Lời ca, tiếng đàn bên dòng Phước Giang

09:01, 05/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị các thiết bị nghe nhìn đa phương tiện hay những dòng nhạc thị trường chiếm lĩnh, nhưng bên dòng Phước Giang (Minh Long), tiếng đàn B’roát, B’row du dương, cùng làn điệu K’lêu, K’choi mượt mà  khiến nhiều người mê hoặc...

Du dương tiếng đàn B’roát, B’row

Những ngày cuối năm, mưa rả rích. Con đường dẫn về nhà của hai chị em nghệ nhân Đinh Thị Đờ, Đinh Thị Đê, thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long) vẫn còn lầy lội bùn đất. Vậy nhưng vừa đến đầu ngõ, những mệt nhọc của chúng tôi đã được xua tan bởi tiếng đàn du dương, trầm bổng cùng giọng hát mượt mà, sâu lắng. Nhìn thấy khách lạ, bà Đê cười xòa, chỉ vào cây đàn B’roát 2 dây 9 nút và đàn B’row 8 dây rồi nói: “Hát cho vui nhà. Mà hai cây đàn này đều do chị em tôi tự làm để chơi cho đỡ nhớ, đỡ buồn đấy!”.

Hai chị em nghệ nhân Đinh Thị Đờ, Đinh Thị Đê hát và đánh đàn B'roát, B'row.             Ảnh: M.H
Hai chị em nghệ nhân Đinh Thị Đờ, Đinh Thị Đê hát và đánh đàn B'roát, B'row. Ảnh: M.H


Vừa nói, bà Đê vừa chỉnh lại dây đàn, rồi hai chị em lại tiếp tục ngân nga bài hát“Tiễn bạn lên đường ra trận”. Hai bà hát say sưa. Những ngón tay lướt nhẹ trên dây đàn điêu luyện và cuốn hút.

“Họ hát mừng khách đến nhà đấy! Ở huyện Minh Long, chỉ còn hai chị em nghệ nhân này là say mê chơi và biết chế tác B’roát, B’row, hai loại nhạc cụ được xem là linh hồn của đồng bào dân tộc thiểu số Hrê”, Trưởng ban Văn hóa xã Thanh An Đinh Qua nói. Vì vậy, những dịp lễ, Tết hay ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, hai chị em nghệ nhân Đinh Thị Đờ, Đinh Thị Đê lại có dịp mang đàn đi biểu diễn các khu dân cư. Có lẽ vì vậy mà hai cây đàn tuy cũ kỹ nhưng bóng bẩy...

Đàn B’roát, B’row làm bằng vỏ trái bầu và cây lồ ô, trông rất đơn giản. Nhưng theo bà Đê, hai loại đàn này lại rất khó làm. Chỉ những ai chơi được đàn mới biết cách chế tác sao cho đàn phát ra âm thanh trầm bổng, mượt mà. Chính vì vậy, không chỉ truyền đạt cách chơi đàn, bà Đờ và bà Đê còn dạy con cháu cách làm đàn B’roát, B’row.

Mượt mà làn điệu K’lêu, K’choi

Nếu bên tả dòng Phước Giang có tiếng đàn B’roát, B’row du dương thì, bên hữu con sông hiền hòa này cũng có làn điệu K’lêu, K’choi mượt mà, sâu lắng. “Ta đi lên/Chúng ta bên nhau Việt-Lào-Khơ me anh em/Cùng chung dòng sông Mê Kông đắp xây hòa bình/Với truyền thống diệt ngoại xâm/Bên nhau đánh Mỹ/Sát vai cùng nhau đấu tranh/Ta nguyện đồng tâm gìn giữ núi sông/Chung xây hòa bình/Giữ gìn đất nước chúng ta/Sắc tươi dưới trời tự do”... Giọng hát của hai nghệ nhân Đinh Thị Rây, Đinh Thị Ý ở thôn Ngã Lăng, xã Long Mai vang lên ngọt ngào và ấm áp.

Đam mê và có tình yêu đặc biệt với các làn điệu K’lêu, K’choi nên dù đã bước qua tuổi 70, hai nghệ nhân Đinh Thị Ý, Đinh Thị Rây vẫn nhiệt tình hát và dạy hát. Phần lớn khán giả là các cháu nhỏ nên căn nhà của bà Ý, bà Rây luôn rộn ràng, nhộn nhịp câu hát, tiếng cười.

“Đám nhỏ thích nghe già hát ru. Già vui lắm!”, bà Ý nói. Không phấn khởi sao được khi hiện nay, chẳng còn nhiều người biết và thích nghe làn điệu K’lêu, K’choi của đồng bào Hrê, vì họ bị cuốn vào các dòng nhạc thị trường. Vì vậy, khi thấy trẻ con yêu thích các loại nhạc cụ, những bài hát ru, không chỉ già Ý, già Rây vui mà những người nặng lòng với đàn B’roát, B’row hay làn điệu K’lêu, K’choi cũng khấp khởi hy vọng. Bởi, theo cán bộ văn hóa xã Long Mai Đinh Văn Minh, ngoài hai nghệ nhân Đinh Thị Ý, Đinh Thị Rây thì xã Long Mai cũng không còn ai biết hát làn điệu K’lêu, K’choi.

Chia tay già Ý, già Rây khi những khán giả nhí đã chìm vào giấc ngủ. Những câu hát ru “Ngủ ngủ đi con, bà ôm bà thương/Ngủ ngủ đi con, để mẹ đi làm/Ngoan ngoan đi con/Bà yêu bà thương...” vẫn cứ văng vẳng vang lên thật ngọt ngào và ấm áp. Nhìn nụ cười hồn hậu, giọng hát nhẹ nhàng của già Ý, già Rây hay tiếng đàn réo rắt của bà Đê, bà Đờ, tôi nghĩ, những nghệ nhân ấy đang cố gắng thổi vào hồn “đám nhỏ” bản sắc tinh hoa của đồng bào mình, với tất cả tình yêu và kỳ vọng.



MỸ HOA    



 


.