Dấu ấn Chi hội Âm nhạc Quảng Ngãi

09:10, 13/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để thỏa lòng đam mê và phục vụ nhu cầu của công chúng yêu âm nhạc, thời gian qua, hội viên Chi hội Âm nhạc Quảng Ngãi đã tích cực tham gia sáng tác, biểu diễn, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc.


Chi hội Âm nhạc Quảng Ngãi hiện có hơn 50 hội viên thuộc các chuyên ngành: Sáng tác, lý luận, biểu diễn, múa. Trong những năm qua, Chi hội Âm nhạc đã tổ chức nhiều hoạt động để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Hằng năm, vào dịp tết Nguyên tiêu, Chi hội Âm nhạc phối hợp tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Những giai điệu âm nhạc qua tiếng đàn, tiếng hát hòa quyện với những vần thơ, góp phần làm cho Ngày Thơ Việt Nam thêm ý nghĩa và lắng đọng.

 

Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2018 tại Quảng Ngãi.
Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2018 tại Quảng Ngãi.


Hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát về quê hương núi Ấn-sông Trà”, “Hát về Quảng Ngãi”, hội viên Chi hội Âm nhạc đã sáng tác hàng trăm ca khúc hát về quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi. Nhiều ca khúc đã đi vào đời sống tinh thần của người dân. Các tác phẩm hay được dàn dựng biểu diễn, thu âm thành băng đĩa quảng bá rộng rãi đến người yêu âm nhạc trong tỉnh.

Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Quảng Ngãi, nhạc sĩ Văn Phượng cho hay: Trong các hoạt động âm nhạc nổi bật tại Quảng Ngãi, phải kể đến hoạt động giao lưu, biểu diễn chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam (3.9). Hội viên trong chi hội đã tham gia nhiều buổi biểu diễn ca múa nhạc, giới thiệu tác phẩm mới phục vụ công chúng. Những năm gần đây, nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam, Hội VH-NT tỉnh đã hỗ trợ một số tụ điểm ca nhạc trong tỉnh tổ chức biểu diễn, quảng bá tác phẩm của hội viên. “Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như đồng nghiệp tỉnh bạn luôn đánh giá cao công tác tổ chức, nội dung và hiệu quả các hoạt động của Quảng Ngãi nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam”, nhạc sĩ Văn Phượng nhấn mạnh.

Các hội viên Chi hội Âm nhạc luôn học tập, sáng tạo để ngày càng có nhiều tác phẩm âm nhạc hay phục vụ công chúng. Để tạo điều kiện cho hội viên tham gia sáng tác, chi hội đã mời nhiều chuyên gia, các nhạc sĩ nổi tiếng như: GS.TS.NS Thế Bảo, Trọng Đài, Trần Long Ẩn, Nguyễn Thụy Kha, Tôn Thất Lập, Trần Xuân Tiến... về tham gia trại sáng tác, hướng dẫn chuyên môn, nâng cao khả năng sáng tác cho hội viên các chuyên ngành; tổ chức nhiều chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh.

Nhờ vậy, ngày càng có nhiều hội viên đạt giải thưởng cao ở các sân chơi lớn, như: Nhạc sĩ Văn Phượng đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía Nam, với ca khúc “Tổ quốc là tiếng mẹ” (thơ: Nguyễn Việt Chiến); nhạc sĩ Đinh Thiên Vương đạt giải B của Hội VH-NT các dân tộc Việt Nam, với ca khúc “Mời rượu cần” (thơ: Nga Ri Vê)...

TIN LIÊN QUAN


Nhạc sĩ Văn Phượng cho hay: Ngày nay, cùng với sự phát triển của các loại hình giải trí, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng luôn giữ được vị thế nhất định và trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Thời gian tới, Chi hội Âm nhạc tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động chuyên môn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà.

 

Nhiều tác phẩm quảng bá “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Các nhạc sĩ trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VH-NT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cao như: “Nhớ ơn Bác Hồ” của nhạc sĩ Đinh Thiên Vương đoạt giải A cấp tỉnh và giải B cấp Trung ương; tác giả Lê Thị Ni Ni đoạt giải C cấp tỉnh, với ca khúc “Người Kor mang ơn Bác Hồ”...


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.