Bảo vệ kinh doanh ẩm thực đường phố

10:12, 30/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếu Đài truyền hình Mỹ CNN từng nhận xét: “Nước Mỹ đã sinh ra những nhà hàng di động, nhưng Việt Nam mới là thiên đường ẩm thực đường phố”, thì hiện nay, thiên đường ấy đang bị tấn công bởi các công ty nước ngoài. Một chuyên gia thương hiệu và nhượng quyền người Việt đã nhận xét: “Trong thời gian tới sẽ có nhiều chuỗi ẩm thực đường phố Việt được xây dựng bởi những đại gia nước ngoài. Sau đó họ sẽ bán nhượng quyền ngược lại những thương hiệu đó cho chính người Việt”.

Của mình, mình ăn thấy rất ngon, thế giới cũng khen ngon, vậy mà phải chịu cho người ta tổ chức thương hiệu, tổ chức chuỗi thương hiệu, rồi... bán lại cho mình xài. Sao kỳ vậy? Nhưng chuyện kỳ lạ ấy đang xảy ra.

“Tập đoàn C.P Group của Thái Lan không ngừng mở rộng hệ thống chuỗi ẩm thực đường phố Five Star với mô hình xe đẩy và ki-ốt, nhượng quyền thương hiệu cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ, ít vốn tại nước ta. Chuỗi này tập trung bán gà rán, gà quay... Điều đáng chú ý là thị phần của chuỗi này tăng rất nhanh, từ mức 26,5% năm 2013 nhảy vọt lên mức 71,3% trong năm ngoái”.

Nhưng tôi cũng phải nói ngay mà không sợ sai, rằng món gà rán hay gà quay của tập đoàn này, giống như các món tương tự của chuỗi nhà hàng Hàn Quốc Lotteria, sau thời gian giới trẻ Việt tỏ ra háo hức đón nhận, giờ tăng trưởng đã chậm hơn rất nhiều. Nghĩa là vẫn còn rất nhiều cơ hội cho món ăn đường phố của Việt Nam “chiếm lĩnh” người tiêu dùng Việt, miễn là phải biết tổ chức.

Không thể cứ tập trung hàng rong, trong đó có nhiều hàng rong bán các món ăn đường phố, vào những khu riêng biệt. Vì lợi thế lớn nhất của hàng rong là chúng... rong, rong ruổi trên mọi ngả đường, từ phố lớn vào hẻm sâu, chúng phục vụ tận tay tận... miệng người tiêu dùng. Sức cơ động rất lớn của hàng rong ẩm thực đã góp phần làm bất tử nhiều món ăn đường phố.

Cũng đừng nghĩ người nước ngoài khi tới du lịch hay làm việc tại Việt Nam chỉ thích tới các trung tâm ẩm thực. Rất nhiều khách nước ngoài rất thú vị với các món ăn đường phố được bán trên các xe đẩy hay quang gánh, và họ ăn thoải mái như chúng ta ăn trên đường phố, vậy thôi.

Điều ấy mang lại những trải nghiệm mới lạ cho khách nước ngoài, và họ rất ca ngợi những gánh hay xe đẩy hàng rong bán các món ăn truyền thống Việt. Lớp trẻ thích cái mới, ban đầu họ sẽ thưởng thức gà rán hay gà quay, nhưng rồi họ sẽ nhanh chóng quay trở lại với các loại bánh quê, xôi lúa, bánh mì thuần Việt, hay nhiều món ăn dân dã khác. Bởi người Việt vẫn có một khẩu vị riêng, cách tiếp cận thức ăn không giống nhiều dân tộc khác. Vì sao bánh bèo, bánh nậm, bánh canh mình ăn hoài không ngán? Chính vì khẩu vị người Việt mình đã “chấm” những món ăn ấy rồi, xa là nhớ, gặp là... ăn.

Vấn đề bây giờ chỉ là khâu tổ chức thương hiệu, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng và tiến tới mở chuỗi, nhượng quyền trong nội bộ người Việt.

Một thông tin tin cậy cho biết: “Tổng giá trị thị trường của ngành ẩm thực đường phố Việt Nam đạt gần 47.000 tỷ đồng. Hiện cả nước có khoảng 149.000 điểm bán thức ăn đường phố, nhưng chỉ mới có 0,59% cửa hàng có thương hiệu. Trong khi con số này ở Hong Kong là 5%, Đài Loan là 30%, Singapore 10%, Philippines 21%...”.

47 nghìn tỷ đồng, một con số quá lớn trong khi nó được dựng lên từ những gánh hàng rong, những xe đẩy, những quán cóc vỉa hè... Làm sao lập được “chuỗi ẩm thực đường phố Việt” để những quang gánh, xe đẩy ấy cũng được mang thương hiệu Việt, được chính danh và hoạt động một cách hoàn toàn hợp pháp.

Nếu không làm ngay từ bây giờ, thì người nước ngoài, những công ty nước ngoài sẽ lập tức nhảy vào chiếm lĩnh. Lúc ấy thì những người lao động nghèo bán những món ăn ngon nhưng rẻ tiền sẽ trở thành những người làm thuê cho những ông bà chủ ngoại quốc. Họ vẫn kinh doanh ẩm thực Việt, nhưng tiền thì họ thu. Và ai dám nói, họ sẽ đóng thuế thế nào?


THANH THẢO
 


.