"Bài ca xuân 68": Những vần thơ giục giã tiến công

04:01, 27/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuân Mậu Thân 1968, một mùa xuân đã để lại một mốc son trong lịch sử dân tộc. Trong mùa Xuân này, bên cạnh những vần thơ xuân dậy sóng của Bác Hồ, "Bài ca xuân 68" của Tố Hữu cũng là những vần thơ có lửa, có hồn, giục giã chiến sĩ, đồng bào tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968.

Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đất nước chuẩn bị ra trận (ngày 23.1.1968, chỉ một tuần trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968). Lúc bấy giờ, sức mạnh của cách mạng đang dâng cao, chiến sĩ ta hừng hực khí thế. “Anh chị em ơi!/ Hãy giương súng lên cao, chào Xuân 68/Xuân Việt Nam/ Xuân của lòng dũng cảm”. Lời hiệu triệu đó đã chạm đến trái tim của đồng bào, chiến sĩ cách mạng của ta ở miền Nam, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

 Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh INTERNET
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh INTERNET


Tố Hữu đã khéo léo ngợi ca hình ảnh anh Giải phóng quân trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, đó là sự giản dị, khiêm nhường; sống, chiến đấu quên mình, xả thân vì Tổ quốc, được lịch sử và nhân dân ghi nhớ: “Hoan hô Anh Giải phóng quân/ Kính chào Anh, con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời !”.

Với mạch nguồn cảm xúc dạt dào, anh Giải phóng quân ấy luôn đi đầu, là mũi xung kích, quyết lập chiến công, giành chiến thắng với lòng quả cảm: “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/ Một dây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mỹ”; “Hỡi chàng dũng sĩ!/ Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo/ Bóng Anh đi... và vành mũ tai bèo/ Của Anh đó!”. Đến đây ta bắt gặp một hình ảnh rất đời thường, lạc quan là chiếc mũ tai bèo đẹp và mới lạ, nó mềm mại, nhưng vẫn đủ “che bom đạn, che mắt quân thù”. Bởi lẽ, anh Giải phóng quân của ta luôn phải hành quân đường xa, vượt núi đồi, sông suối hiểm nguy, nên với chiếc mũ tai bèo sẽ giúp chiến sĩ ta linh hoạt khi thâm nhập địa hình và tác chiến, làm cho kẻ thù khiếp vía. Vì thế, Tố Hữu đã viết: “Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả Lầu năm góc”.

Để soi đường dẫn lối trong cuộc kháng chiến chống đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức tài tình. Tố Hữu viết: “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng.../ Biết đi tới và làm nên thắng trận”. Đó là một niềm tin tưởng tuyệt đối của quân và dân ta trước khi xung trận, chính niềm tin và ánh sáng đó đã làm nên những mùa xuân lịch sử của dân tộc. “Ta đi tới, lòng ta như bay/ Với mỗi làn mây, với từng cơn gió/ Gió miền Bắc đang thổi vào miền Nam đó!...”. Đọc đoạn thơ này ta thấy như lời kêu gọi, lời tự sự, lời cổ vũ, chia sẻ của quân dân miền Bắc với chiến trường miền Nam ruột thịt...

Kết thúc bài thơ, Tố Hữu khắc họa anh Giải phóng quân của ta: “Như khí phách Trần, Lê/ Như oai vũ Quang Trung”; và tiếp tục thúc giục, kêu gọi quân và dân ta chung sức, đồng lòng đánh thắng đế quốc xâm lược: “Vì Độc lập, Tự do, núi sông hùng vĩ/ Vì thiêng liêng giá trị Con người/ Vì muôn đời hoa lá xanh tươi/ Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất”. Thông điệp ấy là truyền thống làm nên sức mạnh thần kỳ của dân tộc Viêt Nam từ bao đời, nay tiếp tục tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh!

Bài ca xuân 68 là một trong rất nhiều bài thơ đặc sắc của nhà thơ Tố Hữu, mang âm hưởng khái quát, hùng tráng khác thường, đem đến niềm tin cho cả một thế hệ chiến sĩ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên cuộc đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam...

Bùi Văn Tạo

 


.