Say mê nhạc truyền thống

03:02, 10/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở vùng cao Sơn Tây có rất nhiều người thuộc lứa tuổi 30, 40 đang sưu tầm, gìn giữ và chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Họ say mê và đang kế thừa, quảng bá những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của dân tộc mình.

Trong tiết trời se lạnh vào những ngày cuối năm, căn nhà sàn còn nguyên nếp xưa của nghệ nhân Đinh Thanh Sơn ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa lại rộn rã tiếng cười nói. Những năm gần đây, đều đặn vào hai ngày cuối tuần trong tháng, gác lại những công việc riêng, những thanh niên yêu thích đàn ca lại đến nhà nghệ nhân hoặc tập trung về điểm sinh hoạt ở thôn cùng ôn lại những giai điệu và chơi các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ca Dong.

 Điệu múa cà đáo đánh chiêng của đồng bào Cor Trà Bồng.                                          Ảnh: TR.AN
Điệu múa cà đáo đánh chiêng của đồng bào Cor Trà Bồng. Ảnh: TR.AN


Là một trong những người trẻ nhất xã biết chơi nhạc cụ truyền thống, anh Đinh Văn Tráo cho biết: "Từ nhỏ, khi tham dự lễ hội, hay ngày vui của thôn thấy các bậc cha chú đánh cồng chiêng, chơi các loại đàn dân tộc với những giai điệu lúc rộn ràng, hào hùng, khi sâu lắng, da diết, khiến tôi rất thích. Vậy nên, ngày còn đi học, tôi đã tự tập tành chơi các loại cồng chiêng và đàn A khung với các anh, các chú. Từ năm 2012 đến nay, tôi  vinh dự là thành viên đội cồng chiêng của huyện".

Giải thích về việc say mê, gắn bó với nhạc cụ truyền thống, anh Đinh Văn Oanh, ở thôn Nước Min bộc bạch: “Dù nhạc cụ dân tộc chơi khó hơn một số loại nhạc cụ hiện đại, nhưng âm thanh độc đáo, đặc trưng, nên nó có sức lôi cuốn rất mãnh liệt. Khi được chơi nhạc cụ dân tộc mình, ngoài sự thích thú, say mê thì còn có cả niềm tự hào”.
 

Cuối năm 2018, Sở VH-TT&DL đã chọn Đội cồng chiêng huyện Trà Bồng tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III tại Quảng Nam. Bên cạnh các tiết mục trình diễn trang phục, ẩm thực, văn hóa truyền thống của đồng bào Cor, Đội cồng chiêng Trà Bồng còn thể hiện tiết mục đấu chiêng, múa cà đáo đặc sắc, góp thêm cho ngày hội một nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cor miền Tây Quảng Ngãi.

Không chỉ yêu thích, say mê và chơi các loại nhạc cụ dân tộc mà nhiều người trẻ Ca Dong còn sưu tầm và biết làm các loại đàn, nhạc cụ. Anh Đinh Văn Hía, ở thôn Tà Dô, xã Sơn Tân cho biết: "Nhà tôi có đủ các loại nhạc cụ dân tộc từ chiêng, vơ róc krau, vơ roc tru, vơ róc jieng, sáo... và tôi đều biết chơi các loại đó. Có lẽ nhờ một chút năng khiếu mà từ việc học chơi cho đến làm các loại nhạc cụ tôi đều học hỏi rất nhanh.

Hiện nay, ngoài tôi ra thì trong xã cũng có một số người trẻ biết làm và chơi thành thạo các loại nhạc cụ. Tôi cũng đang cố gắng truyền dạy, chỉ bảo thêm cho các bạn trẻ ở địa phương, để âm nhạc truyền thống của người Ca Dong mãi lưu truyền".

Theo thống kê của Phòng VH-TT huyện Sơn Tây, toàn huyện có 9 xã, với 42 thôn, thì mỗi thôn đều thành lập đội cồng chiêng. Mỗi đội cồng chiêng thường từ 12 -  20 người và những người thuộc thế hệ 8X, 9X chiếm đa số. Dù thành lập tự phát, nhưng nhờ các thành viên nhiệt tình, tâm huyết tham gia cùng sự định hướng của các cơ quan chức năng mà từ năm 2017 đến nay, các đội cồng chiêng ở từng thôn đã có sự tập luyện, sinh hoạt đều đặn, nền nếp.

Giờ đây, đến đại ngàn Sơn Tây xa xôi, trong những nếp nhà sàn, vào những ngày lễ hội mừng lúa mới, ngày hội đại đoàn kết... không chỉ có già làng, nghệ nhân lớn tuổi trình diễn, mà đại đa số là những người trẻ đang hết lòng, say sưa chơi nhạc cụ và hát những bài ca, giai điệu của dân tộc mình.

Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Tây Lê Phương Nam cho rằng. Điều đáng mừng là hiện nay số lượng thanh niên, thiếu nữ Ca Dong say mê, gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc ngày càng nhiều. Và hằng ngày họ vẫn âm thầm luyện tập, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.r
HIỀN THU

Vẹn nguyên giá trị       văn hóa CorVùng đất  quế Trà Bồng là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cor. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên các thôn, làng người Cor rộn tiếng cồng chiêng và những điệu hò, câu hát...

Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, trên các xóm làng người Cor Trà Bồng, bà con dừng việc nương rẫy, ruộng đồng để mừng Tết cổ truyền. Cùng với việc lo cho mâm cỗ ngày Tết đủ đầy, ngày Tết, điệu cồng, tiếng chiêng không thể thiếu đối với bà con. Mỗi khi có tiết mục đấu chiêng là làng trên xóm dưới rộn ràng.

Gần 55 tuổi đời, nghệ nhân cồng chiêng Hồ Văn Biên - cán bộ Phòng VH-TT huyện Trà Bồng vẫn không rời bỏ niềm đam mê đánh cồng, đánh chiêng của mình. Ông Biên kể, thuở nhỏ, tiếng chiêng tiếng cồng đã gieo vào lòng ông niềm đam mê bao giờ chẳng hay. Khi lớn lên tham gia vào đội cồng chiêng ông hiểu đấu chiêng, tấu chiêng là hai loại hình khác nhau. Tấu chiêng là thể hiện trong lúc cúng thần linh, cầu mong những thế lực siêu nhiên về phù hộ hoặc chứng kiến lễ tạ ơn của người làng, còn đấu chiêng là hai người cùng đấu. Tiếng chiêng lúc trầm, lúc bổng, lúc dồn dập, lúc khoan thai như lòng người.

Người Cor xem đấu chiêng như một nghệ thuật đặc sắc, nên thường chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu. Bởi, trong quá trình trình diễn, người đấu chiêng còn phô diễn cả hình thể, vóc dáng, sức khỏe, sự dẻo dai của mình. Còn tấu chiêng thì nhẹ nhàng, khoan thai như tiếng gọi thúc giục cả làng về bên nhau chứng kiến lời cầu mong cho một năm mới làm ăn khấm khá, an bình...

Trưởng Phòng VH-TT huyện Trà Bồng Trần Thanh Ngọc cho hay: Trên cơ sở triển khai Đề án Bảo tồn và Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cor, các địa phương trong huyện đã sưu tầm nhạc cụ, tập huấn, xây dựng nhà sàn, mở các lớp dân ca, dân nhạc, dân vũ... nhằm bảo tồn nguyên vẹn nét văn hóa của đồng bào Cor. Đến nay, trên địa bàn huyện nét văn hóa này đã được bảo tồn và phát huy. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, lời ca, tiếng nhạc lại rộn vang khắp nơi nơi.


 TRƯỜNG AN

 


.