Mua láng giềng gần...

11:04, 17/04/2019
.
 *Truyện ngắn của LI LAM


(Báo Quảng Ngãi)- Mai chuyển về sinh sống ở khu nhà mới được ba tháng thì xảy ra chuyện. Hôm ấy sáng cuối tuần, đang lóc cóc kéo vội cây phơi đồ trước hiên vào nhà vì trời đột nhiên mây mù vần vũ, Mai bực bội: “Có được hôm phơi phóng đồ đạc cho đàng hoàng thì trời lại đổ mưa”. Bỗng cô nghe thấy tiếng còi xe cứu thương đỗ xịch kế bên cổng nhà mình. Nghe thì nghe vậy chứ Mai cũng chẳng để tâm cho lắm, bởi vì “có đỗ trước nhà mình đâu”.  Kéo hẳn cây phơi vào nhà, Mai với tay đóng luôn cánh cửa trước vì tiếng ồn của chiếc xe đậu ngoài kia khiến cô khó chịu.

Vừa chớm bước vào bếp thì chuông cửa lại vang lên. Hé cánh cổng sắt, Mai nhìn thấy người đàn ông mặc đồng phục trắng trông có vẻ rất khẩn cấp. Tháo vội chiếc khẩu trang y tế trên mặt, ông chỉ vào căn nhà bên cạnh hỏi cô: “Chị có biết cách liên hệ với chủ nhà không? Chúng tôi bấm chuông cửa nãy giờ, nhưng không có ai mở cửa. Có người bị thương bên trong nhà, nếu không nhanh thì nguy hiểm đến tính mạng mất”. Mai trả lời: “Tôi chịu thôi. Nhà tôi mới chuyển về đây".

Thực ra Mai biết gia đình người hàng xóm cạnh nhà. Buổi trưa cô đi làm về thường bắt gặp một cụ già tóc bạc ngồi trên chiếc ghế nhỏ trước cổng nhà. Nhà bên ấy có giàn hoa giấy tán sum suê. Bà cụ ngồi đó phe phẩy chiếc quạt giấy trên tay trông rất bình yên. Ngày nào cũng vậy, Mai gật đầu thay lời chào bà cụ rồi lách vào cánh cổng, mặc dù rất nhiều lần bà cụ trông có vẻ muốn bắt chuyện. Mai thuộc tuýp người sống khá kín đáo, cô ngại bắt chuyện với người khác. Vì thế khi tìm chỗ ở mới, cô đi xem rất nhiều chỗ mới chọn được nơi  này.

Khu nhà Mai ở có gần chục gia đình, nằm trong con hẻm cụt, hầu hết các hộ đều là công nhân, viên chức, nên ít khi giáp mặt nhau. Mấy lần lên thăm con gái, mẹ cô đều ướm lời: “Thế con đã chào hỏi hàng xóm chưa đấy? Ông bà mình có câu “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”, họ là người sống trong cùng một không gian với mình thì ít nhiều cũng phải trò chuyện với nhau chứ”, bà nói vậy nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng quen thuộc của đứa con gái kiệm lời.


Từ ngày chuyển về, Mai chưa bắt chuyện với ai bao giờ ngoại trừ ông tổ trưởng tổ dân phố sống ngay đầu hẻm. Mới ngày đầu cô dọn đến ở, ông đã xồng xộc đến nhà ghi tên tuổi, nghề nghiệp, số điện thoại. “À, điện thoại... Anh có thể chạy ra đầu hẻm, hỏi nhà bác tổ trưởng ấy. Bác ấy chắc có cách liên hệ với chủ nhà”, Mai nói. Thấy người đàn ông chần chừ, Mai bèn dẫn luôn đến trước cửa nhà ông tổ trưởng. Hơn nửa tiếng sau, Mai mới nghe thấy tiếng ổ khóa lách cách vang lên, chừng 5 phút sau đó, tiếng còi xe cứu thương cũng lùi xa dần.

