Hình thành thói quen đọc sách

03:04, 21/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sách là nguồn tri thức vô giá, giúp người đọc hiểu biết về thế giới rộng lớn. Đặc biệt, đối với học sinh (HS), việc đọc sách có ý nghĩa quan trọng, góp phần trang bị kiến thức toàn diện, làm hành trang để các em vững bước vào đời.

TIN LIÊN QUAN

Đổi mới công tác thư viện


Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã nêu rõ mục tiêu đối với giáo dục phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới đó, thư viện trường học có vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa đọc, thói quen tự học, tự chiếm lĩnh tri thức của HS. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường các loại sách phục vụ cho việc học tập của HS. Nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện để thu hút nhiều HS đến đọc sách.  

Trường Tiểu học La Hà, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) thu hút học sinh đến với thư viện xanh.
Trường Tiểu học La Hà, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) thu hút học sinh đến với thư viện xanh.


Cùng với việc đổi mới thư viện trường học, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều đổi mới, nhằm thu hút bạn đọc. Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Trịnh Thanh Tùng cho biết: Thư viện thường xuyên bổ sung các đầu sách. Ngoài hàng chục nghìn bản sách phục vụ bạn đọc, thư viện còn có hàng nghìn bản sách luân chuyển. Công tác phục vụ  bạn đọc cũng có nhiều đổi mới, bạn đọc có thể đến trực tiếp thư viện để đọc sách, hoặc có thể mở thẻ thư viện điện tử.

Ông Trịnh Thanh Tùng cho biết thêm, để góp phần phát triển văn hóa đọc trong HS, hằng năm Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức Tuần đọc sách tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thư viện dành từ 3.500-5.000 bản sách để luân chuyển về các trường, trong đó chủ yếu là sách xã hội, chính trị, văn học nghệ thuật, sách giáo khoa phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, các loại truyện tranh.

Nâng cao văn hóa đọc

Trước những đổi mới trong công tác phục vụ, ngày càng có nhiều HS đến Thư viện Tổng hợp tỉnh đọc sách. Em Lê Nguyễn Mỹ Duyên, lớp 8C5, Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: “Em hay đến thư viện vào buổi sáng hoặc buổi chiều sau khi tan trường. Thường thì em đọc các loại sách bồi dưỡng và thỉnh thoảng đọc truyện để thư giãn.

Những hôm không có nhiều thời gian thì em mượn sách về nhà". Khi đến thư viện đọc sách, Duyên thường đi với bạn học cùng lớp để chia sẻ thông tin về các loại sách. Em Phan Xuân Lan, bạn học cùng lớp với Duyên, thổ lộ: “Từ việc đọc sách, em học được rất nhiều kiến thức bổ ích. Em thường sắp xếp thời gian để đọc những cuốn sách mình yêu thích”.

Còn cô giáo Lê Thị Thanh Hương, dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cũng tranh thủ sau những giờ lên lớp để đến với thư viện đọc sách. Cô Hương chia sẻ: "Trên mạng có đầy đủ các loại sách, nhưng tôi vẫn thích đến thư viện vì cầm sách đọc giúp mình hiểu sâu hơn, mặt khác ở thư viện có nhiều sách mới phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu".

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam

Nhân Ngày sách Việt Nam (21.4), Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: Tọa đàm, giới thiệu sách; thi vẽ tranh theo sách (diễn ra từ ngày 18-21.4, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng và Thư viện Tổng hợp tỉnh); Hội thi kể chuyện theo sách (từ 20-21.4 tại Thư viện Tổng hợp tỉnh). Tối 18.4, tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng, Ngày sách Việt Nam do Sở TT&TT tổ chức đã khai mạc; tại đây diễn ra các chương trình: Talk show “Learning English today - Success tomorrow” do Trung tâm Anh ngữ AMA-BIS thực hiện, triển lãm sách, ảnh nghệ thuật, tranh thiếu nhi…


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


.