Lý Sơn: Một truyền thống, một bản sắc (kỳ 1)

02:07, 03/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa biển cả mênh mông, đảo Lý Sơn vững chãi, hiên ngang. Đất và người nơi hòn đảo tiền tiêu này qua bao đời vẫn thế, chứa đựng trong mình một truyền thống-một bản sắc mà không một nơi nào có được, ở đó luôn dạt dào tình yêu biển, đảo của Tổ quốc, hiển hiện trong tâm thức, đời sống tín ngưỡng và cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân như thể con sóng ngoài khơi không nguôi vỗ bờ.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Giữ hồn Hoàng Sa


Nhiều người ở khắp mọi nơi trong nước và trên thế giới vượt biển ra Lý Sơn để được nghe, được thấy và cảm nhận tình yêu biển, đảo của người dân đất đảo được trao truyền qua hàng trăm năm, từ lịch sử của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải vâng lệnh vua ban lên thuyền vượt sóng, quả cảm ra Hoàng Sa, Trường Sa để cắm mốc khẳng định chủ quyền.


Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Đình Độ, hiện là Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL) và cũng là người con của đất đảo Lý Sơn bảo rằng: Mỗi một người dân Lý Sơn ý thức rất rõ trách nhiệm giữ gìn truyền thống văn hóa của gia đình, dòng tộc và cộng đồng dân cư trên đảo, cũng vì thế mà hơn 400 năm qua, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hằng năm trên đảo để tri ân các hùng binh Hoàng Sa.

Thiêng liêng hai tiếng “Hoàng Sa”

Trong tiếng sóng biển dập dìu, các bậc cao niên ở Lý Sơn kể cho chúng tôi nghe chuyện về những hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Câu chuyện kể chứa đựng sự thành kính tri ân và niềm tự hào khôn tả về các bậc tiền nhân trên đất đảo. Chuyện bắt đầu từ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ hội truyền thống của người dân Lý Sơn được ví như trái tim, linh hồn của đất và người nơi đây. Bởi lẽ, hai tiếng “Hoàng Sa” in đậm trong từng tấc đất, hơi thở của cư dân đất đảo.  

 Du khách tham quan Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.              Ảnh: M.Hạ
Du khách tham quan Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ảnh: M.Hạ


Nhìn xa xăm về phía biển, cụ ông Phạm Thoại Tuyền (gần 70 tuổi) ở thôn Đông, xã An Vĩnh, hậu duệ đời thứ năm của cai đội Phạm Hữu Nhật (một trong những người có công cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước) bộc bạch: “Là con cháu hậu duệ của các vị tiền nhân đã có công bảo vệ chủ quyền đất nước, chúng tôi luôn tự hào và giữ gìn Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đó là cách để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân, giáo dục con cháu về tình yêu biển, đảo”.

"Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một sự sáng tạo đặc biệt của người dân Lý Sơn. Đây là lễ hội tiêu biểu trong cả nước, là tục lệ tồn tại nhiều thế kỷ qua nhằm tôn vinh, tri ân những hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa, đã song hành với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013".


TS.NGUYỄN ĐĂNG VŨ -
Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, người đã có nhiều nghiên cứu về di sản văn hóa ở Lý Sơn.
 

 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một truyền thống, một bản sắc văn hóa chỉ duy nhất có ở Lý Sơn. Theo lời của các bậc cao niên, đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn xứ Đàng Trong đã chiêu binh lập Đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa, Trường Sa làm nhiệm vụ khai thác sản vật, đo đạc hải trình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền. Từ đầu tháng hai, các binh phu ở Lý Sơn đưa thuyền rời bến ra Hoàng Sa, Trường Sa làm nhiệm vụ, đến tháng tám, trước khi có gió mùa đông bắc, các binh phu giong thuyền trở về cập bến Thuận An (Thừa Thiên Huế), để cống nộp và báo cáo với triều đình về quá trình thực thi nhiệm vụ.

Cụ Phạm Thoại Tuyền cho hay: Đến cuối mùa gió nồm mà chưa nhận được tin tức của các binh phu trở về, người thân biết rằng, tàu thuyền đã gặp nạn. Biển sâu trở thành nơi mai táng các binh phu. Biết số phận mỏng manh giữa trời mây non nước, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, ngoài chuẩn bị những vật dụng thiết yếu như gạo, muối, nước uống, mỗi binh phu mang theo 1 đôi chiếu dùng để quấn xác nếu không may gục ngã, 7 đòn tre dùng để nẹp quanh thân, 7 sợi dây mây dùng để bỏ xác người. Thi thể người lính nếu không may xấu số sẽ được đồng đội thả xuống biển cả mênh mông, kèm theo đó là 1 thẻ bài khắc tên tuổi, quê quán, phiên hiệu như là thông điệp gửi lại cho gia đình, bản quán, nhưng làm gì có chiếc thẻ bài nào trở về làng cũ! Để an ủi linh hồn người đã khuất, ở trên bờ người thân của những binh phu mời pháp sư nắn hình nhân thế mạng, lập nên những ngôi mộ chiêu hồn.

