Ngược đường ký ức Mậu Thân Huế (kỳ 1)

03:02, 20/02/2018
.
Thanh Thảo

KỲ 1: NGƯỢC ĐƯỜNG KÝ ỨC

Vào một ngày mưa đầu tháng 1 năm 2018, chúng tôi gồm ba người, nhà văn Thái Bá Lợi, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long, và tôi, chúng tôi ra Huế và quyết định “ngược đường ký ức” của nhà văn Thái Bá Lợi.

Đi ngược một tuyến đường đúng 50 năm trước, Thái Bá Lợi lúc bấy giờ là lính trung đoàn 3 đã cùng đơn vị mình từ núi rừng tiến về thành Huế.

Ký ức, quả thật là một cái gì thoắt ẩn thoắt hiện.

Khi khởi hành từ cầu Giả Viên ngược lên Kim Long, rồi rẽ về hướng An Ninh Hạ, sau khi qua cây cầu nhỏ hướng về phía “xanh”(núi), gần như Thái Bá Lợi chưa kịp nhớ gì những nơi mình đã qua 50 năm trước. Ngày ấy, anh hành quân trong đêm, hành quân về một vùng đất lạ, vì thế, không nhận ra con đường cũ sau 50 năm cũng là chuyện bình thường.

Nhưng rồi, ký ức chợt lóe sáng.
 
Đây là chợ Thông, một cửa ngõ mà trung đoàn 3 tiến về Huế. Chợ Thông là một chợ quê nhưng có tên tuổi vì đã có từ lâu đời. Buổi sáng rét ngọt, chợ vẫn đông. Khi tới chợ, đột nhiên, như ai gõ vào trái tim mình, Thái Bá Lợi chợt nhớ… Ngay sát chợ Thông, bây giờ là trạm bưu điện xã, hồi đó là trạm phẫu tiền phương của trung đoàn 3.
 
Thái Bá Lợi khẳng định ngay với chúng tôi: “Đúng chỗ đất này, ngày ấy là một trạm phẫu. Mình đã từng làm việc tại đây”. Thái Bá Lợi lúc ấy là một quân y sĩ. Chúng tôi tìm vào nhà dân gần trạm hỏi thăm, bà con nói ngay: “Đúng, hồi Mậu Thân 68 ở đây là trạm xá quân y. Các anh nhìn thấy những bát hương kia không? Ngày ấy, đã có những thương binh nặng hy sinh ngay tại trạm xá này, và được an táng tại chỗ. Dân chúng tôi vẫn thắp hương cho các anh vào ngày Rằm và mùng Một hàng tháng".
 

 

Quân ta trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ảnh Dân Trí
Quân ta trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ảnh Dân Trí


“Trong ký ức tôi tới hôm nay việc nhào xuống Huế, rồi đánh nhau, rồi rút khỏi thành phố, rồi lại trở xuống hoạt động đánh lạc hướng quân Mỹ chỉ là một chuỗi ngày đêm nhọc nhằn, mất ngủ, quát tháo nhau, đau đớn vì mất mát và xúc động đến cùng cực”. (trích tiếu thuyết “Trùng tu”-Thái Bá Lợi- trang 25).

Trong những khoảng tối sáng nhọc nhằn và day dứt ấy, cuối cùng, người lính già đã nhớ ra, bắt đầu từ trạm phẫu tiền phương, con đường mà 50 năm trước các anh đã “nhào xuống Huế”. Chúng tôi tiếp tục đi, sau khi nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long cẩn trọng chụp quang cảnh bưu điện chợ Thông-trạm phẫu cũ.

Từ chợ Thông, chúng tôi ngược lên và tìm được đúng con đường ngày xưa trung đoàn đã hành quân về Huế. Thái Bá Lợi chỉ nhớ con đường ấy có rất nhiều bụi chuối và nhiều rặng tre. Thì đây, tre và chuối vẫn còn, dù không thể nguyên vẹn như xưa. Máy ảnh của Dương Minh Long hoạt động liên tục. “Hồi đó, con đường đất nhỏ lắm, bọn mình lại đi trong đêm, nên chỉ tre và chuối là hai thứ "cọc tiêu” tới bây giờ còn nhớ. Khi từ Thành Nội Huế rút ra, tiểu đoàn mình cũng đi đường này.

Còn nhớ, có lội qua hai con sông. Chắc là sông Bạch Yến, có cây cầu An Ninh Thượng bắc qua. Vậy là đã tìm đúng con đường hành quân ngày xưa. Anh Lợi cùng hai chúng tôi cứ thế đi về hướng núi. Tới chân núi, chúng tôi gặp một xóm nhỏ. Thái Bá Lợi nói: “Hình như cái xóm này hồi xưa chưa có”. Đúng thế, đây có vẻ là một xóm mới, hơn chục nóc nhà sắp xếp hai bên đường như “nhà mặt phố”.

Mấy người đàn ông trung niên đang ngồi uống trà trước cửa một ngôi nhà. Khi chúng tôi hỏi, họ đều xác nhận đây chính là đường lên núi. Nhìn gương mặt mấy anh trung niên và những vật dụng để trước cửa nhà, chúng tôi đoán họ là những người thợ hồ chuyên xây mộ kiêm bốc mộ, mai táng. Trên núi là một nghĩa trang lớn.

Từ đây nhìn về phía Huế, nhà văn Thái Bá Lợi đã nhớ lại cả con đường trung đoàn mình từng đi qua. Đó là trung đoàn 3, về sau đổi thành trung đoàn 38, một trung đoàn cơ động. Trước Mậu Thân 68, trung đoàn đã đánh ở Quảng Trị, rồi được lệnh hành quân gấp về miền Tây Hương Trà.

Sau quãng lặng, anh Lợi kể tiếp: “Sau khi rút khỏi Huế, trung đoàn lại được lệnh vòng xuống phía sau Huế để nghi binh, cho quân Mỹ biết là chủ lực của ta vẫn còn bên cạnh Huế. Lần nghi bính ấy, chúng tôi đã bị thương vong rất nhiều sau những trận chống phản kích và cả bị phục kích”.
 
Trong cuốn sách “ Huế 1968”, tác giả Mark Bowden đã viết: "Khi bạn gia tăng số lượng các chiến sĩ tử chiến vào các ước tính về số trường hợp thương vong của dân thường, số liệu thương vong cuối cùng của trận chiến tại Huế đã lên tới hơn mười nghìn người, và cuộc tranh luận liên quan đến chiến tranh ở Hoa Kỳ luôn đề cập tới số người tử nạn, chứ không phải là các chiến thắng. Và người dân Mỹ không bao giờ tin tưởng hoàn toàn vào lãnh đạo của họ ".

Nhà văn Thái Bá Lợi nói: “Trong suốt thời gian trụ ở Thành Nội Huế, trung đoàn chúng tôi chỉ trực tiếp đánh nhau với quân Mỹ. Không thấy quân Sài gòn đâu cả. Còn nhân dân thì cũng đã tản cư gần hết, chúng tôi ít khi được gặp người dân”.

TT

-------------------------

KỲ 2: TRÙNG TU KÝ ỨC, LÀM SAO?



 


.