Hợp tuyển của Nguyễn Trung Hiếu

02:09, 10/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành Nguyễn Trung Hiếu - hợp tuyển. Đây là tập sách tuyển chọn hầu hết sáng tác của một đời văn thơ Nguyễn Trung Hiếu, gồm nhiều thể loại như truyện ngắn, bút ký, tạp văn và thơ. Gần chín mươi xuân, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông vẫn yêu đời, vẫn khát khao với cuộc sống, cháy hết mình qua từng trang viết.
 

Từ khi xa nhà đi kháng chiến, rong ruổi qua hai cuộc chiến tranh đã làm nên một Nguyễn Trung Hiếu đôn hậu trong cuộc sống, cháy hết mình trên những trang viết, khắc khoải với những hoài niệm thời chiến tranh. Bạn đọc trong và ngoài tỉnh hẳn đã quen thuộc với những bút ký, truyện ngắn thấm đẫm tình người của Nguyễn Trung Hiếu. Là một người viết văn, làm thơ, ông chăm chỉ như con ong đi hút mật, không ồn ào, không phô trương... ông đã lặng lẽ với chức phận ngòi bút của mình qua từng trang viết.

Ý thức được sự đòi hỏi nghiệt ngã của nghề cầm bút, cho nên ông luôn thận trọng, kỹ lưỡng. Bởi thế, đọc văn, thơ của ông, thấy văn chậm, giọng văn điềm tĩnh, liên tưởng rộng nhưng vẫn chặt chẽ, lô-gích. Nguyễn Trung Hiếu đã lạ hóa cái quen thuộc và hun nóng cảm xúc bằng những chuyến đi, bằng sự trăn trở chân thành, với hy vọng tạo ra những con chữ có hồn.
Và trước hết là sự đằm thắm, ông rất chú ý đến cái tình trong trang văn, cái thân phận của nhân vật. Người đọc có cảm giác bài nào, đoạn nào có điều kiện đi sâu diễn tả cái thắm thiết của con người, thì văn ông thắm lại, tha thiết và trào dâng như dòng lũ.

Việc và người trong ký Nguyễn Trung Hiếu chân thật, rõ ràng, chính xác. Cho nên đôi lúc, trang văn ông lại gióng lên hồi cảnh báo với các cấp quản lý địa phương và đầy sức thuyết phục, bởi nó cất lên từ những sự thật được nói bằng giọng kiềm chế, lịch sự, tuy rất thẳng thắn. Và không hiếm những đoạn văn, câu văn hóm hỉnh, giễu cợt, nhưng lại bao dung, đằm thắm.

Nguyễn Trung Hiếu cũng là chứng nhân của thời kỳ hòa bình xây dựng, biết trân trọng từng giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống luống cày; những suy nghĩ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất góp phần làm giàu cho đất nước: “Soi bóng dòng sông thác quẫy/ Tiếng xe reo hối hả công trường/ con trẻ ríu ran/ lao xao/ người như hội/ Ơi đất Dakring! Ơi bao con suối/ Ơi! Taman, phía ấy mặt trời lên” (Phía ấy mặt trời lên).

Ta vẫn nghe vang vọng tiếng gà xóm Bãi thật bình yên sau những trận càn của địch. Tiếng gà vang lên là tín hiệu của bình yên trên một miền đất bao năm bom cày, đạn xới, là khát vọng hòa bình của người dân lầm than, cơ cực: “Mỗi túp lều còn đây/ trải bao cơ cực/ phải giành từng tấm tranh/ nuộc lạt/ bằng mồ hôi/ cả máu của trăm người” (Tiếng gà xóm Bãi).

Ta cũng bồi hồi với tác giả vì tấm lòng bao la, độ lượng của bà mẹ ở Gò Tranh khi đất nước vừa tan bóng giặc. Mẹ trách yêu những đứa con mới ngày nào cơm nắm, muối dưa, nay có còn biết nhớ đến nơi này không?: “Thùng thùng trống giục làng bên/ Đàn gà chiêm chiếp trước hiên bới mồi/ Vui trong đôi mắt mẹ cười/ Mây in sắc lúa sắc trời dâu xanh” (Bà mẹ Gò Tranh).

Những trang viết nóng hổi của ông còn ghi dấu những nẻo đường rong chơi qua chiến trường xưa, gặp gỡ bạn bè, thi hữu và đến những miền đất lạ: “Hẳn mình không thể gặp mình thuở ấy/ Đường Hai Mươi bạn ở có mình/ Tiếng cuốc vọng đâu đây chừng khắc khoải/ Người ơi người, còn lại màu xanh” (Đường hai mươi).

Phong cách của Nguyễn Trung Hiếu là viết rất ngắn. Đó là thói quen của người làm thơ cô đọng cảm xúc và suy nghĩ. Viết ký thì phải kể người, kể việc, kể cả con số, ông có tranh thủ, nhưng không cà kê. Những trang viết của Nguyễn Trung Hiếu như những đoạn nhật ký chiến trường. Ông cần mẫn ghi lại những mảnh đất và con người trong chiến tranh - những trải nghiệm của ông một thời nay đọc lên nghe rưng rưng, vì nó quá chân thực gợi nhớ tháng ngày...


Bài, ảnh: HUỲNH THẾ
 


.