Nước mắt của cha

11:01, 08/01/2019
.
*Truyện ngắn của BÙI TẤN XƯƠNG

(Báo Quảng Ngãi)- Nhận được thư con, gần một tháng nay ông Hội cứ như người đang mơ. Thằng Tụ con ông vừa được phong hàm Trung sĩ và sẽ ra quân trong tháng đến.

Chuyện con cái lớn lên, đến tuổi nhập ngũ, làm xong nghĩa vụ trở về là điều hết sức bình thường. Nhưng với ông Hội thì điều đó quả là lớn lao. Có thể nói là rất thiêng liêng. Bởi hoàn cảnh gia đình ông cũng đặc biệt hơn so với bao gia đình khác.

Trước tiên là nói về ông. Lúc trai trẻ, ông là thanh niên đẹp trai, học giỏi, hát hay và cũng là con nhà khá giả. Hội là người phóng khoáng, hào hiệp, đi khắp nơi và có mối quan hệ rộng rãi với nhiều người có địa vị trong xã hội, nên được nhiều cô gái xinh đẹp thầm yêu mến. Nhưng Hội không phải là kiểu người lăng nhăng, bay bướm. Trong chuyện yêu đương nam nữ anh rất chừng mực và đứng đắn. Anh cũng có một vài mối tình lãng mạn, nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm thân thiết mà thôi. Hội chỉ muốn sống một cuộc sống tự do, không thích sự ràng buộc, gò bó ở một nơi cố định nào. Vì thế, dù là con một và đã qua ba mươi tuổi mà anh vẫn chưa chịu lấy vợ.

 


Cha mẹ anh ngày nào cũng thúc ép, nài nỉ, mãi đến năm ba hai tuổi anh mới lấy vợ. Vợ anh chẳng phải đâu xa lạ, là cô Lý, con ông bà Tư sát bên nhà. Ai cũng ngỡ ngàng, không hiểu nổi, một người bay nhảy như anh mà đùng một cái lấy vợ liền kề. Còn Hội thì giải thích rất dí dỏm: "Gần nhà khỏi mất công đi xa và đã quá biết từ nhỏ, không có gì phải giấu giếm cả".

Cuộc sống của gia đình Hội từ ngày anh lấy vợ vẫn luôn êm ấm, hạnh phúc. Và họ đã có với nhau một đứa con trai rất kháu khỉnh. Anh đặt tên cho nó là Tụ. Anh giải thích cũng rất hài hước: "Đã Hội thì phải Tụ. Hội Tụ là điều tốt đẹp nhất". Duy chỉ có cái tính lông bông, rong chơi nay đây mai đó là không thay đổi. Được cái là vợ anh đã quá quen rồi nên xem đó là chuyện bình thường, nên cuộc sống đôi vợ chồng trẻ cứ êm đềm trôi qua. Chồng có đi đâu mươi bữa, nửa tháng, Lý vẫn không nói gì. Vẫn lo chu tất nhà cửa, cơm nước cho cha mẹ chồng chu đáo, chăm sóc con cái chu toàn. Có khi chồng dẫn bạn bè về tổ chức tiệc tùng, chị vẫn vui vẻ tiếp đón. Cung cách của vợ chồng Hội làm cho đám trai tráng trong làng ao ước.

Sự bình yên, hạnh phúc của họ tốt đẹp mãi đến năm thằng Tụ lên mười. Lúc này, Lý bị bệnh nan y. Ba tháng sau chị ra đi rất nhẹ nhàng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào việc chồng chăm sóc con nên người.

Vợ mất, Hội suy sụp, nằm liệt giường cả tháng trời. Cha mẹ đã già cả lại phải chăm sóc cho con. Càng nghĩ nước mắt càng dầm dề. Cũng chính hình ảnh cha mẹ già, con thơ dại đã vực anh gượng dậy. Sức khỏe trở lại bình thường, nhưng anh như trở thành người khác. Ít nói, ít cười. Trầm ngâm, suy tư và lao đầu vào công việc. Mọi sự giao du, đàn đúm ngày xưa đã dứt hẳn. Bạn bè đến thăm anh cũng chỉ tiếp chuyện nhát gừng, miễn cưỡng. Tâm trí anh dành hết cho gia đình, nhất là dành cho việc chăm sóc thằng Tụ.

