"Sinh năm 1968"

02:03, 17/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tựa đề bộ phim tài liệu do đạo diễn Hồ Nhật Thảo (Đài PT-TH tỉnh) cùng ê-kíp thực hiện, nhằm tuyên truyền về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bộ phim này đã được phát trên sóng VTV1 trong đợt tuyên truyền trọng điểm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trong 50 năm qua, rất nhiều đạo diễn đã khai thác nhiều khía cạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vì vậy, đoàn làm phim đã hướng đến một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ để thoát khỏi những “mô típ” trước đó đã được khai thác. Cả ê-kíp đã bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm nhân vật thông qua nhiều kênh. “Đoàn đã lên tận A Lưới (Thừa Thiên Huế), ra Hà Nội, vào TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang... để tìm kiếm các nhân vật liên quan. Sau hơn 2 tuần thực hiện các cảnh quay, đoàn đã quay về TP.Quảng Ngãi để xử lý hậu kỳ và hoàn chỉnh bộ phim dài 4 tập. Mỗi tập 27 phút”, anh Huỳnh Thế, trợ lý đạo diễn, cho hay.

Phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang.
Phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang.


Mỗi nhân vật được thể hiện xuyên suốt 1 tập phim. Tất cả họ đều là những người sinh năm 1968 và có cha hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Đặc biệt, đây là bộ phim tài liệu, nhưng lại không sử dụng tư liệu. Ê-kíp đã tái hiện hình ảnh của người cha thông qua hình ảnh những đứa con. Thậm chí, có những người con không biết mặt cha và không có lấy tấm hình nào của người cha, ngoài những câu chuyện kể của người thân trong gia đình. Tuy nhiên, suốt 50 năm qua, trong cuộc sống của họ luôn có bóng dáng người cha.
 

“Khó khăn lớn nhất khi thực hiện bộ phim đó là việc tìm kiếm nhân vật. Có đến hàng nghìn người sinh năm 1968, nhưng để tìm những con người có số phận, có câu chuyện phù hợp với ý tưởng của đoàn đưa ra là cả một vấn đề”.
Đạo diễn HỒ NHẬT THẢO

“Khó khăn lớn nhất khi thực hiện bộ phim đó là việc tìm kiếm nhân vật. Có đến hàng nghìn người sinh năm 1968, nhưng để tìm những con người có số phận, có câu chuyện phù hợp với ý tưởng của đoàn đưa ra là cả một vấn đề”, anh Thảo thổ lộ. Đặc biệt, mỗi nhân vật chính ở mỗi nơi và những người liên quan lại sống ở những tỉnh, thành khác nhau. Điều này đã gây khó khăn cho đoàn trong quá trình di chuyển thực hiện bộ phim.

Trong phim, đoàn đã thực hiện tập phim về anh Phạm Ngọc Lâm (sinh năm 1968), hiện công tác tại Trung tâm kiểm soát không lưu Sân bay Tân Sơn Nhất. Mẹ anh sống ở Hà Nội cùng anh trai. Bố hy sinh ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), nhưng lại thuộc đơn vị ở Hà Nội. Vì vậy, đoàn phải di chuyển các nơi để thực hiện bộ phim. Tuy nhiên, những người biết về bố anh Lâm hầu như đã qua đời. Trong khi đó, việc tìm và tái hiện lại tinh thần chiến đấu quả cảm của người cha là điều mấu chốt. Thế là, đoàn đã ra tận Hà Nội, Hải Phòng để tìm đến đồng đội của cha anh Lâm và thực hiện bộ phim. Khó khăn là vậy, nhưng cả ê-kíp đã quyết tâm và đồng lòng thực hiện bộ phim một cách tốt nhất có thể.

Bộ phim không những không sử dụng hình ảnh tư liệu, mà đây còn là phim tài liệu không có lời bình. Thông thường nhiều đạo diễn chọn lời bình cho bộ phim, nhưng Hồ Nhật Thảo đã để chính những người con nói về cha mình bằng những hiểu biết và tình cảm, sự nhớ thương. Vì vậy, bộ phim được xây dựng dựa trên các cuộc phỏng vấn, những lời tự sự của nhân vật. Điều này tạo sự khách quan và thu hút khán giả. “Công việc của người đạo diễn là làm sao để xâu chuỗi lại tất cả những lời nói của nhân vật để tạo ra một câu chuyện. Thậm chí là khai thác những “khoảng lặng” của nhân vật để người xem có thể cảm nhận được những trăn trở, những điều mà họ muốn nói lên”, đạo diễn Hồ Nhật Thảo cho hay.

Đoàn làm phim đã phỏng vấn trên 100 nhân vật trải dài từ Bắc vào Nam. Qua bộ phim, người xem thấy được những điểm nóng của chiến dịch Mậu Thân 1968 ngay tại trung tâm đầu não Sài Gòn- Gia Định, sự hy sinh to lớn của quân ta, sự ác liệt của chiến trường Huế. Đặc biệt, đó là sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Hồ Nhật Thảo đã chọn nhà văn Thái Bá Lợi- người trực tiếp tham gia trận đánh Mậu Thân ở chiến trường Huế (ông đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Trùng tu viết về Mậu Thân ở Huế và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng). Nhà văn Thái Bá Lợi đã dẫn dắt câu chuyện bằng sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc của ông về chiến dịch Xuân Mậu Thân.

Trong 4 tập phim có 1 tập nói về người con trai của nhà thơ Trần Quang Long. Nhà thơ có bài thơ nổi tiếng “Thưa mẹ, trái tim”. Đây là bài thơ nổi tiếng nhất được ông sáng tác năm 25 tuổi. Năm 2017, ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cống hiến.

Hồ Nhật Thảo đã quyết định chọn đoạn thơ: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài thơ như kiếm sắt/ Chặt đầu văn nghệ tay sai/ Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước/ Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai/ Nếu thơ con bất lực/ Con xin nguyện trọn đời/ Dùng chính quả tim mình làm trái phá/ Sống chết một lần thôi/ Con sẽ chết như những người đã chết/ Và những người đang chết/ Nhưng trái tim con/ Sẽ đời đời bất diệt...” và mời nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc. Đây là số ít bộ phim tài liệu đặt hàng nhạc sĩ phổ nhạc. Bài hát phù hợp với tinh thần của thanh niên ngày đó. Đó là tinh thần yêu nước, trái tim quả cảm và lý tưởng sống. Bài hát được sử dụng xuyên suốt 4 tập phim đã tạo tính bi hùng cho “Sinh năm 1968”.

Qua 4 tập phim, Hồ Nhật Thảo đã mượn 4 nhân vật kể câu chuyện của mình đến với khán giả. Họ là những đại diện cho một thế hệ sinh ra phải chịu những mất mát lớn trong cuộc đời. Để có cuộc sống ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu để xứng đáng với những gì mà cha cùng đồng đội đã hy sinh.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.