Ông giáo làng mê đồ cổ

10:02, 19/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 35 năm dày công sưu tập, thầy giáo Võ Thanh Phương ở thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã sở hữu một “bảo tàng” riêng, với hơn 1.000 cổ vật, trong đó nhiều loại quý hiếm, độc đáo, có giá trị văn hóa và lịch sử.

Dày công sưu tầm

Vốn đam mê cổ vật, mỗi khi có thời gian, thầy Phương lại rong ruổi trong Nam, ngoài Bắc để sưu tầm đồ cổ. Để thỏa niềm đam mê, người thầy giáo này phải chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ việc dạy học để mua các món đồ cổ giá trị. Món đầu tiên thầy Phương sưu tầm được là chén uống rượu Long Tuyền Diêu đời nhà Minh. Cứ thế, trải qua các thời kỳ, đến nay, bộ sưu tập của thầy Phương có đến hàng nghìn món đồ cổ các loại.

"Những đứa con tinh thần" được thầy Phương trân quý. Ảnh: K.Ngân


“Vật dụng ngày xưa tất cả các khâu đều làm thủ công. Do đó, trong mỗi món đồ cổ, thể hiện sự khéo tay, sắc sảo và cả sự công phu của các thợ lành nghề thời ấy. Họ đã tốn rất nhiều công sức và tâm huyết để làm ra những món đồ cổ. Quan trọng hơn, từng món đồ cổ đều gắn với một nét văn hóa trong từng thời kỳ”, thầy Phương cho biết.

Nhiều vật dụng trong các gian trưng bày ở nhà thầy Phương có niên đại hàng nghìn năm, có giá trị lịch sử, văn hóa. Đó là chiếc đĩa gốm màu đời Đường ra đời cách đây 1.000 năm; mảnh Trống Đồng có hoa văn chim bay ngược tuổi đời 4.000 năm; chum đời nhà Minh, đĩa trà cổ, mâm đồng, đồ pháp lam, chén Tống, ấm Tử Sa đời Minh; tô Chu Đậu đời Lê 500 năm, chóe đồng tiền - men lam Huế...

Ngoài ra, thầy Phương còn cất công sưu tập hàng loạt tiền xu, tiền giấy xưa. Như các tờ tiền Đông Dương, đồng tiền Gánh Dưa có hình Hoa hậu Nam Phương hơn 100 năm. Hay đồng tiền Pháp (1908); tiền xu Mỹ (1877) cùng hàng chục đồng hồ cổ có giá trị...

Lưu truyền đời sau

Theo thầy Phương, khi bước vào sưu tầm đồ cổ, người chơi cảm nhận ý nghĩa sâu xa của sự gìn giữ, bảo tồn, trao truyền cổ vật của cha ông. Cổ vật là chứng nhân lịch sử, chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần cho con người đương đại và lưu truyền cho hậu thế. Cổ vật đẹp và quý ở chỗ nó mang cái hồn của một dân tộc, của một giai đoạn lịch sử, của những nét văn hóa tinh túy nhất của từng thời kỳ...

Ngoài việc chịu khó rong ruổi sưu tầm đồ cổ, thầy Phương còn dành thời gian gặp gỡ giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức về cổ vật. “Kho tàng”  nhỏ của thầy Phương đã đón khách khắp nơi đến tham quan và được trưng bày ở nhiều bảo tàng trong và ngoài tỉnh, làm phong phú thêm kho tàng cổ vật của Việt Nam.

Thầy Phương tâm sự: "Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống cũng dần thay đổi. Gắn bó với mảnh đất Quảng Ngãi đã gần đời người, tôi cảm nhận được sự chuyển động trong từng nhịp đổi thay ấy. Song có lẽ vì bản thân luôn hoài niệm và yêu thích những gì xưa cũ, nên tôi đã gắn cuộc đời mình vào cái nghề “tìm cổ vật”.


Kim Ngân

 


.