Hoàn thành Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng" vào cuối năm 2018

05:11, 28/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng" phải hoàn thành cách đây 1 năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nên tỉnh đã chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành vào cuối năm 2018.

TIN LIÊN QUAN

Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng" được xây dựng trên diện tích 1,48ha, tại xã Ba Thành (Ba Tơ), do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban Quản lý dự án) tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng (vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia và vốn đối ứng ngân sách tỉnh).

 

Hạng mục
Hạng mục "nhà sinh hoạt cộng đồng" của dự án tại Làng Teng đang trong quá trình hoàn thiện.

 

Công trình gồm các hạng mục: San nền, sân vườn, nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống, nhà kho và nhà vệ sinh. Đồng thời sưu tầm, phục hồi nghề chế tạo các công cụ sinh hoạt và lao động sản xuất cổ truyền của người dân Làng Teng, kết hợp trưng bày, tổ chức truyền dạy nghề và nghiên cứu biểu diễn dân ca, dân nhạc... Đây là dự án mang tính chất đặc thù, nên gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thi công, nhất là hạng mục phục dựng 3 nhà truyền thống.

 

"Đầu tư xây dựng dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng” là nhằm nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại thôn Làng Teng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bảo tồn và duy trì các nghề truyền thống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, xây dựng Làng Teng trở thành thôn du lịch mang đặc trưng riêng về văn hóa của dân tộc Hrê thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến Quảng Ngãi tham quan, du lịch".

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh
NGUYỄN THÀNH TRUNG


Theo Ban Quản lý dự án, khi thực hiện 3 nhà truyền thống phục dựng bằng khung thép và lợp mái bằng tôn fibro xi măng, các già làng và cư dân trong vùng bày tỏ ý kiến không đồng tình. Người dân đề nghị phải chuyển sang vật liệu thiên nhiên, gần gũi, phù hợp với nhà sàn truyền thống của người Hrê. Ban Quản lý dự án đã lắng nghe, tiếp thu và dỡ dọn phần đã xây dựng để làm theo nguyện vọng của nhân dân. Ban Quản lý phối hợp với nhà thầu lên tận Tây Nguyên, Quảng Nam để tìm cỏ tranh mua về lợp mái; đặt mua các loại cây, gỗ, lồ ô về làm cột, vách, lót nền nhà, nên mất khá nhiều thời gian.

Khi nhà và các công trình phụ được dựng lên, nhiều vị trí chuồng trâu, chuồng heo, chuồng gà, chòi lúa đặt chưa phù hợp, Ban Quản lý dự án lại phải mời các già làng, người uy tín có hiểu biết ra hiện trường thi công góp ý. Tại hiện trường, già làng Phạm Văn Néo cho rằng: "Cái chòi lúa phải dời ra xa nhà ở, vì ở gần, khi cháy nhà thì cháy cả chòi lúa, mất đi cái ăn. Mô hình, hiện vật là đúng truyền thống rồi, chỉ còn lại việc bố trí lại cho đúng để con cháu sau này biết. Phục dựng thì phải đúng, phải mang nét văn hóa ngày xưa của ông bà tổ tiên".

Nhiều tháng nay, hằng tuần, chủ đầu tư đều tổ chức trực báo tiến độ, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, đảm bảo đúng với thiết kế đã được điều chỉnh. Hiện tại, dự án đã hoàn thiện cơ bản phần xây dựng nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống; các đồ vật sưu tầm cũng đã hoàn tất. Các hạng mục cuối cùng, như hệ thống tường rào bằng chè tàu, thảm cỏ xung quanh nhà văn hóa, mương thoát nước đang chuẩn bị thi công. Cây xanh trong khuôn viên cũng đã trồng xong; hệ thống điện đang được kéo về... Theo kế hoạch, trong tháng 12.2018, Ban Quản lý dự án sẽ tổ chức bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng.


Bài, ảnh: THANH NHỊ




 


.