Gốm Chu Đậu- một dòng gốm độc đáo, thuần Việt

09:12, 19/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Gốm Chu Đậu là tên một dòng gốm sứ cổ truyền Việt Nam sản xuất tại làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Trước đây, rất hiếm người biết đến gốm Chu Đậu. Năm 1980, nhà ngoại giao Nhật Bản Makoto Anabuki, từ Tokyo gởi sang Việt Nam một lá thư nhờ tìm hiểu về xuất xứ chiếc bình gốm hoa lam tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vì ông ngờ đây là bình gốm Việt Nam; tiếp theo đó là cuộc khai quật con tàu đắm ở Cù lao Chàm (Quảng Nam), khiến sự hiện diện của gốm Chu Đậu bắt đầu được sáng tỏ.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển rực rỡ gốm Chu Đậu xuất phát từ chủ trương bế quan tỏa cảng của nhà Minh (TK 14- TK 17) bên Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu và giữa, triều đại này thực thi chính sách “bế quan, tỏa cảng”, hạn chế giao thương với nước ngoài. Triều đình chỉ cho phép những tàu nước ngoài đến buôn bán kèm theo những vật triều cống.

 

Chiếc kendy gốm Chu Đậu cực kỳ quý hiếm của một nhà sưu tập ở Đức Phổ- Quảng Ngãi.
Chiếc kendy gốm Chu Đậu cực kỳ quý hiếm của một nhà sưu tập ở Đức Phổ- Quảng Ngãi.

 

Gốm sứ Trung Quốc xuất khẩu theo đường biển sang phương Tây đang hồi hưng thịnh bị chặn lại. Để bù đắp nhu cầu, các nhà buôn chuyển hướng sang các nước lân cận. Lúc bấy giờ, đội ngũ thợ thủ công người Việt đã rất khéo tay và lành nghề, tạo điều kiện để những lò gốm vùng Hải Dương và Thăng Long nắm lấy thời cơ, đưa gốm Việt Nam phát triển rực rỡ, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Mặc khác, vị trí  Việt Nam nằm trên tuyến đường giao lưu hàng hải quốc tế khá sôi động từ nhiều thế kỷ về trước, cũng tạo ra một thuận lợi lớn trong giao dịch, buôn bán.

Năm 1997, một công ty của người Bồ Đào Nha được Chính phủ Việt Nam cho phép khai quật con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), ở độ sâu hơn 70m, thu được số lượng hiện vật lên đến hơn 24 vạn đơn vị, trong đó có nhiều bát, đĩa, hộp, lọ, bình, ang là gốm Chu Đậu, với nhiều tuyệt tác độc bản. Tiêu biểu trong số đó là chiếc bình gốm cao 56,5 cm, vẽ hình 4 con thiên nga trong bốn tư thế khác nhau, hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đây được xem là tinh hoa của làng gốm Chu Đậu ở thế kỷ XV về mỹ thuật cũng như kỹ thuật.

Phía bắc Cù Lao Chàm, sau năm 1975, dân vạn đò trên sông Hương (Huế) đã trục vớt được rất nhiều những hiện vật gốm vẽ lam, trắng ngà, đáy màu sôcôla nhưng chưa ai biết xuất xứ. Mãi cho đến khi có kết quả các cuộc khai quật khảo cổ ở Nam Sách (Hải Dương) và con tàu đắm ở Cù Lao Chàm thì mới biết đây là gốm Chu Đậu.

Gốm Chu Đậu nổi tiếng vì màu men và họa tiết thuần Việt. Nó đã từng xuất khẩu sang nhiều nước. Từ cuối thế kỷ XIV đến cuối đầu thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu cùng với những dòng gốm khác của Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trong thị trường gốm sứ ở Nhật Bản và ở các nước Đông Nam Á hải đảo. Bằng chứng là sự hiện diện của vô số hiện vật gốm Chu Đậu trong các di chỉ khảo cổ học và trong các con tàu đắm được phát hiện ở Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á nhiều năm qua.

