mắm nước cá cơm thơm vàng sánh tựa mật ong, đến mắm mực vừa ngon vừa ngọt; mắm cá nục, mắm cá trích thịt đỏ au chỉ hít hà ngó nghiêng đến niêu cơm. Nhưng nhà tôi ưu tiên nhiều nhất, thường xuyên sử dụng nhất vẫn là thứ nước mắm đóng can “made in bà ngoại”.

Nhớ ngày đầu tiên Philip theo tôi về xứ Quảng, trong khi tôi mở bung lồng ngực ra hít hà cho thỏa hương vị mặn mòi của một dãy những lu, những vại, những chum mắm ngoại đang để nơi đầu hè phơi nắng, miệng không ngừng hít hà, thèm thuồng khoái trá ước gì lúc ấy có tô cơm nguội, chan ngay muỗng mắm tức thì ăn ngay cho thỏa cơn thèm. Trong khi tôi đang lâng lâng ngất ngây tận hưởng hương vị nồng nàn của quê hương, thì Philip hai tay bịt chặt mũi, cắm cổ, cắm đầu lao vội ra sân, miệng không ngừng la oai oải “cái mùi gì mà thum thủm khó chịu thế này?”. Philip không tin đó là mùi nước mắm khi thi thoảng đi ăn hàng quán, anh bảo rằng mình ngửi mùi nước mắm khác cơ.


Đã không biết bao lần tôi cắt cớ hỏi ngoại: “Nước mắm có tự bao giờ?” Ngoại móm mém cười trả lời tôi một câu chắc cú: “Nước mắm có trước ngày ngoại sinh ra. Nó có từ ngày xửa, ngày xưa”. Tôi lục tìm tài liệu, không thấy sách vở nào viết cả. Tôi nghĩ rằng nó có từ lúc người Việt biết chài lưới bắt cá và phát hiện tình cờ một thứ thức ăn là lạ, thú vị từ cá khi sản phẩm thu hoạch về ăn không hết.

Quê ngoại tôi một làng chài nghèo ven biển miền Trung. Những lần về quê, tôi thường theo bà ra biển từ sáng sớm, đón chờ thuyền mang cá vào bờ. Mùa nào, cá nấy. Cá tươi ngon, được luồng giá rẻ, ngoại mua về rưới rắm muối cá. Cá muối mắm nhiều nhất vẫn là cá cơm, cá nục. Những mớ cá tươi dong rong róc nước, lóng lánh óng ánh được ngoại lúi cúi mang về xả sạch bằng nước biển, phơi ráo nước rồi tỉ mỉ xếp vào những lu, những chum, những vại đã được lau chùi phơi khô sạch sẽ trước đó. Ngoại có riêng một gian buồng chỉ dành để chứa những chiếc lu đựng mắm, nơi mà không một con ruồi nào có thể lọt được vào.

Chỉ cần có một con ruồi bay vào là chum mắm sẽ sinh  ngay ra dòi. Rồi cứ bốn cá, một muối, ngoại xếp lên thành từng lớp cẩn thận. Sau khi xếp các lớp cá và muối xong, ngoại lấy những chiếc vỉ tre cài chặt lại, nén chặt xuống để muối và cá quyện hòa cùng nhau. Chờ cho đủ tháng, đủ ngày chum muối cá sẽ phân hủy, để tạo ra một thứ nước màu cánh gián. Đó chính là nước mắm nguyên chất. Sát dưới đáy vò, ngoại đã đặt một cái vòi, bịt kín. Mở cái vòi phía dưới cho nước rỉ ra, ấy chính là nước mắm nhỉ. Nhưng tôi chỉ ăn nước mắm nguyên chất, còn nước mắm nhỉ, nói thiệt chỉ cần một giọt đã mặn rụt lưỡi. Ngoại bảo đó là loại nước mắm “thần thánh”, bao nhiêu tinh chất của cá đã chiết ra thành mắm nhỉ hết rồi, thế nên nếu bán rất đắt, phải cả triệu đồng một lít, đó là tôi nghe nói vậy, chứ ngoại tôi chưa bán bao giờ. Thứ nước mắm nhỉ ấy ngoại để cho cháu con và dành biếu những người trân quý.

Một dãy lu làm đầy căn buồng, hết đợt cá này đến mùa cá kia, mắm được chiết ra những chiếc can, những hũ sành ngoại để dành cho con cháu làm quà mang đi, đứa nào bận bịu không về, ngoại lại lóc cóc gói ghém đóng can lèn chặt gửi xe đò mang đi rải khắp phố phường từ Sài Gòn đến tận Tây Nguyên.

Sau khi lấy nhau rồi, Philip cũng đã làm quen với mùi nước mắm, nhưng vẫn không ngừng thắc mắc “xứ Quảng phải đâu vùng làm nước mắm như Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang mà sao nhà mình ai cũng thích, ngộ ghê?”. Bởi mắm đâu chỉ là mắm, mà còn là tình thương của ngoại và bóng hình của cả quê hương yêu thương.

Nhớ ngày xưa, khi tôi và Philip chưa cưới nhau, mặc kệ mọi người đi đông, đi tây, riêng tôi có chút thời gian rảnh rỗi là tranh thủ ào về quê, để sớm mai lẽo đẽo theo ngoại ra bãi chờ thuyền mang về thúng cá tươi roi rói, lụi cụi chuẩn bị cho những lu mắm tiếp theo. Buổi trưa nằm võng đong đưa nghe tiếng muôi dừa va lanh canh vào thành thạp, hay nghe tiếng của mắm nhỉ rút lù nhỏ giọt long tong đều đều lên bát sành, rồi thử nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, chạm bằng tay và thử suy ngẫm về mặn ngọt của cuộc đời từng chặng đã qua. Thấy mình lớn lên rất nhiều.

Bỗng giật mình, tôi từ lúc được ăn dặm, được mớm đút thì cái món “khó ngửi” này đã ở trong thịt, trong da, trong xương, trong máu và không khéo nó còn ở cả trong hồn vía nữa không chừng, thế nên đi đâu cũng thèm, cũng nhớ. Nhớ có lần cùng Philip về thăm bố mẹ chồng, một tuần liền không được nghe mùi mắm. Chân vừa bước tới nhà, tôi ào ngay xuống bếp, hít một hơi dài mùi mắm “made in bà ngoại”, cả ngày hôm ấy tôi chỉ ăn độc một món duy nhất là cơm với mắm, thêm trái ớt trong vườn cùng tép tỏi Lý Sơn, tôi đã có một bữa no, một bữa ngon như chưa bao giờ từng được ăn. Thế nên mới có chuyện buồn cười, mỗi lần phải về gia đình Philip, tôi đã phải lén lút chiết mắm ra từng chai nhỏ, khèn thật chặt và quấn trong tầng tầng lớp áo bỏ vào va-li để mà mang theo, bữa ăn nào cũng thậm thụt lấy chai nước mắm ra ăn sau cùng.
Chỉ cần cơm mắm thế thôi, nhưng đi đâu rồi cũng muốn quay về.


THỦY VŨ
 


.