Chỗ sáng

09:05, 27/05/2018
.

Thanh Thảo


                 (Về tổng tập thơ của Nguyễn Thế Kỷ) 

(Baoquangngai.vn)- Vào năm 1944, khi vừa tròn 14 tuổi, Nguyễn Thế Kỷ có bài thơ “Thương con phù du”. Con phù du, còn gọi là con thiêu thân, đã khiến cậu bé 14 tuổi có cảm xúc thế này:

                     “Đứng trước trời chạng vạng
                     Tôi thương con phù du
                     “Sống ở đâu mịt mù
                      Chết cũng tìm chỗ sáng”


Bài thơ cho ta một cảm giác về lý tưởng. Cái “chỗ sáng” ấy chính là lý tưởng của một đời người. Với người làm thơ, “chỗ sáng” ấy lại là thơ, nó soi sáng cho chính người làm thơ.

Sau cách mạng tháng Tám, khi mới 15, 16 tuổi, Nguyễn Thế Kỷ đã lên đường trong hàng ngũ những người yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược. Con phù du thật bé nhỏ, cái chết của nó cũng thật bé nhỏ, nhưng với một tâm hồn thiếu niên nhạy cảm, cái chết vì “yêu ánh sáng” ấy lại nói lên một điều gì. Như còn một cái gì đó nữa cần được soi sáng.

Trong cảnh mất nước, người Việt thường có ý thức rất sớm về lòng yêu nước. Thường có ý thức sớm về lý tưởng yêu nước. Và những người có học trong số họ, khi dấn thân vì lý tưởng yêu nước, thường làm thơ. Đó cũng thường là thơ “ngôn chí”, nói lên chí mình. Không phải phận phù du, nhưng thơ ấy tìm về chỗ sáng, dám chiến đấu và hy sinh vì ánh sáng.

Tôi đang có trên tay tổng tập một đời thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, năm nay đã tròn 88 tuổi. Ngót nghìn trang thơ, viết trong vòng… 74 năm.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh Báo Thể thao Văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh Báo Thể thao Văn hóa

Tôi là người làm thơ năm nay đã 72 tuổi, cũng thuộc dạng “nhà thơ cao tuổi” rồi, nhưng “chưa là cái đinh gì” so với 74 năm làm thơ của Nguyễn Thế Kỷ. Lại tự hỏi: Thơ là cái gì mà ông này đeo đuổi tới 74 năm?

Chợt cười xòa: thơ chả là cái gì hết, vậy mà khối người theo nó cho tới chết. Nguyễn Thế Kỷ đã vậy. Tôi cũng vậy. Nhắm tầm danh đoạt lợi, trong cuộc đời này có rất nhiều con đường để đi, nhiều công việc để làm, hà cớ gì lại đi làm thơ?

Nhưng nghĩ lại, chợt giật mình: thơ cho người làm thơ nhiều lắm. Không phải danh, không phải tiền, không phải quyền, nhưng thơ có thể là “chỗ sáng” đầu tiên và cuối cùng trong tâm hồn người làm thơ. Nó khiến ta cứ mãi lao vào, như những con phù du. Lao vào chỗ sáng có thể là duy nhất của cuộc đời mình, để sống để viết và để chết.

Nếu không như thế, chẳng việc gì phải viết tới cả nghìn trang thơ. “Tiếng chim bìm bịp bờ tre/Con bò gặm cỏ, con me loành quoành/”. Thì thơ chỉ thế thôi, nhưng đó mới là thơ. Ai có biết con me là con gì không? Nó là con bê, theo cách gọi của người miền Trung. Thơ muốn đi tới tận cùng sự giản dị, nhiều khi chỉ như tiếng kêu của con me (con bê) ấy thôi.

Sinh ở một vùng quê hương bài chòi, Nguyễn Thế Kỷ rất mặn mà với thơ lục bát. Xuyên suốt đời thơ của ông, phần thơ lục bát vẫn là phần thơ đọng nhiều cảm xúc, nhiều ký thác nhất.

