Di tích các chiến sĩ hy sinh Tết Mậu Thân năm 1968: Cần nâng cấp xứng tầm với giá trị lịch sử

05:01, 29/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân TP.Quảng Ngãi đối với di tích tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi).

TIN LIÊN QUAN

Sau hai lần tôn tạo, đến nay phù điêu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn chưa được nâng cấp thành tượng đài. Đó là điều mà người dân và chính quyền nơi đây luôn trăn trở. Ông Bạch Văn Huynh (71 tuổi) ở tổ 4, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), cho biết: Đến ngày 20 tháng Chạp và 10.3 (Âm lịch) hằng năm, người dân ở xung quanh di tích đều tự nguyện đóng góp tiền, công sức tổ chức lễ cúng, để tri ân các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

 

 Di tích tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi).
Di tích tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi).

Tuy nhiên, điều mà ông Huynh và người dân nơi đây mong muốn, đó là cần sớm nâng cấp phù điêu lên tượng đài, để xứng tầm với quy mô của di tích. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây, mà còn là sự tri ân sâu sắc đối với các liệt sĩ. Ông Hoàng Anh Báu (68 tuổi) ở tổ 4, phường Nghĩa Chánh cho rằng, việc xây dựng tượng đài sẽ góp phần vào việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về những công lao to lớn của các bậc cha anh đi trước, để từ đó nỗ lực trong rèn luyện, học tập, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

"Việc xây dựng tượng đài là mong  muốn lớn lao của người dân nơi đây, qua đó góp phần vào việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về những công lao to lớn của các bậc cha anh đi trước, để từ đó nỗ lực trong rèn luyện, học tập, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước".
Ông HOÀNG ANH BÁU (68 tuổi) ở tổ 4, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).
Trưởng Phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi Phạm Thị Phương Nhung, cho hay: Tháng 12.1990, UBND thị xã Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) đã xây dựng phù điêu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong mùa xuân năm 1968 để tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho quê hương, đất nước. Phù điêu với các hạng mục: Hai bậc tam cấp xây bằng đá, tiếp đến là một mặt bằng rộng 3m, dài 6m, trên là mảng phù điêu dài 6m rộng 3m thể hiện hình tượng người chiến sĩ tổng tiến công, chính giữa là hình tượng báng súng thể hiện ý chí chiến đấu không lùi bước trước kẻ thù.

Nhằm bảo vệ di tích và góp phần giáo dục cho các thế hệ về ý chí đấu tranh kiên cường của quân và dân ta cũng như mong muốn bảo vệ nền hòa bình, tỉnh ta đã quan tâm đưa vào dự án chung trong việc xây dựng và bảo vệ di tích. Theo đó, dự án có 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 (đền bù, giải phóng mặt bằng), giai đoạn 2 (sân nền, tường rào, cây xanh...), giai đoạn 3 là xây dựng tượng đài.
 
“Đến nay, UBND TP.Quảng Ngãi đã hoàn thành 2 giai đoạn. Riêng giai đoạn 3 chưa thực hiện được do nguồn lực của địa phương có hạn. Vì vậy, khi có chủ trương của tỉnh và đủ nguồn lực thì địa phương sẽ thực hiện việc xây dựng tượng đài”, bà Nhung nhấn mạnh. Cũng theo bà Nhung, ngày 27.7 hằng năm, Phòng VH-TT đã phối hợp với người dân địa phương kêu gọi đóng góp, để tổ chức dâng hương và lễ giỗ, nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

Để khu di tích xứng tầm là di tích lịch sử cấp tỉnh, năm 2006, UBND TP.Quảng Ngãi đã cho tôn tạo, nâng cấp di tích lần thứ 2. Từ đó đến nay, di tích được chính quyền và nhân dân thường xuyên chăm sóc. Việc xây dựng tượng đài là chủ trương đúng đắn, nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.