Mùa về trên lưng áo mẹ

10:03, 16/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi thường hay dậy sớm dù tối qua có ngủ muộn đến mấy. Đó là một thói quen được duy trì từ khi còn nhỏ. Mỗi khi tiếng mấy con gà  ở chái tranh cất lên. Tàu lá chuối vườn sau cọ vào mái tôn, khô cong từng đợt gió khuya. Tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa. Tiếng ho nén lại của mẹ vỡ òa. Ngọn đèn dầu vặn bấc đủ sáng một quầng nhỏ...

Nhà tôi gốc gác nông thôn. Mẹ dãi dầu thức khuya dậy sớm, chăm vườn cà liếp cải, nuôi đàn lợn, con gà. Tôi lớn lên theo từng tháng, từng năm nhọc nhằn đi qua. Theo cả tiếng thở dài của mẹ mỗi khi mùa màng thất bát.


Việc đầu tiên sau khi mẹ trở dậy thường là đun nước, rồi nhẹ nhàng ra vườn cắt rau chuẩn bị phiên chợ sớm. Rau mẹ trồng nhiều loại, theo mùa, nào là mồng tơi, rau cải, diếp cá, mã đề, rau má... Tôi thức giấc khi quờ tay thấy lạnh, dù mẹ đã nhẹ nhàng đắp thêm chăn. Lâu rồi thành quen, tầm giờ ấy, hễ mẹ dậy là tôi cũng thao thức. Có hôm còn chồm hổm ngồi bên bếp lửa, đẩy từng que củi cho ấm nước mau sôi hay theo sau chân mẹ gom từng bó rau mẹ vừa cắt. Những bó rau, lọn rau xanh mởn tượng hình từ công sức chăm bón, vun trồng của mẹ. Để có được những luống cải, vạt cà tốt tươi mẹ phải tranh thủ lúc việc đồng áng nông nhàn, cuốc xới, vun giồng, xẻ rãnh. Công việc không nặng, nhưng cần sự chắt chiu, tỉ mẩn... Tôi rất yêu thích vườn rau. Mỗi buổi chiều phai, lặng lẽ cùng mẹ tưới nước hay vạch lá bắt từng con sâu.

Lớn lên, đi xa, lạ chốn khó ngủ, nhưng vẫn tầm ấy là thức dậy. Dậy để trằn trọc, để hoài niệm, để nhớ về những gì yêu thương còn hằn sâu trong ký ức... Ấy là hình bóng mẹ lúi húi bên vạt cải sau vườn từ khi trời còn mờ đất. Ấy là cái bắp chân mẹ tròn vo dấp dính lá úa đẫm sương mai, thoăn thoắt băng qua đường tắt ra bến đò cho gần. Ấy là những giọt mồ hôi lăn dài trên trán mà nụ cười của mẹ tỏa sáng lúc về nhà. Cả cánh đồng đầy sương phía bãi bồi, mẹ cặm cụi nhổ từng bụi cỏ. Sương dần tan, mặt trời mới lên hết con sào, cũng là lúc công việc tạm xong, mẹ lại tất tả về nhà lo cho bầy gà, con lợn.

Nhớ về mẹ, về mùa là nhớ vị mặn mòi của mồ hôi bết dính trên lưng áo mẹ. Từ nhỏ tôi đã quen mùi vị ấy. Cái vị khăng khẳng, chua chua, mặn mặn tạo thành vệt trắng bạc trên lưng áo... Từ đồng xa về hay từ chợ trưa lỡ chuyến đò ngang, chiếc áo mẹ thay ra trở thành chiếc gối hay chiếc chăn đắp hờ cho giấc ngủ ban trưa yên bình. Tôi đã ôm chiếc áo đầy mồ hôi ấy khóc ròng mỗi lần mẹ đi làm về muộn. Tôi đã lấy tấm áo che đầu khi mải mê chơi đùa, trốn trận đòn của cha phải chạy tắt ra đồng, nơi mẹ đang nhổ từng bó mạ kịp cấy vụ chiêm.

Chiếc áo của mẹ lưu lại qua bao mùa vụ. Để lắng dịu lòng tôi khi chạm vào để nâng niu, trân quý, yêu thương... Tôi làm sao quên được mùa gặt xôn xao đường thôn ngõ xóm, rơm rạ theo chân trâu về tận sân nhà. Mẹ đứng trước ngõ ngóng gió để giê từng gié lúa. Tà áo phất phơ, gợi niềm thương nhớ gần gũi. Đêm  nằm  nghe vị  xon xót nhưng mà sao thân thiết vô cùng... Tôi làm sao không nhớ đến những mùa đông buốt lòng từng đợt gió khuya. Chiếc áo mẹ vá chằng, vá đụp đem ra trưng dụng, đắp cho con qua được cái rét ghê người... Sau này đắp chăn bông, gối thêu thơm mùi vải vẫn còn thèm, còn nhớ tấm áo vá mẹ cất ở đáy rương.

Tôi gọi mùa về trên lưng áo mẹ. Bởi gắn với mùa là hình ảnh mẹ lung linh. Vạt cải triền sông, trổ ngồng mẹ chắt chiu từng thạp dưa kho cùng cá đồng. Thửa ruộng ngô trải dài ngút mắt, mẹ tiện tặn cùng vụ gặt dành hạt để mùa sau. Khóm chuối vườn sau xao xác trước cơn bão lùa, vẫn được vun trồng, oằn sai quả... Mẹ đã gom góp yêu thương, sảy sàng bao niềm hy vọng để tận hiến sức mình cho vụ mùa tốt tươi.

Tôi đã lớn lên trong tình yêu thương và qua từ nỗi nhọc nhằn đời mẹ để yêu hơn những gì mình được thấy, được ấp ôm. Mẹ là bóng mát, là suối nguồn yêu thương, dành cả cuộc đời hy sinh để con khôn lớn, trưởng thành...
 

SƠN TRẦN
 


.