                             “Ao xanh
                             nửa lá sen vàng
                             Tóc mây, Thu rối
                             xòa ngang lưng đồi”


Cứ như ông làm thơ về quê mình, hóa ra, ông viết những câu thơ này ở tận… Praha -Tiệp Khắc, tháng 10, năm 1989. Cảnh sắc là của người, nhưng hồn lục bát là của ta. Khi được biết Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới, tôi đã lo: làm sao dịch được thơ lục bát nhỉ? Hóa ra, được cả.
 
Khi người ta chuyển dịch được cái hồn lục bát sang một ngôn ngữ khác, những thể thơ khác, thì đừng quá lo bài thơ nguyên tác sẽ không còn nguyên vẹn. Khi chuyển đổi sang một hình thái khác, thì không hình thái cũ nào còn nguyên vẹn. Nhưng cái hồn của nó thì không bao giờ mất, không diệt cũng chẳng tiệt.
 
Khi chuyển ngữ thật tốt một bài thơ, thì cái hồn đã chuyển theo, nguyên vẹn. Lục bát chỉ là một thiết chế vần điệu, nhạc điệu. Mỗi ngôn ngữ trên thế giới này đều có những thiết chế tương ứng như thế. Vấn đề chỉ là chọn lựa sao cho thích hợp.

Một người làm thơ lục bát mướt như Nguyễn Thế Kỷ, đột ngột làm thơ về đề tài…giao thông. Mới nghe, ai cũng lạ. Nhưng tôi đố ai làm được những câu thơ bình dân như thế này, đường phố như thế này:

                                     “Bảo hiểm đội hoài mũ quá lâu
                                    Đội rồi quên đội cũng như nhau
                                    Thì ra chưa đụng còn quên nhớ
                                    Chứ đụng ngay đầu nhớ kịp sao?
                                   Thôi hãy xe đâu thời mũ đó
                                   Xe rồ ga xuống mũ lên đầu
                                   Nhớ quên là chuyện từ thiên cổ
                                   Bảo hiểm cái đầu hãy nhớ mau!”


Thì ra là chuyện cái mũ bảo hiểm. Bạn đã bao giờ đi xe gắn máy mà quên gạt chân chống lên không ? Và bạn đã nghe đầy ân tình tiếng kêu của ai đó đang đi cùng đường: “Chân chống, anh ơi!”. Chỉ như thế thôi, mà bạn chợt dâng trong lòng nỗi cảm động và biết ơn. Chuyện đội mũ bảo hiểm, là chuyện lớn, chuyện an nguy tới sinh mạng, mà mình lại hay quên.
 
May có người như Nguyễn Thế Kỷ nhắc cho mình. Mà nhắc bằng thơ, mộc mạc nhưng thật lòng. Thơ ấy bình dị, bình dân, nhẹ nhàng như…cái mũ bảo hiểm. Vấn đề là mình đừng quên đội mũ bảo hiểm, khi tham gia giao thông. Thế thôi.

Thơ phải có ích. Thơ cần có ích. Mà có ích cho con người, thì không bao giờ là chuyện nhỏ cả.

Nếu ai đó hỏi tôi: Mũ bảo hiểm cũng thành thơ được à? Tôi chỉ biết trả lời đơn giản: Được chứ ạ! Thơ không từ chối bất cứ cái gì có liên quan, có ‘dính” với con người.

Khi ở Sài Gòn, Nguyễn Thế Kỷ còn phát hiện ra, thành phố hơn mười triệu dân này vốn xưa là thành phố kênh rạch. Không khác gì Venise của Ý. Bây giờ thì người ta lo lấp kênh rạch để xây cao ốc, nên mỗi khi triều cường, lại ngập úng tùm lum. Nhưng ông vẫn kêu gọi về an toàn giao thông đường thủy, và lại kêu gọi bằng… thơ.

