Nước Nga trong tôi...

10:11, 06/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngay từ ngày còn nhỏ tôi đã thuộc bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa có những câu  khá hay viết về hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài Lê Nin: “Ông Lê Nin ở nước Nga/ Mà em lại thấy rất là Việt Nam/ Cũng vầng trán rộng thênh thang/ Y như trán Bác mênh mang đất trời...".

Tôi nhớ những ngày đó đang kháng chiến chống Mỹ, trên tường nhà của mỗi người dân Việt Nam nơi trang trọng nhất đều treo hai tấm ảnh: Bác Hồ và Lê Nin. Hình ảnh Lê Nin gắn với Cách mạng Tháng Mười Nga. Hình ảnh Bác Hồ gắn với Cách mạng Tháng Tám và đặc biệt là ngày Quốc khánh 2.9, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trên lễ đài Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Mùa thu vàng tuyệt đẹp ở nước Nga.                        Ảnh: Internet
Mùa thu vàng tuyệt đẹp ở nước Nga. Ảnh: Internet


Nước Nga trong tôi bắt đầu từ những biểu tượng tinh thần như thế. Và khi lớn lên, qua những trang sách ấm áp, nhân hậu của văn học Nga, đến những giai điệu êm đềm say đắm của dân ca Nga, của những ca khúc “Đôi bờ” da diết, rồi “Chiều hải cảng” mênh mang, tôi mới biết thêm vẻ đẹp của tâm hồn Nga, thiên nhiên Nga. Nước Nga đã quyến  rũ và mê hoặc tôi từ những năm tháng tuổi trẻ của một “Thép đã tôi thế đấy”.

Và những câu thơ của thần đồng Nga Ê- Xê-Nhin viết về nông thôn Nga, một vẻ đẹp sâu thẳm nhất của tâm hồn con người Nga chất phác, cần cù và đôn hậu: “Ôi nước Nga cánh đồng màu thắm đỏ/ Và màu xanh ngả xuống giữa lòng sông/ Tôi yêu đến sướng vui và đau khổ/ Nỗi sầu thương hồ nước trải mênh mông”...

Điều đó cho tôi hiểu, vì sao những năm tháng chiến tranh ác liệt, những người lính Việt Nam trong chiến hào khói lửa vừa bắn giàn hỏa tiễn Nga viện trợ quân sự mang tên “Ca - Chiu - Sa” xuống đầu quân giặc, họ vừa hát vang bài hát “Ca - chiu - sa”, với giai điệu tâm hồn Nga da diết và tin yêu niềm tin chiến thắng...

Nước Nga trong tôi với Cách mạng Tháng Mười Nga tròn một thế kỷ, nhưng vẫn có cảm giác mới như hôm qua, với sức sống trường tồn vẻ đẹp lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Tôi lại nhớ đến hình ảnh “Chiếc lều cỏ” của Lê Nin bên bờ sông lộng gió khi Người từ Phần Lan trở về để viết những chương đầu tiên “Nhà nước và Cách mạng”, mà trong thơ, Tố Hữu đã viết: “Lịch sử thường đi những lối không ngờ/ Một lều cỏ là mũi tên chỉ hướng/ Mái tóc giả che vầng trán rộng/ Như bóng mây giấu ánh mặt trời”.

Cũng như hình ảnh Bác Hồ về hang Pắc Bó (Cao Bằng) với: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Hai vĩ nhân đều rất giản dị, nhưng vĩ đại. Cả hai cuộc cách mạng: Tháng Mười Nga và Tháng Tám Việt Nam đều diễn ra trong mùa thu như những dấu mốc thời gian lịch sử. Một mùa thu tuyệt đẹp, tươi sáng, với tâm hồn Nga nồng hậu, say đắm trong tôi như thế...

NGUYỄN NGỌC PHÚ
 


.