Những trang sách Nga

09:11, 04/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dành những tình cảm đặc biệt đối với nước Nga, thể hiện tình yêu với nước Nga theo nhiều cách khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là luôn gìn giữ những trang sách bằng tiếng Nga. Hơn nửa thế kỷ qua, những trang sách Nga dù đã úa màu theo thời gian vẫn được chủ nhân của nó trân quý.
 

Trên căn gác nhỏ của gia đình, hơn 400 cuốn sách bằng tiếng Nga được ông Lê Văn Nhân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Dù đã 60 năm, nhưng ông vẫn quý và gìn giữ từng trang sách Nga, chưa bao giờ có ý định thanh lý.

Ông Nhân chia sẻ: Tiếng Nga như là cuộc sống của mình, từ lúc được học đến lúc giảng dạy, khi về hưu đã mấy chục năm và dù tiếng Nga đã không còn sử dụng nhiều, nhưng tình yêu với tiếng Nga, đất nước Nga, với con người Nga chưa bao giờ vơi trong tim tôi. Bởi thế hệ chúng tôi gắn liền với tiếng Nga và khi mình hiểu tiếng Nga, nói tiếng Nga, đọc sách Nga, thì tình yêu đó cứ sống mãi. Con cháu trong nhà cứ bảo, cho hay bán sách hết đi, chứ để chi nhiều vì có ai sử dụng nữa đâu, nhưng tôi vẫn giữ cho riêng mình.

  Ông Nhân bên tủ sách tiếng Nga được gìn giữ suốt 60 năm.
Ông Nhân bên tủ sách tiếng Nga được gìn giữ suốt 60 năm.


Vì tình yêu đất nước Nga mà những cuốn sách bằng tiếng Nga được ông nâng niu, gìn giữ cẩn thận. Ông kể “cơ duyên” mà mình gắn liền với tiếng Nga: Lúc đầu, giống các cụ nghe nước Nga làm cách mạng như bài thơ: Bài ca Tháng Mười của cụ Tố Hữu viết: “Thuở Anh chưa ra đời/ Trái đất còn nức nở/ Nhân loại chửa thành người/ Đêm ngàn năm man rợ/ Nước mắt, máu, mồ hôi/ Đong hàng bát, hàng bát/ Bán đổi lấy cơm ôi/ Nhặt từng hạt, từng hạt... / Từ khi Anh đứng dậy/ Trái đất bắt đầu cười/ Và loài người, từ đấy/ Ca bài ca Tháng Mười!”.

Tôi nghĩ nước Nga làm được điều vĩ đại như thế thì yêu thôi. Nhưng tình yêu đó lớn dần, khi ông học tiếng Nga, dạy tiếng Nga ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Có cơ hội tìm hiểu về nước Nga nhiều hơn, đọc văn học Nga và tiếp xúc với người Nga, ông thấy đúng là dân tộc họ thật vĩ đại. Cái đáng quý ở người Nga là cốt cách chân phương, thật thà, đôn hậu.

Hình ảnh nhân vật từ trong tiểu thuyết Nga, từ những lời trong bài hát Nga cứ âm thầm, lắng đọng, nhưng lại luôn khơi dậy những tình cảm tươi đẹp, những cảm xúc không nói thành lời về đất nước Nga, con người Nga. Đó cũng chính là “nguyên nhân” để ông Nhân giữ những trang sách Nga bên mình suốt 60 năm qua

 

 Ông Trần Cao Minh với những cuốn sách Nga được bạn bè tặng.
Ông Trần Cao Minh với những cuốn sách Nga được bạn bè tặng.

Tôi được đến nước Nga vào thời điểm Đông Âu sụp đổ và chứng kiến được tình cảm của người dân Nga, trí thức Nga dành cho Lênin, cho Bác Hồ vẫn trước sau như một nên càng yêu mến Nga hơn. Từ tình yêu đó nên những cuốn sách Nga, tôi luôn trân trọng và gìn giữ cho riêng mình, dù thời gian có làm phai đi những trang sách.


Ông TRẦN CAO MINH


Mặc dù tuổi cao (86 tuổi), mắt không còn tinh anh, nhưng những tựa đề bằng tiếng Nga được ông đọc vanh vách như tiếng mẹ đẻ. Không chỉ có sách tiếng Nga, ông còn lưu giữ những đầu sách về tình hình nước Nga hôm nay với những đúc kết sâu sắc về sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đặc biệt là sách nói về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trong số những cuốn sách quý, ông giới thiệu cho chúng tôi cuốn sách mà ông tâm đắc: “Mười ngày rung chuyển thế giới” của nhà báo Mỹ John Reed, xuất bản đầu tiên năm 1919. Ông nói: Nước Nga được hàng triệu triệu người yêu mến nhờ làm nên cuộc cách mạng này. Đây là cuốn sách được Lê Nin chỉ thị in ra nhiều bản, nhằm giúp bạn đọc cảm nhận tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười dưới góc nhìn khách quan của một nhà báo. Sau bao nhiêu năm đọc lại, vẫn thấy chân thực, lay động lòng người.

Không có được cơ duyên như ông Nhân, nhưng cách ông Trần Cao Minh (89 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) gìn giữ những trang sách Nga cũng theo cách riêng của mình. “Đó là những cuốn sách bằng tiếng Nga được bạn bè tặng hồi còn học ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ những năm 1965. Ở thời điểm đó, chỉ có sách bằng tiếng Nga mới phục vụ tốt cho việc nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực nông nghiệp mà ông theo đuổi. Ngoài sách bạn bè tặng, thì cứ dành dụm được ít tiền là mua sách đọc. Sau này về nước, ông Minh cũng mang theo về và cứ thế nó gắn bó với ông cho đến tận bây giờ.

Ông Minh bộc bạch: Tiếng Nga chinh phục nhiều thế hệ người Việt Nam, trước tiên là bởi tình cảm với quê hương Cách mạng Tháng Mười, với đất nước của V.I.Lênin, sau nữa là vì chính sự xuất sắc của nền văn học Nga. Vào thời ấy, hết thảy những ai yêu văn học, ở độ tuổi học trò rồi sống đời sống sinh viên, hoặc ra mặt trận, đều mang trong lòng tình cảm và hình bóng một vài nhân vật hay tác phẩm văn chương Nga - Xô-viết. Ngày ấy, những tác phẩm thắp lên bầu nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam và trở thành cẩm nang gối đầu giường, là những Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên... Đến những bài hát Nga như: Đôi bờ, Nụ cười, Chiều Matxcơva... đã đi sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ từng có những năm tháng gắn bó với nước Nga, từng học tiếng Nga, hay chỉ đơn giản là dành tình cảm yêu mến cho xứ sở Bạch dương xinh đẹp.

Với những người yêu nước Nga như ông Nhân, ông Minh..., điều họ đau đáu nhất là, tiếng Nga đã không còn hưng thịnh như cách đây mấy chục năm. Việc lưu giữ những trang sách Nga như để chính các ông được sống lại một thời tươi đẹp nhất trong cuộc đời và mong muốn tiếng Nga sẽ được khôi phục ở các trường học trên cả nước.


Bài, ảnh: Thanh Thuận       

 


.