Trong cuốn sách Vietnamese ceramics A separate tradition (Gốm sứ Việt Nam, một truyền thống riêng biệt- 1997) do John Stevenson và John Guy chủ biên có giới thiệu nhiều món đồ gốm Chu Đậu từ sưu tập của những bảo tàng lớn trên thế giới, thuộc các nước Mỹ, Úc, Hà Lan, Đức, Bỉ. Tuy nhiên, hiện vật gốm Chu Đậu nổi danh nhất thế giới là chiếc bình hoa lam ở Bảo tàng Tokapi Saray tại Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ nói trên.

Người ta đưa ra nhiều cách lý giải về sự lụi tàn của gốm Chu Đậu, trong đó đáng chú ý  là cuộc chiến tranh Lê-Mạc ở nước ta và sự mở cửa giao thương trở lại của Trung Quốc vào cuối thời Minh.

 

Chiếc đĩa Chu Đậu tam thái trong bộ sưu tập thuộc sở hữu của một người chơi cổ vật Quảng Ngãi.
Chiếc đĩa Chu Đậu tam thái trong bộ sưu tập thuộc sở hữu của một người chơi cổ vật Quảng Ngãi.


Khả năng cạnh tranh, sự nhạy cảm trước các thách thức cũng là một nguyên do. Khi người Trung Quốc mở cửa để dòng gốm của họ trở lại trên thị trường thế giới thì các lò gốm Chu Đậu đứng trước yêu cầu phải cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tiếp tục duy trì sản xuất và phát triển. Nhưng rất tiếc, vì nhiều lý do mà các chủ lò gốm Chu Đậu đã không tạo ra cơ hội cho chính mình trước những biến động lớn về kinh tế- xã hội.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác cũng không kém quan trọng, đó là tầng lớp cầm quyền đương thời không nhận thức được tầm quan trọng của giao thương, đặc biệt là xuất khẩu. Hàng gốm sứ Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa, thêm vào đó là tâm lý sính dùng đồ ngoại của triều đình và giới quý tộc đã khiến cả ngoại thương lẫn nội thương nước ta trở nên yếu ớt, sản xuất gốm sứ đình đốn và đi đến lụi tàn.

Ở Quảng Ngãi, hiện có nhiều nhà sưu tầm cổ vật, lưu giữ nhiều hiện vật gốm sứ Chu Đậu rất có giá trị. Trong cuộc trưng bày do Bảo tàng tổng hợp tỉnh tổ chức vào dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018 vừa qua, các nhà sưu tầm đã giới thiệu hàng trăm hiện vật gốm sứ Chu Đậu làm say lòng giới sành điệu và công chúng.

Chiếc kendy  sở hữu của một nhà sưu tập ở Đức Phổ là hiện vật gốm Chu Đậu vô cùng quý hiếm trong nước và trên thế giới. Một nhà sưu tập khác gìn giữ bộ sưu tập hàng chục chiếc đĩa tam thái khiến người chiêm ngưỡng không khỏi say mê, thán phục.

Bộ sưu tập gốm sứ Chu Đậu của Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cũng rất phong phú. Hàng ngàn hiện vật có giá trị đang được Bảo tàng xử lý để đưa ra trưng bày, nghiên cứu trong thời gian đến. Rất tiếc là một số hiện vật gốm Chu Đậu quý giá đã bị thất tán do quá trình quản lý, trưng bày thiếu khoa học. Đây chính là bài học đắt giá đối với những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng trong việc gìn giữ các di sản quý báu của ông cha.

Các chuyên gia gốm sứ như  TS Nguyễn Đình Chiến, TS Phạm Quốc Quân đều thống nhất nhận xét :Quảng Ngãi là một địa chỉ hấp dẫn để tìm hiểu, nghiên cứu về gốm sứ cổ, trong đó có gốm sứ Chu Đậu. Tuy vậy, công tác giới thiệu để các nhà sưu tập, những người yêu thích cổ vật và du khách đến với các sưu tập gốm sứ Chu Đậu quý giá ở Quảng Ngãi vẫn còn hạn chế, đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của các nhà quản lý, những người làm công tác chuyên môn cũng như chính giới sưu tập trong tỉnh.
                                                                     

Lê Hồng Khánh

 


.