Ấm áp bên nồi bánh tét

07:02, 14/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tết đồng nghĩa với sự vui tươi, ấm cúng, đủ đầy, nhưng không khí rộn ràng, thú vị nhất vẫn là thời gian trước Tết; đặc biệt là khoảnh khắc mọi người xúm xít ngồi quanh bếp lửa canh bánh tét, vừa chờ đón giao thừa.

TIN LIÊN QUAN

Trong không gian yên ả, hơi se lạnh của ngày cuối năm, ánh lửa và làn hơi nhẹ mỏng của nồi bánh phả vào những gương mặt thân thuộc mang đến cho mỗi người một cảm giác dịu nhẹ, lâng lâng đến khó tả. Có lẽ không tìm đâu thấy hình ảnh về sự sum họp vừa đẹp, vừa thật giản dị như hình ảnh cả gia đình ngồi quanh bếp lửa hồng canh nồi bánh tét.

Ba thế hệ bên nồi bánh tét.                                                          ẢNH: NGÔ THANH BÌNH
Ba thế hệ bên nồi bánh tét. ẢNH: NGÔ THANH BÌNH


Bánh tét ở miền Trung, đặc biệt là Quảng Ngãi quê tôi rất mộc mạc, không cầu kỳ như bánh tét ở vùng quê Nam Bộ. Nguyên liệu để làm bánh tét có nếp dẻo, đậu xanh cà vỏ, thịt mỡ và một ít gia vị.

Để làm bánh tét ngon ngoài thịt, đậu nhất thiết phải có nếp hương. Ruộng đồng ngày trước mỗi năm chỉ làm một, hai vụ. Vụ gặt tháng 10, nhà nào có nếp thì phơi thật khô để dành cuối năm làm bánh tét, bánh nổ. Nhà không cấy nếp thì mang lúa sang hàng xóm đổi lấy nếp về gói bánh tét. Nếp hương tháng 10 mang cả hương đồng gió nội dẻo thơm đến từng hạt tạo hương vị rất ngon cho bánh tét.

Kỹ thuật gói bánh và nấu cũng rất quan trọng để có được bánh ngon. Người gói bánh khéo là đòn bánh phải tròn, đều, khi cắt ra nhân bánh nằm ngay chính giữa hoặc nhân bánh có hình tam giác. Khi nấu người ta cho nước gần sôi mới xếp lá chuối xuống đáy nồi, sau đó xếp các cây bánh tét đã gói theo chiều đứng cốt là để khỏi cháy nồi.

Đổ nước ngập bánh chừng mười phân, đậy lá chuối lên trên để khi nấu hơi ít thoát ra ngoài. Củi nấu phải là củi gộc. Ban đầu cho lửa cháy to để sôi đều, sau rút bớt củi để nồi nước sôi liu riu độ nóng lan tỏa cho bánh chín đều. Thời gian nấu bánh tét thường từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ, cứ khoảng nửa thời gian thì trở đầu bánh lại. Khi bánh đã chín, công đoạn cuối cùng là người nấu vớt ra ngâm nước lạnh, để bánh nguội rồi treo lên cho ráo nước. Làm như thế bánh sẽ để được lâu, không “lại” bánh sau vài ba ngày.

Bánh tét trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là để ăn, mời khách nên ngoài tính chất ẩm thực bình thường còn mang ý nghĩa nghi lễ truyền thống đã ghi sâu vào tâm thức người Việt. Bánh tét cũng mang ý nghĩa nhân sinh để con người thỏa sức ngẫm ngợi. Bánh được bọc nhiều lớp lá như mẹ bọc con, như tình chị em đùm bọc lẫn nhau. Bánh tét còn chứa đựng cả thuyết âm dương ngũ hành ở trong đó. Màu xanh của lá chuối gói bánh, màu vàng của đậu làm nhân bánh, màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ, màu đen của tiêu tượng trưng cho ngũ hành. Đây cũng là sự trà trộn âm dương theo triết lý phương Đông.

Có giả thuyết cho rằng, bánh tét là do người Chămpa cổ làm ra, bởi cư dân này thời xa xưa thờ thần lúa và có tín ngưỡng phồn thực. Hình dáng đòn bánh tét giống hình tượng Linga. Một bộ phận người Việt sau này học cách làm bánh tét của người Chăm. Lại có người cho rằng vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã nhận được quà biếu là một đòn bánh hình trụ gói bằng nếp thơm, nhân là đậu xanh và thịt. Tét ra ăn thấy ngon, Nguyễn Huệ lệnh cho mọi người làm bánh này để cúng trong dịp Tết và gọi tên là bánh tét. Cũng có một số người quả quyết bánh tét là sản phẩm “chính chủ” của người Việt.

Trên chặng đường dài Nam tiến vào vùng đất mới khai khẩn, lập nghiệp, tổ tiên chúng ta đã cải biên thứ bánh dày, bánh chưng truyền thống thành đòn bánh tét, để dễ mang theo làm “lương khô” dọc đường. Chính vì thế, trên bàn thờ ngày Tết người dân đất Quảng luôn có thức cúng là bánh tét để tưởng vọng, ghi nhớ công ơn tổ tiên...

Bánh tét cùng với củ kiệu, thịt kho, dưa món đã góp phần làm nên hương vị Tết Quảng Ngãi xưa. Theo thời gian, nhiều thứ đã thay đổi để phù hợp với lối sống đương đại, thế nhưng nhắc đến bánh tét là hầu như mọi người lại liên tưởng đến bếp lửa hồng ấm áp, nơi đó trở thành biểu tượng đẹp đẽ của sự sum họp gia đình.

Thanh Tánh
 
 


.