Còn đâu những lá thư tay?

02:06, 11/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi nhớ ngày còn nhỏ, nghĩ đến cảm giác được nhận lá thư của ông ngoại từ Sài Gòn gửi về, lòng lại hồi hộp, xốn xang, rồi nép vào một chỗ kín để đọc thư.

Ông ngoại từng là một tài xế chạy xe lam. Chiếc xe lam ngày ấy đã giúp cả nhà có những bữa cơm no trong thời buổi khó khăn, giúp ông bà tôi có thêm thu nhập nuôi con cái ăn học. Mãi cho đến sau này, khi Nhà nước cấm sử dụng những chiếc xe hết đát, vậy là ông tôi bắt đầu những chuỗi ngày xa gia đình vào Sài Gòn làm việc.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet


Hồi ấy, điện thoại không thông dụng như bây giờ, chỉ khi nào có việc gì quan trọng mới ra bưu điện, hoặc gọi nhờ điện thoại của gia đình nào khá giả trong xóm. Còn bình thường, chỉ có những lá thư tay một tuần mới tới. Ngày ấy, đều đặn tháng nào ông cũng viết thư gửi về quê cho gia đình. Chữ viết của ông đẹp và ngay ngắn lắm, lá thư nào của ông cũng dài. Cuộc sống, tình cảm, sự quan tâm của ông được gói ghém trong từng câu chữ.

Đọc thư của ông, tôi đã từng hình dung về Sài Gòn, về Chợ Lớn ngày ấy, về nơi ông đã từng làm việc suốt những năm tháng vất vả. Trong thư, có khi ông kể về chuyện nơi ông làm việc, chuyện bà con hàng xóm, ân cần dặn dò từng thành viên trong gia đình những điều nhỏ nhặt, cũng có khi ông chia sẻ về ước mơ, nguyện vọng gia đình sẽ được đoàn tụ một ngày gần nhất...

Tôi còn nhớ rõ cảm giác thấp thỏm trong lòng khi chờ đón những phong thư. Đôi khi vì vui trong nỗi nhớ thương, có lúc xúc động khi cảm nhận được yêu thương từ ông dành cho bà và con cháu. Thỉnh thoảng, bà vẫn lấy một lá thư bất kỳ đọc lại cho tôi nghe rồi miên man kể về ông, về những kỷ niệm ông nhắc đến.

Ngày ấy, giấy viết thư được rứt ra từ những quyển vở học sinh. Qua năm tháng, khoảng giữa của lá thư hằn lên vết ố vàng đậm của chiếc đinh ghim. Dấu mực phai dần, những dòng ô ly cũng chẳng còn thấy rõ, thế nhưng tình cảm của ông vẫn ấm áp hơn bao giờ hết.

Bây giờ, giấy viết thư đủ các loại, kiểu dáng đẹp, được bày bán ở nhiều nơi. Thế nhưng, chẳng mấy ai gửi gắm tình cảm của mình qua bức thư tay. Chỉ đơn giản, người ta lựa chọn cách liên lạc khác tiện ích hơn. Tôi cũng vậy, cũng sử dụng các phương tiện công nghệ như một điều tất yếu. Thế nhưng, trong tôi vẫn nhớ hoài những bức thư tay, vẫn thấy thích hòm thư trước cửa nhà, thích viết những lá thư gửi đi, khắc khoải mong đến tay người nhận, rồi vui mừng biết bao khi nhận được lá thư hồi âm...

TRUNG ÂN

 


.