Bùi Huyền Tương với "Theo nhịp mùa đi"

09:02, 02/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là giáo viên dạy Toán ở một trường THCS xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), nhưng Bùi Huyền Tương lại bén duyên với thi ca và cho ra đời những tập thơ, tản văn mang dấu ấn riêng. Mỗi một tác phẩm đều thể hiện những nỗi niềm, khắc khoải và đó cũng là những ký ức về một thời đã qua của anh. Đến với tập thơ “Theo nhịp mùa đi”, người đọc sẽ thêm hiểu về con người rất đỗi mộc mạc, chân thành này.
 

“Theo nhịp mùa đi” là tập thơ được Nhà xuất bản Văn học xuất bản vào cuối năm 2017. Đây là tập thơ thứ 2 được xuất bản sau tập “Ngấm khúc ca dao”. Toàn bộ tập thơ được tác giả chọn lọc và trình bày theo trình tự thời gian.

Mở đầu tập thơ là một khởi đầu mới của một năm mới và bắt đầu bằng mùa xuân, với tác phẩm “Thế là một mùa xuân”. Bài thơ là sự hoài niệm về tuổi thiếu niên: “...Tựa hồn xuân/Sớm mai này/Em dung dị/Cùng ta quay trở về/Loanh quanh níu giữ hồn quê/Thủa ngây ngô/Thủa vụng về/Còn đây...”.

Không chỉ hoài niệm về những gì đã qua, mà Bùi Huyền Tương còn dành tình cảm đặc biệt cho những mảnh đất anh đã đến. Trong đó phải kể đến huyện đảo Lý Sơn. Có lẽ vì thế mà ông dành rất nhiều “đất” trong “Theo nhịp mùa đi” cho hòn đảo thân thương này. Nếu như ở “Hồn gió” là những cảm nhận về những hùng binh một đi không trở lại để rồi linh hồn theo gió mây trở về với những ngôi mộ gió, thì ở bài thơ “Đá Lý Sơn” giúp người yêu thơ thấu cảm được tình đá và tình người. Bởi Bùi Huyền Tương khéo léo mượn đá để ca ngợi tấm lòng của người dân Lý Sơn: “Qua bao vật vã quặn đau/Sinh ra từ lửa nương nhau tượng hình/Ôm lấy đảo hiến dâng mình/Bể dâu đá vẫn trọn tình nước non...”.

Đâu đó trong thơ Bùi Huyền Tương thi thoảng ta vẫn bắt gặp bóng dáng của người con gái một thời anh thầm thương trộm nhớ, hay những tiếc nuối về mối tình không trọn vẹn. Qua các tác phẩm, tác giả đã đưa những trăn trở, những hoài niệm của mình. Đối với anh đó là những chuỗi ngày với bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng đọng lại những ký ức của một thời. Bùi Huyền Tương đã chọn cho mình lối thể hiện các tác phẩm theo thể thơ tự do truyền thống nhưng đôi lúc có sự phá cách nhẹ: “Ngỡ đã quên bởi- vực- bờ- lau- lách/Ta với chiều và phố lặng lờ trôi/Tình cờ/Em/Phía sau ta lẽo đẽo...” (“Tình cờ ta gặp lại nhau”). Chính sự phá cách đã khiến người đọc thấy được sự tương tác hai chiều giữa nam và nữ. Để giữa “em” và “ta” có sự giao thoa, quấn quít nhau.

Bùi Huyền Tương được sinh ra trong một gia đình nông dân có đông anh em. Cuộc sống gia đình khó khăn. Mẹ mất sớm, có lúc cậu bé thôn quê nghèo khó này đã phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh, nhưng rồi với ý chí quyết tâm thoát khỏi cái nghèo đã trỗi dậy. Chính vì vậy, anh luôn đưa những gì xuất phát từ cuộc sống, những chân chất của người nông dân vào trong thơ. Đặc biệt, dù mẹ mất sớm, nhưng tác giả vẫn luôn hoài niệm về mẹ qua những lời kể của người cha, để từ đó cho ra đời những vần thơ chan chứa yêu thương: “Thuở lên năm/Trong bữa cơm chiều/Con lỡ đũa/Mẹ mắng yêu: Kìa con. Hư thế!/Rồi ngùi ngùi: Tội quá!Con tôi.../Nửa thế kỷ/Trôi.../Bữa cơm chiều/Cổ tích...” (“Cổ tích”).

Nói về Bùi Huyền Tương, Phó Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Hồ Văn Minh, cho hay: “Bùi Huyền Tương viết văn và sáng tác thơ từ cảm xúc chân thực trong cuộc sống. Trong những năm gần đây, anh có nhiều sáng tác được chọn đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Thơ Bùi Huyền Tương có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Anh chú trọng diễn đạt ngôn ngữ thơ cách tân mang hơi thở nhịp sống đương đại giàu hình tượng. Có thể nói, Bùi Huyền Tương có nét riêng trong thơ ca Quảng Ngãi hiện nay”.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.