Phạm Thanh Lương - Tình thơ một khúc trao nhau

11:12, 31/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ba tập thơ “Thơ của Biển”, “Hai nửa yêu thương” và “Mùa đã cũ”, Phạm Thanh Lương, sinh năm 1978, là Hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, hiện công tác tại Sở TT&TT Quảng Ngãi đã cho ra mắt  “Tình thơ cho em”. Tập thơ thứ tư này đã minh chứng đầy đủ sự hoàn thiện trong độ chín của việc sử dụng ngôn từ cũng như biết tiết chế cảm xúc khi đi vào địa hạt quen thuộc mà nhiều người từng  khám phá - thơ tình.
 

“Tình thơ cho em” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), như đúng tên gọi, 56 bài thơ thì quá hai phần ba viết về tình yêu đôi lứa. Những điệu hồn cất lên khi e dè, sâu lắng khi  nồng nàn, mãnh liệt. Có hờn ghen, xuyến xao, có lời tỏ bày, thủ thỉ. Mọi cung bậc cảm xúc được tác giả thể hiện chỉnh chu, không sáo mòn, không câu nệ và rất thật như bản thân trải nghiệm, nửa muốn giữ kín cho mình, nửa muốn giãi bày để mọi người soi vào đó: Chạnh lòng ôm mối tình thơ/Thềm leo hoa tím dại khờ thời gian/Tôi nay tiếc nỗi vội vàng/Tình thơ chưa nói nhỡ nhàng hư không! (Tình thơ cho em).

Một tình cảm đã xa, nay chỉ còn hoài niệm đẹp dẫu rằng chưa trọn vẹn. Những câu thơ nhẹ nhàng gieo vào lòng bởi cái tình người viết. Nó làm chạnh lòng, bởi đâu đó trên thế gian này, mấy ai mà không rơi vào tình cảnh ấy, để mỗi lần nhắc về thấy xốn xang cõi lòng. Yêu và được yêu là hạnh phúc, là đắm say trong vòng tay đợi chờ, âu yếm. Thế nhưng khi tình đã vỡ, mộng không thành thì những gì sót lại của kỷ niệm đều làm cho tâm hồn bất an và luôn tự hỏi “Còn gì cho nhau”. Phố đã tắt tình ta mãi lang thang/Bước cô độc qua thềm hoang nỗi nhớ.

Nỗi nhớ về ngang, để gợi thức trong ta những gì đã trải, những yêu thương từng được gói ghém, từng được vỗ về. Bằng giọng thơ lục bát sở trường, qua bài “Giao mùa”, nhà thơ đã gieo vào lòng ta nỗi niềm day dứt: Phố nhỏ/ Quen phút chờ mong/Nỗi nhớ về ngang/ Đắng lòng lỗi cũ. Dù vẫn cách ngắt nhịp thông thường của thể thơ truyền thống nhưng cách vắt dòng đã làm cho câu thơ chững lại, ý thơ sâu đằm, thổn thức khiến người đọc cũng dừng lại để lắng nghe, để hòa nhịp cùng người viết. Kỷ niệm, nhất là kỷ niệm về những cuộc tình bao giờ cũng đẹp, đáng trân trọng dù vì lý do gì đi chăng nữa. Quá khứ buồn để ta hoàn thiện hơn trong hiện tại. Vậy nên, trong “Tình xa”, nhà thơ thủ thỉ riêng mình mà như nói hộ bao người: Đồng chiều nắng trải chang chang/Mình tôi một bóng lang thang lối về.

Bằng cái nhìn sâu sắc, bằng sự cảm nhận đa chiều của một người chịu nhiều va đập bởi cuộc đời, Thanh Lương độ lượng, sẵn sàng thứ tha cho những điều không được bù đắp, sẻ chia. Buồn lắm đấy, nhưng nỗi buồn kia không bắt ta ủ dột, không cuốn ta vào nỗi bận lòng, chán nản mà đủ để ta quay tìm những gì sót lại của cuộc tình đã qua: Không em tôi về lối nhỏ/Cuối phố chờ mong lá cỏ hao gầy (Đợi tình). Tuy nhiên, người thơ đôi lần cũng bất lực khi cảm xúc bắt anh phải thỏa hiệp trước hệ lụy đớn đau của một mối tình. Men rượu cứu rỗi hay khoét sâu thêm nỗi niềm? Tôi về/Gom mối xót xa/Chìm trong men đắng/Nhìn tà dương rơi (Men rượu đắng).

Phạm Thanh Lương ngoài đời và trong thơ vẫn thế. Sự lãng mạn, đa tình trong vẻ ngoài vạm vỡ, có phần thô ráp. Với “Tình thơ cho em”, anh đã phản ánh sinh động điệu hồn bản thân, khi chòng chành trong vùng miên tưởng, lúc riết róng trong  ký ức đẹp một thời. Tập thơ, nhiều bài có tứ sâu sắc, ý nhị, nhiều dư vang trong lòng bạn đọc khi anh trần tình sâu sắc về cuộc đời, đằm dịu lẽ nhân sinh.

 SƠN TRẦN
 


.