Từ “Con đường-con người” viết về văn hóa giao thông, thoắt cái, Nguyễn Thế Kỷ lại “Về Tổ”, như cánh chim bạt gió tìm về nơi che chở nuôi nấng mình. “Tổ” đây là “Tổ quốc”. Cả một phần đời thơ giành cho lòng yêu nước, cho tình yêu biển đảo chứa chan. Tôi thích phần thơ này của Nguyễn Thế Kỷ, như mọi người Việt yêu nước đồng cảm và nhiệt huyết với tình yêu lớn.

Viết về đảo Lý Sơn, tục gọi là “Cù lao Ré”, Nguyễn Thế Kỷ lại có thơ như một đoạn hướng dẫn du lịch thú vị, nhắc người du lịch Lý Sơn biết thêm một loài cây đã làm nên tên hòn đảo này:

                                 “Quê mới đi về nhắc nhở nhau
                                 Nhiều cây ré mọc khắp cù lao
                                 Tên cây mãi gọi thành tên đất
                                 Sóng chửa thuận tình, ré cứ cao

                               Tháng chín ré hoa màu trắng đục
                               Nhụy vàng kết quả tháng hai qua
                               Quả non ré nhớm màu xanh lục
                               Xanh thẫm là khi quả ré già”


Đọc những câu thơ này, tôi lại nhớ những bài thơ viết về cái tươi mởn rưng rưng chất đời sống của nhà thơ Xuân Diệu. Ngày ấy đang chiến tranh, và những bài thơ mộc mạc tươi non như quả sấu chua của Xuân Diệu khiến một số nhà phê bình nghĩ Xuân Diệu làm thơ dễ dãi. Tôi không nghĩ vậy.
 
Tác giả “Nguyệt cầm” không bao giờ là nhà thơ dễ dãi. Nhưng Xuân Diệu muốn tiếp cận đời sống một cách nguyên sơ nhất, tươi mới nhất. Ông không ngại dùng ngôn ngữ bình dân cho thơ mình, miễn nó nói được lòng ông với cuộc sống. “Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” Xuân Diệu là thế đó.

Tự nhiên, tôi lại gặp một đoạn thơ của Nguyễn Thế Kỷ ca ngợi các…nhà báo. Đó là những nhà báo của “Thanh Niên”, “Tuổi Trẻ” tác nghiệp ngay ở Trường Sa ngày Trung Quốc kéo dàn khoan xâm phạm lãnh hải Việt Nam:

                              “Trung Quốc giàn khoan biển sóng trào
                                Đất liền phừng phực bước nôn nao
                                “Thanh Niên”, “Tuổi Trẻ”… trong vùng bão
                                Tin nóng ngoài khơi báo gửi vào”


Có cảm giác, với nhà thơ năm nay tròn 88 tuổi này, không có gì gắn với đất nước mình mà lại không thành thơ, không cất tiếng nói thi ca trong lòng ông. Đó là điều mà những nhà thơ trẻ cần suy nghĩ. Mất một mối tình, một người yêu, mình còn có thể có những mối tình khác, những người yêu khác. Mất Tổ quốc là mất tất cả.

Nguyễn Thế Kỷ là một nhà thơ yêu nước, một nhà thơ biết khắc khoải với từng rung động nhỏ nhất trong lòng Tổ quốc mình.

Thơ ông kêu gọi tới hành động. Bản thân thơ ấy là hành động. Ngày xưa thi hào Gớt (Johann Wolfgang von Goethe) trong kiệt tác “Faust” của mình, đã viết: “Thoạt kỳ thủy, là hành động”.

Tôi nghĩ, Nguyễn Thế Kỷ đã thấm lời dạy này của nhà thơ Đức vĩ đại.                                                         

Quảng Ngãi, 17/5/2018 
 


.