Ứng xử với các làng chài

10:05, 28/05/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Trong quá trình mở cõi về phương Nam để định hình đất nước như ngày hôm nay, cha ông ta đã chọn biển làm lộ trình cho những chuyến hải hành. Tiếp sau dấu chân mở cõi ấy, các làng chài đã xuất hiện. Có những làng chài ven biển Trung Bộ, tuổi đời lên đến 600-700 năm như làng chài vùng Nam Ô của Đà Nẵng đang ồn ào trên các trang báo do nhà đầu tư rào lối, không cho dân chài ra biển.

TIN LIÊN QUAN


Phải khái lược một vài dòng trên đây để nói tới điều này: Không ít nhà đầu tư hiện nay chỉ chú ý đến độ rộng của các dự án để xây biệt thự sao cho được nhiều nhất, hình thành các khu nghỉ dưỡng sao cho “cao cấp” nhất, chứ không quan tâm đến lịch sử của mảnh đất mà họ đang sở hữu đã trầm tích những gì.

 

Vùng biển Bình Châu. Ảnh News.zing.vn
Vùng biển Bình Châu. Ảnh News.zing.vn


Các làng chài gắn với những đền đài, miếu mạo cùng những tập tục văn hóa đã được trao truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng trước cơn lốc của các khu nghỉ dưỡng đã và đang mọc lên như nấm sau mưa, các làng chài đang đứng trước một thử thách ghê gớm: Nên chuyển làng, nhường đất cho các dự án để “phát triển kinh tế” hay thúc thủ với những khế ước mà ông bà đã trao truyền cho mình? Giải bài toán đó sao cho thật hài hòa là điều không đơn giản, cả với chính quyền địa phương lẫn với các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nào cũng luôn lấy lợi nhuận đặt lên hàng đầu, ít chú trọng đến những quy tắc của cộng đồng, miễn sao những quy tắc ấy không nằm trong luật. Ví dụ như làng chài ấy có cái đình làng để thờ cá Ông, vừa làm nơi tổ chức các lễ hội như hát sắc bùa, hát bả trạo nhưng tỉnh chưa cấp bằng di tích văn hóa nên nhà đầu tư chẳng mấy bận tâm nếu phá ngôi đình ấy sau khi đã họ đã hoàn tất các thủ tục nhận giấy phép đầu tư cùng “đất sạch” mà chính quyền đã bàn giao.

Nói theo luật thì khó bắt bẻ nhà đầu tư trong trường hợp này nhưng ở làng còn có “lệ” nữa. Ông bà ta chẳng nói “phép vua cũng thua lệ làng” đó sao? Không phải người dân đứng trên phép nước khi cấm cản nhà đầu tư phá dỡ đình làng mà họ buộc phải tuân thủ theo một khế ước tâm linh nằm ngoài các văn bản luật.

Mới đây, Quảng Ngãi đã chấp thuận cho Tập đoàn FLC khảo sát lập dự án để hình thành khu nghỉ dưỡng cùng các tổ hợp vui chơi giải trí ở các xã ven biển huyện Bình Sơn và một phần của đảo Lý Sơn, với tổng diện tích lên đến hàng nghìn hecta. Được một tập đoàn lớn như FLC đầu tư vào Quảng Ngãi, đó là một tín hiệu tốt, song các nhà quản lý cũng cần hết sức cẩn trọng, trước khi cho phép triển khai dự án. Vì ở đó có số phận của hàng vạn dân. Ở đó có những làng chài gắn với nhiều huyền tích mở cõi của cha ông ta từ thời vua Lê thân chinh Nam tiến hơn 600 năm trước. Ứng xử không khéo sẽ dễ làm mất bề dày văn hóa ở các làng chài này.



TRẦN ĐĂNG

 


.