Mẹ sinh con, Trường Sơn sinh lần nữa

10:04, 29/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Khoảng tháng 2 năm 1971, trong khi hành quân trên đường Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, tôi đi qua phía mái rừng tây của Kon Tum, Gia Lai và ở đó, tôi đã nghe một tiếng nói "lạ" mà tôi chưa từng nghe, phát từ những chiếc máy bay Mỹ…

Trong hàng trăm tác phẩm của Tô Hoài đã viết sau Cách mạng, tôi ấn tượng nhất với tiểu thuyết "Ba người khác". Ở đây phải cảm ơn NXB Đà Nẵng và cố nhà văn Đà Linh đã can đảm in quyển tiểu thuyết này. Có một nhân vật trong đó-Trung tá Huỳnh Cự chiêu hồi-tôi đã từng nghe băng ghi âm phát tiếng ông ta ra rả từ máy bay Mỹ OV10 và C130, kêu gọi "anh em cán binh Cộng sản" về với "Chính nghĩa quốc gia" ngay trên đường Trường Sơn.

Người ấy có thời-trong "Ba người khác" của Tô Hoài-là "cốt cán" cải cách ruộng đất. Hỡi ơi! Đời là thế! Ở tiểu thuyết này, Tô Hoài đã đạt tới độ thượng thừa của một nhà văn hiện thực nghiêm nhặt. Ông viết cứ nhẹ như không, mà sâu sắc tới từng dòng chữ.


Còn bây giờ, cháu nội tôi đang đọc "Dế mèn phiêu lưu ký", một cuộc phiêu lưu qua nhiều thế hệ. Ngày đó, cách đây ngót 50 năm, tôi là một chú dế than đã lang thang qua Trường Sơn. Một cuộc "phiêu lưu" kéo dài 4 tháng, giữa những cơn sốt rét và thiếu dinh dưỡng tối thiểu. Bây giờ nhiều lúc cũng ngạc nhiên, vì sao mình đi qua được con đường kỳ lạ này?

Nhưng đâu phải mình tôi. Hàng triệu người đã đi qua con đường ấy, con đường duy nhất dẫn ra chiến trường. Đó là một kỳ tích của dân tộc. Nếu bây giờ có ai dè bỉu cuộc phiêu lưu "Dế Mèn Việt", xin mời họ thử đi một chuyến xem sao. Cung cấp cho họ đủ mọi nhu cầu. Nhưng họ phải tự đeo ba lô và đi bộ.

Trên đường Trường Sơn, có những lúc, chiếc ba lô nhẹ bẫng-vì còn rất ít vật dụng trong đó-bỗng nặng tựa Thái Sơn. Đó là lúc người mang nó bị cơn sốt rét hành hạ. Bấy giờ thì chân tay bủn rủn, mắt hoa đầu nặng, chân thập thững bước thấp bước cao. Đi người không đã thấy nhọc, huống hồ đeo ba lô.

Tôi nhớ, một khoảng thời gian khá dài tôi là lính thu dung do sốt rét, nên "đoàn" chúng tôi chỉ còn có hai người: Tôi và một bác sĩ quân y tên là Chất. Anh Chất với tôi cứ đi bộ túc tắc, hết trạm này lại qua trạm khác, cho tới lúc cả hai cùng bị cơn "tái" sốt rét vùi dập.

Chúng tôi đành vào nằm ở bệnh xá Binh trạm thuộc đường dây 470. Ở đó, tôi đã quen thân với anh y tá tên Hải Ba, mà sau này, trong tác phẩm "khối vuông ru-bích" tôi có viết mấy dòng nhắn tin cho anh, vì từ lâu chúng tôi thất lạc nhau.

Không ngờ, chỉ vài năm sau khi tập thơ của tôi được in bởi NXB Tác Phẩm Mới (1985), tôi đã nhận được lời đáp hỏi thăm của anh Hải Ba. Hóa ra, đi qua chiến tranh, anh y tá Hải Ba đã thành nhà thơ Hải Ba. Và anh đã đọc lời nhắn tin của tôi nhờ đoạn thơ văn xuôi trong một tập thơ: "Tôi xoay những ô vuông. Anh y tá Hải Ba, quê Hà Nam Ninh, vốn là giáo viên dạy văn, khiêm nhường như con gái, anh phục vụ ở bệnh viện binh trạm và kín đáo làm thơ. Anh là người đầu tiên tôi chép tặng mấy bài thơ mới viết trên đường, cũng là người đầu tiên tin rằng tôi có thể làm thơ. Bây giờ anh ở đâu? Đây những dòng nhắn tin ngắn ngủi, mong anh sớm nhận được" .

Tôi nghĩ, có lẽ đây là lần đầu tiên thơ làm nhiệm vụ nhắn tin, và thành công. Bây giờ, khi chuyện nhắn tin đã bình thường, thậm chí chuyện tìm người thân thất lạc nhiều năm cũng đã không còn là chuyện bất khả, thì với một đoạn thơ ngắn như một tin nhắn in vào thời bao cấp năm 1985, tôi đã tìm ra tung tích một người tôi quen trên Trường Sơn! Thời đó, điện thoại bàn còn là quá hiếm, làm gì có điện thoại di động. Âu  cũng là số phận.

