Nhớ bữa cơm chiều 30 Tết

10:01, 23/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Như một lẽ tự nhiên, 30 Tết thường là một ngày có nắng đẹp, bầu trời dường như cao xanh và thoáng đãng hơn. Mây trắng bồng bềnh trôi vào cõi hư vô. Gió mang chút se lạnh của ngày cuối đông còn sót lại. Không gian thoang thoảng mùi hương của hoa trái tiết lập xuân. Và cứ mỗi lần gặp lại chiều 30 Tết như thế, tôi không sao quên được những bữa cơm chiều tất niên mẹ nấu ngày xưa.

TIN LIÊN QUAN

Người Việt quan niệm, Tết là dịp để sum họp gia đình, nhớ về nguồn cội, làm những món ăn ngon trước là dâng cúng tổ tiên, người đã khuất, sau là thết đãi con cháu. Thế nên, mâm cúng vào chiều 30 Tết phải cố gắng đủ đầy để tiễn đưa một năm vất vả, cầu cho năm mới hanh thông, no ấm. Mâm cúng chiều 30 không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục, là nét đẹp văn hóa có từ rất lâu đời của dân tộc.


Ngày 23 tháng Chạp, sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời tâu công việc ở hạ giới, chiều 30 Tết nhà nào cũng làm mâm cơm cúng, trước là mời ông bà, người thân đã khuất về ăn Tết, sau là mời ông Công, ông Táo về lại trần thế để cai quản bếp núc. Buổi chiều cuối năm do vậy mang thật nhiều ý nghĩa.

Để chuẩn bị cho mâm cúng tất niên, từ sớm tinh mơ, mẹ tôi đã thức dậy quảy quang gánh ra chợ cách nhà đến vài cây số. Đi chợ sớm để tìm mua những món tươi ngon về nấu nướng. Từ nửa buổi cho đến trưa ngày 30, mọi người trong gia đình đều tất bật công việc chuẩn bị cho buổi chiều và những ngày Tết sắp đến. Mấy anh em chúng tôi lo lau dọn bàn thờ, xếp lại bàn ghế, trải khăn bàn, rửa bình ly, cắm hoa và điểm thêm vài bức tranh giấy lên tường. Mẹ và bà thì lo công việc nấu nướng. Một bầu không khí rộn ràng, nôn nao chỉ có trong thời khắc chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Chiều 30, khi công việc trang hoàng nhà cửa đã hoàn thành, bàn thờ gia tiên đã ngay ngắn, nhang đèn được trịnh trọng thắp lên cũng là lúc mẹ tôi chuẩn bị xong mâm cúng tất niên. Ba mất, mẹ phải thay ba cúng bái gia tiên. Sau một hồi khấn vái, bao giờ cũng vậy, mẹ tôi sụt sùi khóc vì nhớ ba tôi đã hy sinh trong cuộc chiến khi mẹ chưa đầy 30 tuổi.

Cúng gia tiên xong, bữa cơm gia đình được dọn ra trước sự háo hức của lũ trẻ chúng tôi ngày ấy. Mâm cơm có gà luộc, rau răm, thịt heo luộc, rau trộn, củ kiệu, trứng tráng chả, giò lụa, bánh tét, giò heo hầm khoai sọ và bao giờ cũng có các món rau muống luộc, canh khổ qua đắng và cá đồng kho mặn. Trước khi ăn, mẹ tôi giảng giải: Món rau muống luộc là để cầu tài, cầu phúc trong năm mới muốn gì được nấy; món canh khổ qua là nhắc lại nỗi khổ cực đã trải qua không thể nào quên.

Còn món cá đồng kho mặn với nghệ, sả và lá gừng là món ba các con rất thích thời còn sống. Mẹ còn nhắc lại kỷ niệm những ngày cùng với ba vun vén hạnh phúc gia đình và cả những chuyện vui buồn trong Tết Mậu Thân 1968. Trong cuộc tổng tấn công vào sào huyệt của Mỹ - ngụy năm ấy, mẹ đã chuẩn bị đến mấy chục đòn bánh tét cho các chú bộ đội trước khi vào thị xã Quảng Ngãi. Những ngày sau Tết, chờ và mong ngóng mãi chẳng thấy ai trở lại, mẹ buồn mất mấy đêm không ngủ.

Chúng tôi lớn lên, trưởng thành thì mẹ càng già yếu. Bữa cơm chiều tất niên của mẹ chỉ còn là chuyện kể, đã trở thành kỷ niệm đong đầy trong ký ức. Ngày 30 Tết vẫn không khí thiêng liêng như ngày trước, có mâm cúng chiều tất niên với nhiều món ngon, lạ, nhưng lại thiếu món cá đồng kho sả, nghệ, lá gừng cùng món canh khổ qua đăng đắng nơi đầu lưỡi. Và thế là không thể nào quên được những bữa cơm mẹ nấu chiều 30 Tết.


THANH TÁNH
 


.