Ân tình của giáo sư người Nhật

09:02, 15/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giấc ngủ triệu năm của núi lửa ở Lý Sơn đã cuốn hút giáo sư Setsura Nakada (Chủ tịch Hội đồng khoa học mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, thuộc UNESCO) đến với hòn đảo xinh đẹp này.

TIN LIÊN QUAN

Giáo sư Nakada bảo, Lý Sơn là tài sản vô giá cần được đánh thức, trở mình và bước ra thế giới. Đó chính là lý do để hằng năm ông đến hòn đảo này, để giúp Việt Nam chứng minh những di sản địa chất núi lửa giữa đại dương với UNESCO.

Một đời với núi lửa

Cả cuộc đời mình, giáo sư Nakada chỉ quanh quẩn với núi lửa, địa chất, trầm tích. Ông nói vui: “Cả đi dạy ở Đại học Tokyo cũng là dạy địa chất. Hết đá rồi núi, hết núi rồi đá. Nói chuyện gì cũng liên quan đến địa chất. Tôi là một người cổ xưa không hơn không kém”.

 Giáo sư Nakada (áo xanh) trao đổi cùng TS.Trần Tân Văn về một điểm trầm tích đẹp mắt và có giá trị khoa học ở đảo Bé.                                                                                                                    Ảnh: TRẦN MAI
Giáo sư Nakada (áo xanh) trao đổi cùng TS.Trần Tân Văn về một điểm trầm tích đẹp mắt và có giá trị khoa học ở đảo Bé. Ảnh: TRẦN MAI


Tháng 4.2016, lần đầu tiên giáo sư Nakada đến Lý Sơn. Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng Tò Vò... những điểm trầm tích này đã thuyết phục được đôi mắt nhìn xuyên đá núi của một chuyên gia. Lúc ông đứng trên đỉnh Thới Lới, nhìn về biển xanh mênh mông, gió thổi tràn qua mắt, ông đã nhìn thấy dưới đại dương thăm thẳm quanh Lý Sơn là một vùng núi lửa rộng lớn. Kéo hai tay ra, rồi thu lại giáo sư Nakada nói: “Không chỉ những gì các bạn đang thấy, mà dưới đó, núi lửa nhiều lắm”. Với ông, núi lửa là cả một trời kiến thức, trong lớp đá đen ấy, Nakada có thể tìm lại một miền quá khứ sơ khai kiến tạo nên trái đất.

“Khu vực biển Lý Sơn thực sự được thiên nhiên ưu ái là một nơi tham quan tuyệt vời cho du khách để có thể hiểu về núi lửa hình thành dưới đáy biển và các hoạt động núi lửa được hình thành như thế nào, để kiến tạo nên khu vực Đông Nam Á”, giáo sư Nakada chia sẻ.
 

Lý Sơn có sự tương đồng với nhiều công viên địa chất toàn cầu trên thế giới. Các hoạt động nâng kiến tạo trong lịch sử tạo ra thềm biển và kết hợp với hoạt động núi lửa có thể nhìn thấy tại ven biển Nhật Bản và tất nhiên cũng tại đảo Jeju, San’in – Kaigan và công viên địa chất toàn cầu Oki.

Trở lại và hiến kế

Trong lần đầu tiên đến Lý Sơn, ông chỉ mang về cho mình vài mảnh đá bé nhỏ, cùng với đó là hàng nghìn tấm ảnh, video. Để rồi, nhiều lần sau đó ông trở lại Việt Nam và nhận lời làm cố vấn, giúp đỡ cộng sự Việt Nam chứng minh Lý Sơn và vùng phụ cận là di sản địa chất xứng tầm thế giới.

Tháng 5.2018, Nakada lại xuất hiện ở Lý Sơn. Những mảnh vỡ quá khứ mang về lần trước đã giúp ông có cái nhìn toàn diện hơn về thế giới nham thạch ngủ vùi ở một khu vực rộng lớn kéo dài vào cả trong bờ.

Giáo sư Nakada cho rằng: Các vách đá tại đảo Bé, có thể hơn 5 triệu năm được hình thành bởi các dòng dung nham dạng cột, các nếp gấp, do sự lắng đọng trầm tích của các dung nham cấu tạo dạng bọt nguội lạnh, đôi lúc bị vỡ, có vỏ màu sáng hơn.

Hơn thế nữa, dưới đáy của các dòng chảy trông như các dòng dung nham “Pahoehoe” (Dung nham xoắn thừng) xuất hiện trên bề mặt. Các dòng lava dạng ống được hình thành từ núi lửa phun trào xảy ra rất nhanh (không bị ngắt quãng nguội lạnh), chúng cắt nhau vuông góc tạo các hình thù độc đáo.

Càng bất ngờ hơn nữa khi giáo sư Nakada đến bãi Bàn Than (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và phát hiện các dòng dung nham đặc, gần như là các cột dựng đứng. Các mảnh vỡ chồng lên nhau đủ cho khối óc ông tái hiện dòng lửa đỏ ngầu đổ tràn ra biển. Tôi bảo: “Ông như người buộc quá khứ phải mở miệng để kể câu chuyện từ khai hóa lập thiên của trái đất”. Ông cười xua tay: “Tôi làm công việc mà mình yêu thích và giúp vùng đất này phát triển”.

Không gian địa chất cứ mênh mông qua từng bước chân ông. Tại bãi biển Bình Châu, giáo sư Nakada đã phát hiện các lớp laterit có thể khoảng 10 triệu năm tuổi, phân bố trải dài trên các vách đá dọc bờ biển, phủ trên lớp miocen. Dòng chảy lava là địa điểm thích thú cho các nhà địa chất tương lai. Những vũng lớn nước hõm sâu rất đẹp mắt, nơi có thể phát triển du lịch một cách mạnh mẽ.

Giáo sư Nakada không đến Lý Sơn chỉ vì mục đích nghiên cứu. Mục tiêu cuối cùng của ông là biến nơi này thành điểm du lịch hút du khách và giới nghiên cứu trên khắp thế giới. Cộng đồng dân cư sẽ dựa vào thiên nhiên mà phát triển cuộc sống của mình.

Giáo sư Nakada đến, lấy kiến thức của đời mình, mong biến Lý Sơn thành công viên địa chất toàn cầu. Lòng nhiệt thành và tâm huyết ấy, những chuyên gia Việt Nam đều thấy rõ. Tiến sĩ Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - chia sẻ: “Nakada là một cộng sự, một người bạn hết lòng với Việt Nam. Những kiến thức của Nakada là hết sức quý giá đối với quá trình nghiên cứu, hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu cho Lý Sơn và vùng phụ cận”.

Còn với giáo sư Nakada, ông chia sẻ: “Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được những vẻ đẹp của những núi lửa trẻ tại Việt Nam nếu không được tham gia nghiên cứu. Tôi rất sẵn lòng giúp đỡ các bạn trong quá trình xây dựng công viên địa chất tại Lý Sơn”.


  LÊ NINH


.