Tối hôm đó, vừa bày chén bát ra bàn, Mai lại nghe thấy tiếng chuông cửa. Cô nghĩ bụng: “Hôm nay ngày gì mà nhiều người tìm đến nhà cô thế nhỉ?”. Vừa thò mặt ra khỏi cửa, một túi đồ ăn nóng hổi được dúi vào tay cô. Mai sửng sốt nhìn đứa trẻ trước mặt, cậu bé khoảng chừng 13-14 tuổi đang ngượng ngùng gãi tai, nó ấp úng: “Cháu nghe mẹ bảo, nhờ có cô mới cứu được bà. Bố mẹ cháu vào viện trông bà cả rồi. Cháu thay mặt bố mẹ qua cảm ơn cô”.

Thì ra, cậu bé là cháu cụ bà nhà bên. Thằng bé bảo, chẳng là sáng nay cũng như mọi ngày bà cụ ở nhà một mình, vì đã lớn tuổi, chân tay yếu nên bố mẹ thằng nhỏ không cho bà đụng tay làm việc nhà, nhất là việc lấy quần áo phơi trên tầng thượng. Nhưng hôm nay, do thấy trời sắp mưa to, bà tiếc công giặt giũ của con dâu nên lọ mọ lên lầu lấy quần áo vào nhà kẻo ướt, lên đến chiếu nghỉ thứ hai, thì bà vấp té không đứng lên được. Cổng thì đã khóa, trước khi lên gác bà cũng cẩn thận khóa luôn cửa nhà. Loay hoay mãi, chợt bà nhớ ra nút ấn gọi cấp cứu con trai dặn đi dặn lại phải giữ trong người. Khi xe cứu thương đến thì lại không thể vào nhà. Rồi chuyện diễn ra như cô đã biết. Xách túi đồ ăn vào nhà, Mai có cảm giác áy náy bởi thực ra cô đâu có giúp đỡ được gì.

Hơn tuần sau, cụ bà đã được về nhà. Buổi trưa, cô lại thấy cụ ngồi bên giàn hoa giấy như mọi lần. Bà cụ khẽ gọi: "Này cháu, cháu tên gì ấy nhỉ? Nhà sát vách nhau mà không biết tên kể cũng kỳ. Bác tên Ba, là bà nội của thằng Linh”. Cô trả lời: “Cháu tên Mai ạ”, rồi cô lại vội vàng lách vào cổng.

Không biết sự việc lan truyền thế nào mà những ngày sau đó, chuông cửa nhà Mai cứ vang lên liên tục. Khi thì bà Ba mang qua cho đĩa xôi, khi thì cậu bé Linh sang xin ít ớt. Mấy hôm sau, chủ nhân căn nhà đối diện nhà Mai còn dúi vào tay cô cả chùm chìa khóa nhờ Mai gửi cho người chồng về muộn, vì cô ấy còn vội đi đám cưới... Nhưng lạ là Mai lại không cảm thấy phiền hà như cô đã từng tưởng tượng về những người hàng xóm.

Hôm nay, sáng sớm Mai đang chuẩn bị đến chỗ làm, vừa tra ổ khóa vào cánh cổng, cô vừa nghĩ đến việc tìm một nơi nào đó để đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ, bởi ở nhà thì cô cũng chỉ biết rúc mình trong phòng. Bỗng bác tổ trưởng từ đâu sán lại gần bảo: “Này cháu gái. Lễ lộc có về quê hay đi đâu chơi không? Nếu không thì tối thứ 6 này, xóm mình tổ chức liên hoan, mỗi nhà góp một món ăn. Mình ăn lễ cho vui nhé”.

Thoạt nghe Mai đã định từ chối, nhưng cô lại nghĩ đến những ngày vừa qua, rồi trả lời: “Dạ vâng ạ”. Ông tổ trưởng bỗng bật cười khà khà rồi vỗ vỗ vai cô: “Sống khép kín quá không tốt đâu cháu ạ. Hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau là chuyện đương nhiên mà. Thế là giờ mình đã thành xóm giềng rồi đấy nhé”. Rồi thì cậu bé Linh gọi với theo xe Mai: “Cô Mai nhớ nhé. Cuối tuần xóm mình ra mắt thành viên mới của xóm luôn cô nhỉ”.

Mai cười thầm, à thì ra đây chính là tình láng giềng mà mẹ cô đã nói..../.
 

.