Tác nghiệp ở Trường Sa

10:07, 07/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được tòa soạn cử đi tác nghiệp ở Trường Sa là một vinh dự lớn đối với mỗi phóng viên, nhà báo. Bởi lẽ, trong cuộc đời làm nghề, hiếm có nhà báo nào được nhiều lần đặt chân đến đây.

TIN LIÊN QUAN

Đầu năm 2018, tôi vinh dự được lên tàu 561 của Vùng 4 Hải quân để ra thăm, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ một số điểm đảo ở Trường Sa. Lúc bấy giờ, biển có sóng, gió cấp 5, cấp 6, có khi lên đến cấp 9, cấp 10. Vì thế, khi vừa bước lên tàu, chiến sĩ trên tàu liền bảo: Các anh, chị phóng viên phải tự lo sức khỏe cho bản thân nhé! Phóng viên Thành Huế, Đài PT-TH tỉnh Khánh Hòa, người có thâm niên 5 lần đi Trường Sa chia sẻ: “Phóng viên đi Trường Sa phải có sức khoẻ tốt. Nếu bị say sóng thì nên ăn ít và chia làm nhiều bữa, hạn chế vận động”.

Phóng viên Xuân Hiếu – Báo Quảng Ngãi trao ấn phẩm báo Xuân Quảng Ngãi năm 2018 cho chiến sĩ trẻ trên đảo Phan Vinh.
Phóng viên Xuân Hiếu – Báo Quảng Ngãi trao ấn phẩm báo Xuân Quảng Ngãi năm 2018 cho chiến sĩ trẻ trên đảo Phan Vinh.


Khi đến gần các đảo, tàu hạ xuồng CQ để đưa mọi người vào đảo. Sóng to, gió lớn khiến chiếc xuồng va đập vào thân tàu lớn rất nguy hiểm. Giữa những con sóng hung dữ cao từ 4-5m, sẵn sàng cuốn tất cả vào lòng biển, nên việc lên, xuống xuồng vào đảo như là một thử thách lòng can đảm của mỗi phóng viên. Dẫu vậy, nhưng ai cũng hăm hở mỗi khi tàu cập đảo lên thăm cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng thiêng của Tổ quốc.  

Chuyến ra Trường Sa lần này có trên 20 phóng viên các báo, đài ở trung ương và địa phương. Bên cạnh những phóng viên có kinh nghiệm đi biển, thì cũng có không ít phóng viên phải chịu cảnh say sóng. Phóng viên Nguyễn Thị Loan, Đài PT-TH tỉnh Đăk Nông, mặc dù say sóng ngay từ lúc tàu rời đất liền, nhưng mỗi khi nghe thông báo tàu chuẩn bị lên đảo chị liền bật dậy mặc áo phao, rồi ôm máy tác nghiệp. "Đặc thù của nghề báo là như vậy!", Loan chia sẻ.  

Dẫu say sóng, người mệt nhoài, nhưng khi lên tàu mọi người đều tranh thủ viết tin, bài gửi về tòa soạn để kịp thời tuyên truyền. Để gửi tin, bài về đất liền, nhiều đêm các phóng viên phải leo lên nóc cabin của tàu để tìm sóng mạng; nhiều tin, bài phải gửi trong 2-3 ngày mới hoàn thành. Khác với trên đất liền, tác nghiệp ở đảo, máy ảnh, máy quay phim đều được phóng viên bảo quản cẩn trọng, vì dễ bị hỏng do hơi nước biển... “Thiết bị mang theo mà bị sự cố thì đồng nghĩa với chuyến đi thất bại”, nhà báo Đỗ Khánh Vân (Báo Thái Nguyên) bộc bạch.

Khó khăn khi tác nghiệp ở Trường Sa là thế, song với cuộc đời người làm báo thì đó là những kỷ niệm khó có thể quên được.


Bài, ảnh: XUÂN HIẾU

 


.