Công bố 3 bộ phim tư liệu quý hiếm về chiến tranh Việt Nam

02:04, 20/04/2018
.

Ngày 20/4, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức công bố giới thiệu 3 bộ phim sưu tầm ở Pháp theo Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam.


Tại buổi công bố, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, thực hiện Quyết định số 644/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”, từ năm 2012 đến nay cơ quan này đã thực hiện nhiều hoạt động khảo sát, sưu tầm tài liệu lưu trữ về Việt Nam ở trong và ngoài nước.


Trong quá trình khảo sát tại Pháp, Cục đã được tiếp cận với nhiều bộ phim tư liệu quý, trong đó có phim: “Việt Nam”, “Hòa bình cho Việt Nam” và “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình”.

Theo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, đây là 3 bộ phim do các nhà làm phim Pháp thực hiện. Nội dung các phim nói về các tình tiết, những phiên tranh biện của quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cũng như tái hiện cả quá trình dân tộc Việt Nam từ năm 1900 đến khi Hiệp định Pari được ký kết (27/1/1973).


Đặc biệt, trong các bộ phim có nhiều hình ảnh lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam về các phiên tranh biện, cũng như về các nhân vật trọng yếu: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Nguyễn Thị Bình, ông Xuân Thủy, tướng Navarre, Henry Kisinger,…

Nhận thấy giá trị và ý nghĩa lịch sử của những phim tư liệu này, năm 2017, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã mua bản sao và bản quyền sử dụng, đồng thời phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam hoàn thành hậu kỳ, lồng tiếng bằng tiếng Việt 3 bộ phim nói trên.


Về nội dung cụ thể của từng phim, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, phim “Việt Nam” là thể loại phim đen trắng, có thời lượng 1.06’. Nội dung phim nói về các cuộc đàm phán ở Pari mới được bắt đầu lại trên cơ sở các đề xuất mới của Hoa Kỳ về ngừng bắn và thỏa hiệp một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh. Qua phim, nổi bật lên những câu chất vấn đanh thép của bà Nguyễn Thị Bình xoay quanh các vấn đề về các vụ ném bom, diễn tiến của Hội nghị Pari và các hiệp định ngầm…

“Hòa bình cho Việt Nam” là bộ phim đen trắng, dài 1.03’. Nội dung phim phản ánh về chương trình tranh biện về chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Đông Dương đêm trước lễ ký Hiệp định 4 bên tại Pari về ngừng bắn và hòa bình ở Việt Nam. Trong phim ông Grenoble Pierre Mendès France (người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng đàm phán về độc lập ở Đông Dương) tranh biện với 4 phóng viên: Pierre Salinger (người Mỹ, cựu Phát ngôn viên của Kennedy); Jean Daniel (Nouvel Observateur), Maurice Werther (Chaine 1) và Roland Faure (L’ Aurore) về "đề nghị 10 điểm của Richard Nixon bị Bắc Việt và Việt Cộng bác bỏ".


Phim “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình” dài 1.40’. Bộ phim này có 4 đoạn, trong đó cuối đoạn 3 và đoạn 4 có màu. Phần còn lại là phim đen trắng.

Bộ phim này tái hiện hình ảnh Việt Nam từ năm 1900 đến khi ký Hiệp định Paris (28/1/1973). Đặc biệt, trên cơ sở tài liệu lưu trữ, đoàn làm phim đã tái hiện bối cảnh lịch sử từ khi thành lập Việt Minh đến khi Nhật chiếm Bắc Kỳ rồi tới các cuộc đàm phán tại Paris năm 1946 đề nghị công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp; tiếp đó là chiến tranh Đông Dương được phát động từ quyết định một phía của Cao ủy Pháp tại Đông Dương Georges Thierry d’ Argenlieu; hội nghị loại bỏ vấn đề hợp nhất giữa Bắc kỳ độc lập với Trung kỳ và Nam kỳ… Chiến tranh Việt Nam tiếp tục nổ ra năm 1959 với sự hậu thuẫn của Mỹ chống lại mặt trận cộng sản hình thành ở miền Nam; quân Mỹ trực tiếp tham chiến vào năm 1965 và leo thang chiến tranh trong các năm 1967 - 1968. Cuối cùng là nội dung về đàm phán 3 bên, đàm phán 4 bên dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris về ngừng bắn và hòa bình.
 

Đặc biệt, trong bộ phim này có nhiều hình ảnh về hai nhân vật trọng yếu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng các cuộc phỏng vấn hai vị. Trong phim cũng có những hình ảnh về tướng Navarre, cuộc gặp giữa Henry Kissinger và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Thủy; cảnh ký kết hiệp định ngừng bắn và cái bắt tay của Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger trước sự chứng kiến của Xuân Thủy.

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, 3 bộ phim nêu trên sẽ được phát sóng trên một số đài truyền hình vào dịp kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018) và kỷ niệm 50 năm ngày bắt đầu Hội nghị Pari về Việt Nam (13/5/1968 – 13/5/2018). Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hy vọng những thước phim tư liệu vô giá này sẽ góp phần giúp công chúng có thêm thông tin xác thực về các thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn

 


.