Tri ân các bậc tiền nhân

Theo Phó Ban Quản lý di tích Đình làng An Hải Dương Hữu Nghĩa, từ bao đời nay ở Lý Sơn vẫn mãi lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai (hay tháng ba) khao lề thế lính Hoàng Sa”. Mỗi một đứa trẻ ở Lý Sơn khi lớn lên đều thuộc nằm lòng lời ca về đội hùng binh Hoàng Sa, đó cũng là lời nhắc nhớ về truyền thống bám biển của cha ông.

 Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn.                                    ảnh: M.Hạ
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. ảnh: M.Hạ


Hằng năm, cứ đến tháng hai, tháng ba (âm lịch), các tộc họ binh phu trên đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Cụ Phạm Thoại Tuyền cho biết, trước khi những người lính Hoàng Sa, Trường Sa chuẩn bị xuống thuyền, các tộc họ trên đảo tiến hành lễ khao lề thế lính, với ý nghĩa cầu mong cho người ra đi được bình yên. Cho đến ngày nay, nghi thức tế tự trong lễ khao lề thế lính vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

Trước tiên, đại diện Ban khánh tiết giới thiệu tóm tắt về lịch sử Đội hùng binh Hoàng Sa, rồi đến các tộc họ trên đảo bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân, gửi gắm mong ước trời yên biển lặng, để tiếp nối truyền thống ra khơi đánh bắt, bảo vệ chủ quyền. Các pháp sư tiến hành nghi thức cúng bái, triệu hồn các binh phu Hoàng Sa trở về và làm lễ hạ thủy đưa thuyền lễ hướng về Biển Đông. “Nghi lễ triệu hồn các binh phu Hoàng Sa rất quan trọng. Sau khi kiểm tra đầy đủ các vật hiến tế gồm 5 chiếc thuyền lễ, hình nhân, lễ vật tượng trưng như lúc các binh phu còn sống chuẩn bị lên đường, các tộc họ dâng sớ, đọc văn tế cúng bái. Các hình nhân tượng trưng cho lính Hoàng Sa, rủi ro mà người lính sẽ gặp trên biển thì các hình nhân này sẽ gánh chịu thay. Trong buổi lễ có nhạc bát âm, trống đàn xướng tấu và đặc biệt là có tiếng ốc u”, ông Phạm Thoại Tuyền cho biết thêm.

Đến Lý Sơn, nhiều người lần đầu tiên trong cuộc đời được nghe tiếng ốc u. Tiếng ốc u như tiếng vọng từ Hoàng Sa, Trường Sa, nghe rất thống thiết, chạm vào trái tim của mỗi người. Năm xưa, đội thuyền buồm của những binh phu ra đảo Hoàng Sa thường đi 5 chiếc, trong đó thuyền chánh đội chỉ huy đi giữa, 4 thuyền binh phu đi xung quanh. Giữa mênh mông sóng dữ, bão bùng, các binh phu liên lạc với nhau qua tiếng ốc u. Tiếng ốc u là hồi còi hiệu triệu binh phu thực thi nhiệm vụ giữa sóng gió trùng khơi, nó được dùng để các tàu thông tin cho nhau về tình hình trên biển. Giờ đây, tiếng ốc u dùng để gọi hồn các binh phu. Ông Võ Chú (84 tuổi), ở thôn Đông, xã An Vĩnh, người chuyên thổi ốc u trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa bộc bạch: “Mỗi lần tiếng ốc u thổi lên đều mang ý nghĩa thúc giục, tạo khí thế cho đoàn quân giong thuyền ra biển, dù rằng bây giờ chỉ là hình nhân thế mạng nhưng trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không thể thiếu tiếng ốc u”.

Những ngôi mộ chiêu hồn linh thiêng


Ở Lý Sơn hiện có những ngôi mộ mà người dân đất đảo gọi đó là mộ chiêu hồn. Theo lời của những bậc cao niên, ở Lý Sơn trồng dâu chẳng phải để nuôi tằm mà vì nó được ví như xương cốt của những người lính Hoàng Sa năm xưa không may tử trận trên biển. Vì không tìm thấy xác của những người lính nên người dân lập nên những ngôi mộ chiêu hồn. Thầy phù thủy lấy đất sét để nặn tượng, lấy cây dâu làm xương, sợi chỉ làm gân... rồi sau đó gọi hồn, tiến hành nghi thức mai táng. Ngày nay, người dân trên đảo cũng lập mộ chiêu hồn cho những người đã bỏ lại thân xác ngoài biển khơi khi đánh bắt hải sản.  Đây là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo của người dân Lý Sơn.

 


 P.LÝ-M.HẠ-K.NGÂN



-----------
Kỳ 2: Biển là nhà, là máu thịt
 


.