Tết xưa của mẹ và tết nay của con có gì khác biệt

02:01, 23/01/2019
.

Ngày xưa trẻ con thường mong ngóng ngày Tết để được tha hồ chạy chơi cùng chúng bạn, được hít hà mùi khói bếp từ lò bánh chưng đỏ rực lửa trước nhà, được ông bà, cha mẹ mừng tuổi bằng những phong bao lì xì đỏ chót… Ngày nay, trẻ con cũng mong Tết mau về nhưng nỗi mong ngóng đã có phần khác xưa.

 

Sự thay đổi này trong thế giới của người lớn cũng không khác trẻ con là mấy. Với mọi người, Tết nay không còn đơn thuần là dịp lễ truyền thống của dân tộc, mà còn là chuỗi ngày để được nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc vất vả. Tuy vậy, dường như ai cũng có đôi chút tiếc nuối những ngày tết xưa cũ.


“Tết nay không còn ý nghĩa như ngày tết trước” là câu nói được nhiều người nhắc đi nhắc lại, vì họ cho rằng nhiều phong tục tốt đẹp ngày xuân đang bị mai một, bị thương mại hoá dần trong thời đại ngày nay. Trẻ còn vì thế mà cũng ít có dịp được trải qua một ngày Tết Việt thực sự. Mong là những so sánh thú vị sau đây sẽ giúp cho các em có một cái nhìn khác về ngày lễ Tết truyền thống Việt Nam.
 
Tết xưa rộn ràng bằng những lời chúc đầu năm, trẻ con xúng xính quần áo đẹp đi thăm họ hàng và nhận những bao lì xì may mắn. Sau đó, cùng theo chân ông bà lên chùa xin lộc đầu năm, mong một năm sung túc, an lành. Ngày nay, dễ dàng thấy rằng các công ty du lịch luôn có những khuyến mãi “khủng” để đón làn sóng xu hướng “du lịch xa” vào những ngày Tết, mọi người cho rằng việc đó nhằm bù đắp lại những ngày làm việc vất vả trong năm, những lời thăm hỏi chúc Tết được thực hiện qua điện thoại, thư điện tử.
 



Tết xưa việc trang hoàng nhà cửa được bắt tay từ 25 Tết, sau đó là đêm giao thừa chờ canh nồi bánh chưng nghi ngút. Việc tự tay gói những chiếc bánh chưng, bánh tét của các bà, các mẹ đã mang hương xuân theo từng nếp lá, vị bùi của đậu và béo của thịt mỡ. Con trẻ được giao cho việc lặt vặt như lau lá, lột chuối, xúc nếp… mà lòng rộn ràng niềm “vinh hạnh”, cả nhà lại cùng nhau chuyện trò, chia sẻ công việc năm cũ và ước mong những điều tốt lành cho năm mới. Ngày nay, quanh năm đều có bánh chưng chứ không hẳn là dịp Tết, bánh được gói và trưng bày bán tại các siêu thị, sự tiện ích đó đã làm vắng hẳn đi những buổi gói bánh truyền thống ngày xuân.
 


Tết xưa mua sắm không thể thiếu vài bánh pháo. Trẻ con thì vô cùng hào hứng mong chờ tiếng pháo nổ chào đón giao thừa. Dẫu biết rõ chuyện cấm đốt pháo là chuyện tất yếu phải thực hiện nhưng trong lòng mỗi người vẫn cứ thấy tiếc, thấy nhớ tiếng pháo rền vang trước giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ngày nay, giao thừa được chào đón bằng tiết mục bắn pháo hoa khắp nơi.


Tết xưa hào hứng với các hoạt động dân gian mừng xuân như: đánh đu, hát chèo, nhảy sập… cùng nhau du xuân, đi hội, nhưng Tết ngày nay, các khu vui chơi mọc lên như nấm phục vụ tất cả đối tượng khách. Trò chơi cũng đa dạng hơn, hiện đại hơn nhưng tính truyền thống đậm chất Việt thì ít hẳn đi.

Nhìn chung, trên hết vẫn là niềm vui, chào đón xuân mới Tết về trong muôn ngàn yêu thương. Hy vọng rằng những so sánh thú vị trên sẽ làm cho người đọc nhớ về một tuổi thơ đẹp đã từng trải qua của mỗi người, để thêm trân trọng những truyền thống của ngày Tết Việt đậm đà bản sắc. Hơn thế nữa, đây cũng là dịp để bố mẹ kể cho con nghe về những phong tục và thói quen trong những ngày tết năm cũ, để con có một cái nhìn mới về ngày Tết của dân tộc.

Chúc mừng năm mới!

LH (ST)


.