Biết vậy, hồi đó...

04:03, 18/03/2019
.

Truyện ngắn của LI LAM

(Báo Quảng Ngãi)- Đó dường như là câu cửa miệng của má tôi. Từ khi chúng tôi có thể nhận thức được là đã nghe má nói, nhiều đến mức cả nhà có thể  đoán được vế tiếp theo là gì.

“Biết vậy hồi đó má đẻ ra cái hột vịt ăn luôn cho rồi, chớ đẻ ra mày rồi giờ mày đòi tiền để đi xuất ngoại hả con?”, hôm nay má lại tiếp tục câu mở đầu muôn thuở của mình khi thằng út vừa khơi mào việc đăng ký xin đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Ba chị em tôi biết có nói gì thì má cũng sẽ hờn dỗi, trách móc như bao lần mà thôi. Chẳng hạn như mỗi lần ba đi nhậu về, chân nam đá chân chiêu bước qua cánh cổng là má đã gào lên: “Biết vậy hồi đó tôi không thèm lấy một người chồng nát rượu như ông làm gì, để rồi giờ tối nào cũng phải ngồi chờ ông thế này”. Ba chở má đi cà phê gặp lại bạn cũ, má lại cảm thán: “Biết vậy hồi đó tôi lấy ông X cho rồi. Giờ ở nhà to rồi thấy không?”.

Hay lần Tết chị hai nhét hạt dưa vào mũi phải đi bác sĩ để gắp ra, má lại than thở “Biết vậy hồi đó má mua luôn hạt bí to, vừa rẻ lại vừa đỡ tiền đi bác sĩ”. Lần tôi thi rớt học sinh giỏi cấp huyện, má lại tặc lưỡi: “Biết vậy hồi đó khỏi cho con Mai học thêm Toán làm gì”... Có lần, đài truyền hình  phát một phóng sự về ngôi trường má từng dạy, má liền tiếc rẻ: “Biết vậy hồi đó má ở lại trường đó. Giờ to rộng thế này cơ mà”. Hiếm khi chị em tôi được mó tay vào công việc nhà bởi lần nào làm xong má cũng phán: “Mấy đứa lề mề, chậm chạp quá. Biết vậy để má làm cho nhanh”...


Điệp khúc “Biết vậy, hồi đó...” của má có tần suất ngày càng dày khi chúng tôi chập chững trưởng thành, ba tôi cũng đã nghỉ hưu về nhà ở hẳn. Mỗi lúc như vậy, ba con chúng tôi lại ra tấm phản nhỏ trước sân ngồi nhìn nhau. Chị hai chụm tay thì thào vào tai ba: “Hay má ấy chán ba con mình rồi ba nhỉ? Chắc má ước được quay trở lại thời trẻ để lấy chồng đẹp trai và ở nhà to như của chú X, sống sung sướng hơn phải không ba?”. Những lúc ấy, ba chỉ khẽ cười hiền.

Má lấy chồng muộn. Gần 40 tuổi mới đẻ đứa đầu lòng. Người ta ba năm hai đứa thì má bốn năm ba đứa. Nghe ba bảo hồi còn trẻ má xinh lắm, dăm ba đám cũng đến hỏi cưới nhưng má không chịu, cứ bảo ở vậy chứ không lấy chồng. Lúc đó, tiền đồ của má cũng khá xán lạn khi 35 tuổi má đã là phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở thị xã. Chả hiểu sao, khi vừa trông thấy ba, má lại gật đầu cái rụp. Ba không đẹp trai, cũng chẳng giàu có, gia đình ông lại ở cách nơi má sống hơn 200 cây số.

Bỏ cả công việc, má theo ba về quê ở cùng bà nội trong căn nhà hương hỏa ba được thừa kế. Ba đứa con nối tiếp nhau ra đời, bà nội già yếu lại thường xuyên đau ốm được một tay má chăm sóc, bởi khi đó ba đi làm thủy điện rày đây mai đó, lâu lâu ông mới đáo qua nhà thăm mấy mẹ con được một ngày.  Má  cũng bắt đầu lại công việc ở một điểm trường tiểu học bé xíu trong xã. Vì sinh con thứ 3, nên má từ bỏ luôn việc thăng tiến của mình. Nhưng dù cực khổ mấy, chúng tôi cũng chưa từng thấy má khóc bao giờ.

 ***
Những câu nói của má tạo nên một áp lực vô hình lên chị em tôi trong suốt quá trình trưởng thành. Chúng tôi luôn nghĩ rằng mình không làm được việc gì đúng theo kỳ vọng của má, dù chúng tôi có nỗ lực đến thế nào. Vì vậy khi nghe ba thông báo đã thế chấp căn nhà để lo tiền xuất cảnh cho thằng út, chị em tôi đều hốt hoảng: “Ba đã bàn với má chưa? Chưa thì ba đem tiền ra ngân hàng trả lại đi, chớ má mà biết là ba dọn ra vườn ở chắc luôn”. Ba cười xòa: “Chính má đưa sổ cho ba đi vay mà”.

Ngày thằng út xuất cảnh, cả nhà dắt díu nhau đi tiễn. Trong khi cha con ôm nhau khóc lóc thì má nói, giọng ráo hoảnh: “Đi làm siêng năng, kiếm tiền gửi má trả nợ nhen út. Mấy ba con mày cũng thôi đi, khóc lóc chi bắt dị hà. Nhanh nhanh còn về”, rồi bà quày quả ngược ra xe.

Nửa năm sau khi thằng út đi, má nhập viện vì suy tim. Mấy ngày má nằm trong phòng cách ly, chị em tôi và ba luôn trực sẵn bên ngoài. Buổi tối, nhìn ánh đèn phòng cách ly rọi qua cánh cửa im lìm, ba bảo: “Má nói vậy chớ không phải vậy đâu”. Đó là khi ông nói về những lần “Biết vậy, hồi đó...” của má. Ông giải thích: “Má nói vậy có nghĩa là má lo lắng và má cũng đang tự đổ lỗi cho bản thân mà thôi. Má lo lắng ba nhậu nhẹt say xỉn lỡ xảy ra chuyện gì. Lo lắng mấy đứa chơi trò dại dột khiến bản thân bị đau. Nghĩ rằng mình đã sai vì bắt mấy đứa học hay làm những thứ không đúng sở trường của mình. Buồn vì phải xa thằng con trai út... Má với ba lớn tuổi cả rồi, thời gian dành cho các con không nhiều như người khác, nên má mới hay nói vậy đó, mà nói có nửa chừng làm tụi con hiểu lầm má, có phải không?”.

Chị hai và tôi cúi đầu không biết nói gì. Nghĩ kỹ lại, cũng vì má không cho tôi tiếp tục học toán, tôi mới có cơ hội theo đuổi niềm đam mê với môn sinh học. Má bắt chị hai vừa ra trường phải cưới luôn anh người yêu 5 năm, để rồi giờ anh chị đã yên ấm trong ngôi nhà nhỏ với 2 đứa trẻ đáng yêu. Hèn gì, dù má có ca thán thế nào, ba vẫn yêu má... Chúng tôi đã vỡ lẽ ra nhiều điều về má như thế.

Hơn tuần sau, má được chuyển sang phòng bệnh thường. Nhìn đôi mắt đang nhắm nghiền vì đau, vuốt khẽ mái tóc đã bạc, chị hai nắm lấy bàn tay chai sần của má thầm thì: “Biết vậy, hồi đó chúng con biết thương má nhiều hơn...”.
 


.