Tụ giống cha như đúc. Cả về hình hài lẫn khí chất. Rất thông minh và cũng rất phong lưu. Nó thừa hưởng của cha tất cả. Đấy là niềm an ủi lớn lao trong cuộc đời còn lại của Hội. Nhìn Tụ lớn lên từng ngày, tiến bộ từng ngày, ông Hội thấy những chịu đựng, hy sinh của mình đều rất xứng đáng. Chỉ có một điều nó không thể giống ông đó là bản lĩnh, là kỹ năng sống. Vì bản lĩnh và kỹ năng không do di truyền, mà do ý thức và sự tích lũy từ cuộc sống. Hay nói khác hơn là, do giáo dục và rèn luyện. Đây chính là lỗi của Hội. Quá thương con thành ra nuông chiều. Thường ngày, Tụ muốn gì được nấy thành thói quen. Đến khi phát hiện ra con sa ngã thì không còn sửa kịp.

Từ lớp một đến lớp tám là học sinh giỏi toàn diện. Sang năm lớp chín, Tụ học sa sút dần. Cuối năm là học sinh trung bình. Hội hỏi con thì nó bảo: "Do tập trung học các môn thi vào lớp mười". Nghe cũng có lý. Nhưng rồi, kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp mười của thằng Tụ làm ông điếng người. Vừa đủ điểm đậu. Tìm hiểu thì mới biết được gần đây Tụ giao du với đám bạn xấu. Thường bỏ giờ, trốn tiết vào các quán internet. Thời gian chính là tập trung vào games. Lại còn tập tành hút thuốc, uống rượu.

Từ đấy, ông Hội không thiết gì công việc làm ăn, suốt ngày canh giữ con. Nhưng "măng không uốn, tre làm sao uốn được". Việc học của Tụ cứ xập xệ, chỉ lao vào games. Buộc lòng ông phải mua máy vi tính về nhà cho con để tránh nó tiếp xúc nhiều với đám bạn xấu. Có những lúc Tụ thấy bức bối vì bị giám sát quá nghiêm ngặt nó to tiếng, hỗn láo với cha. Ông chỉ biết nuốt nước mắt, lựa lời khuyên giải con. Cố hết sức, Tụ cũng tốt nghiệp được trung học phổ thông, nhưng không thể vào đại học. Thôi thì có còn hơn không. Được nuột nào mừng nuột ấy. Ông đốt nhang cầu trời khấn Phật và xin vợ phù hộ cho con.

Đến lúc Tụ nhận lệnh gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Nhiều người bàn với ông Hội nhờ các quan hệ cũ để xin cho con miễn tham gia với lý do con một. Ông dứt khoát cho con đi. Suy nghĩ của ông rất đơn giản: "Ai cũng lấy lý do con một thì còn ai bảo vệ Tổ quốc". Ông chỉ sợ nó không đủ sức khỏe để tham gia. Ngày Tụ nhận lệnh lên đường nhập ngũ, ông Hội làm mâm cơm cúng vợ với lời khấn nguyện: "Phù hộ cho con chân cứng đá mềm". Ông còn một điều nữa, nhưng không khấn thành lời chỉ có riêng Tụ mới hiểu "Cầu mong môi trường quân đội giáo dục và rèn luyện con ông nên người hữu ích".

Thấu hiểu được lòng cha, nên vào bộ đội Tụ luôn cố gắng rèn luyện. Thay đổi lối sống buông thả. Lúc nào anh cũng ý thức đưa mình vào khuôn khổ, nền nếp. Sau ba tháng quân trường, với phẩm chất và thành tích luyện tập, Tụ được cử đi học lớp quân y. Tốt nghiệp ra trường với kết quả xuất sắc, anh được phong hàm Hạ sĩ. Về đơn vị công tác anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh còn đóng góp tích cực trong việc giúp dân phòng chống bão lũ và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Vì thế, Tụ được đặc cách phong quân hàm Trung sĩ. Nhận được thư con, ông Hội cứ như đang mơ. Chỉ mười tám tháng trong quân đội mà con ông như được lột xác. Nỗi vui sướng, hạnh phúc của ông không để đâu cho hết.

Được tin con ra quân, ông Hội đến ủy ban xã dự lễ đón quân nhân xuất ngũ, rồi ông đưa con về nhà. Gia đình đã bày cỗ cúng gia tiên. Bà con cô bác trong làng, trong họ đến dự rất đông đủ. Không ai cầm được nước mắt khi nghe ông khấn nguyện: "Lý ơi! Anh đã không phụ lòng em. Hôm nay, anh mang về cho em một đứa con đã được nuôi dạy nên người". Tụ không kìm được xúc động, anh gục vào lòng cha khóc nức nở: "Con xin lỗi ba. Xin ba mẹ tha thứ cho con".


Hai cha con ôm nhau nghẹn ngào. Nước mắt ông Hội rơi ướt vai con./.
 

.