Tôi nhớ, tháng Tư năm 1971, cháu bé đầu lòng con anh Hải Ba mới tròn một tuổi. Hai vợ chồng Hải Ba-chồng y tá, vợ hộ lý bệnh xá Binh trạm, sống rất cực khổ trong rừng. Những trận càn khốc liệt năm 1970 của Mỹ và quân Sài Gòn ngay trên đất Campuchia khiến một cháu bé mới sinh đã phải biết thế nào là chiến tranh. Cũng không ngờ là sau này, qua thông tin của anh Hải Ba, tôi biết cháu bé con anh lớn lên khỏe mạnh, và có một gia đình bình thường như bao người phụ nữ khác. Đó là điều hạnh phúc nhất, không chỉ với gia đình anh Hải Ba.

       CHÁU BÉ, CON ANH BẠN

Vừa khóc oe oe đã phải chạy càn
cha mẹ ăn toàn quả gùi quả cám
gạo phần cháu mỗi ngày nửa lạng
mẹ kiệt sữa rồi phải nấu cháo con ăn

Mỹ ném xuống đây hàng ngàn xe tăng
bò như cua khắp đồng khắp trảng
đủ loại máy bay ngày đêm gào rống
mà chúng đành bó tay trước cháu bé mới sinh

B52 bừa nát cả rừng
cháu nhỏ nhít đội hàng trăm tấn
mẹ ôm con-hầm lắc lư như thuyền chao sóng
bom đạn quân thù làm cháu chóng khôn

ngày tôi đến thăm
nhà anh bạn quá chừng đơn giản
mái lợp tăng bốn bề thả trống
cháu nhỏ ngồi giường tre nghịch con mèo

chúng tôi pha trà uống với nhau
nghe bạn kể cháu thường lên cơn sốt
tròn một năm thôi thì bao khó nhọc

tôi ôm cháu vào lòng
cháu gầy quá, khắp người rôm sảy…


                                   1971

Những cháu bé sinh ra và lớn lên trong chiến khu hay giữa địa hình ở chiến trường, thậm chí trong lòng địa đạo, là một nét đặc biệt kỳ lạ ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vượt lên trên tất cả, sự sống vẫn sinh sôi một cách bình thản, đúng như cách mà cuộc sống vẫn thể hiện trên trái đất, dù hoàn cảnh ở đây là vô cùng khắc nghiệt.

Với những đứa trẻ ở rừng, sự chịu đựng, thậm chí hy sinh của chúng thì những người ở xa dễ nhận ra, theo kiểu lý thuyết, hơn là những người ở gần, những người lớn sống chung với trẻ nhỏ. Những hy sinh hay chịu đựng âm thầm ấy lặn vào bên trong, và thật khó biết, vì nó bị sự hồn nhiên bẩm sinh của trẻ con làm mờ đi.
 
Nhưng đôi khi, ta thoáng nhìn thấy, cái khát khao vụng dại, cái khát khao khó gọi tên nhưng có thật, hiện lên nơi những cặp mắt ngây thơ. Ở rừng, tôi không quan sát trẻ con, mà tôi sống bình thường với chúng. Nhưng có một lần, giữa một đêm sinh hoạt của cơ quan, hình như là tổ chức đón Trung thu cho các cháu, thì một cháu 12 tuổi, tên là Đặng, cần vụ của thủ trưởng cơ quan, đột nhiên đề nghị tôi đọc thơ.

Tôi hết sức ngạc nhiên: Sao cậu bé Đặng biết tôi có làm thơ? Thì ra, một lần tôi đã đọc bài thơ về đám trẻ con trong rừng cho Đặng nghe, và cháu nhớ. Đặng yêu cầu tôi đọc lại đúng bài thơ ấy. Vào đêm Trung thu. Một đêm Trung thu mà chúng tôi không nhìn thấy trăng rằm đâu cả. Bởi trăng đã bị những tầng cây rừng che khuất. Không nhìn thấy trăng đêm Trung thu, đó cũng là một sự hy sinh của những đứa trẻ trong rừng.

Đúng là giữa rừng già, trăng chỉ hiện lên như "Những vệt ngời nho nhỏ". Nhưng khi những "Vệt ngời" ấy "long lanh hoài trong đáy mắt ngây thơ", thì nó sống, sống dai dẳng trong ký ức trẻ thơ. Tôi không biết, những đứa trẻ trong rừng mà tôi quen bây giờ thế nào.
 
Chúng đã có độ tuổi 50+ rồi. Và có em đã… 60 tuổi. Liệu những "vệt ngời nho nhỏ" của trăng trong rừng những năm tháng ấy có còn long lanh trong ký ức các em? Bây giờ nếu ở thành phố thì cũng ít khi thấy trăng. Nhưng trăng thành phố và trăng trong rừng vẫn rất khác nhau.

Mẹ sinh tôi ở quê nhà Quảng Ngãi năm 1946. Nhưng 25 năm sau, vào năm 1971, Trường Sơn lại sinh tôi lần nữa, khi tôi hành quân trên con đường "xẻ dọc" dãy núi vĩ đại này. Đúng là khi đã qua con đường ấy, không chỉ mình tôi, mà rất nhiều người đều cảm thấy như mình được một lần nữa sinh ra.

Bây giờ là 60 năm đường Trường Sơn mang tên đường Hồ Chí Minh. Tính ra, tôi đã lên đường Trường Sơn từ tháng 1 năm 1971. Trong trường ca "Metro" viết nhân 50 năm đường Trường Sơn, tôi đã có câu thơ: "Mẹ sinh con, Trường Sơn sinh lần nữa". Đúng như vậy. Tôi đã nên người nhờ đi qua Trường Sơn./.

Thanh Thảo

.